Bé trai bị chó cắn nát mặt, phải khâu 200 mũi

Đang chơi trước nhà, bé trai 3 tuổi không may bị chó cắn nát mặt, các bác sĩ phải phẫu thuật và khâu vết thương 200 mũi.

Sự việc xảy ra vào sáng 6.10, nạn nhân là bé Trần Trường Thịnh (3 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM). Bé Thịnh gặp nạn khi đang ngồi chơi trước nhà.

Chị Trần Thị Nam Chi mẹ bé Thịnh cho biết, sáng nay khi chị đang ở phía sau chuẩn bị cặp vở để đưa con đến điểm giữ trẻ thì bỗng nghe tiếng khóc thét của con trai. Chạy ra phía trước chị phát hiện con chó nuôi trong nhà đang cắn trên khuôn mặt con mình nên đuổi đánh.

“Khi con chó bỏ đi tôi muốn chết điếng khi thấy con trai bị chó cắn nát mặt, máu tuôn ra nhiều lắm”, chị Chi nói.

Cũng theo chị Chi, con chó cắn con trai là chó nhà nuôi được 3 năm và thuộc giống chó Phú Quốc. “Thường ngày, con chó rất hiền. Không biết sao sáng nay nó lại hung dữ cắn xé khuôn mặt bé. Có thể do nó thấy con trai tôi cầm cây vỉ đập ruồi tưởng đánh nó”, chị Chi nhận định.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình tức tốc đưa bé trai đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi cấp cứu. Sau khi sơ cứu, bé được đưa đến Viện Pasteur TP.HCM để chích ngừa sau đó bé được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM để khâu lại vết thương.

Bé trai bị chó cắn nát mặt, phải khâu 200 mũi - 1

Bé Thịnh bị chó nuôi cắn nát mặt được các bác sĩ phải khâu 200 mũi khâu thẩm mỹ trên mặt

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt và Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khuôn mặt có 19 vết rách lớn nhỏ, đứt lìa môi dưới, thủng phần má trái nghiêm trọng, thủng sâu mang tai.

“Sau gần 2 giờ, nhiều bác sĩ kinh nghiệm đã khâu khoảng 200 mũi khâu thẩm mỹ trên khuôn mặt bé, nhiều vết thương phải khâu nhiều tầng. Vết thương trên mặt sẽ lành nhưng di chứng của nó để lại khá lớn. Khuôn mặt bé sẽ bị sẹo và nguy cơ tổn thương dây thần kinh mặt, cười mặt sẽ bị xệ do vết thương quá sâu”, bác sĩ Đẩu cho biết.

Cũng theo bác sĩ Đẩu, chỉ trong 2 tháng gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị chó cắn thương tâm. Trong tháng 8, khoa Răng Hàm Mặt tiếp nhận bé nặng 7kg bị chó nuôi cắn kéo đi nhiều mét, mặt bị cắn nát phải khâu hàng trăm mũi. Một trường hợp khác, một bệnh nhi ở Bình Dương bị chó ngoại cắn lôi vào gầm ô tô dẫn đến vỡ xương hàm, thủng rách mặt nghiêm trọng.

Bác sĩ Đẩu khuyến cáo, nuôi chó phải cận thận và tránh xa trẻ em. Chó nuôi phải được nhốt và tiêm phòng. Khi thả chó phải khóa mõm. Trường hợp bị chó đã tiêm phòng cắn thì vẫn phải đưa bệnh nhân đi tiêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN