Bé trai 5 tuổi tử vong trên xe: Sự tắc trách của người lớn là tội ác
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, tất cả người lớn - những người có mặt trong trường hợp cháu bé 5 tuổi bị tử vong trên xe ôtô ở Thái Bình đều có lỗi.
Trách nhiệm trước hết thuộc về nhà trường
Liên quan đến vụ bé 5 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn tới tử vong ở Thái Bình, sáng 30/5, trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, trong thời gian học sinh đến trường, bất kỳ sự cố nào xảy ra cũng thuộc về trách nhiệm của nhà trường.
Nhận định, đây là câu chuyện rất đau buồn, đặc biệt khi xảy ra vào thời điểm cuối tháng 5 - khi trẻ em trên cả nước đang hướng đến Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) và Tháng hành động vì trẻ em, đại biểu nêu quan điểm, dường như khi xuống xe, giáo viên không kiểm lại số lượng học sinh. Lái xe cũng không kiểm tra xe. Ngay cả giáo viên phụ trách lớp cũng không có động thái kiểm tra sĩ số.
“Cháu bé tử vong trên xe đưa đón học sinh, do đó, không thể chối bỏ trách nhiệm của nhà trường được”, bà Nga nói.
Nhấn mạnh đây không phải lần đầu tiên sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra, bà Nga cho rằng tất cả người lớn, những người có mặt trong trường hợp cháu bé bị tử vong trên xe ô tô ở Thái Bình đều có lỗi.
“Tôi thấy, tất cả những người lớn có mặt trong câu chuyện này đều có lỗi. Và cao hơn nữa, trong những tắc trách về mặt công việc, có những sự việc mà gây hậu quả, có những sự việc gây hậu quả nghiêm trọng. Như trong trường hợp này, tôi thấy sự tắc trách, vô trách nhiệm của người lớn là một tội ác. Sự tắc trách này đã khiến một cháu bé mới chỉ 5 tuổi bị bỏ quên trên xe cả một ngày mà không ai phát hiện ra và dẫn đến kết cục đau lòng khiến cháu bé tử vong. Đây là một hồi chuông cảnh báo về nêu cao trách nhiệm trong công việc”, đại biểu Việt Nga nói.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga trao đổi bên hành lang Quốc hội.
Sự việc này cũng khiến đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga liên tưởng tới những vụ tai nạn lao động đã từng xảy ra rất nhiều trong các tháng đầu năm 2024.
"Tưởng như không có gì liên quan đến nhau, nhưng thực ra tai nạn lao động thảm khốc xảy ra trong thời gian qua đều chung một nguyên nhân chính, đó là do ý thức của con người. Vì vậy, trong tất cả các công việc, tôi cho rằng cần phải đặt yếu tố cẩn thận và trách nhiệm lên hàng đầu", đại biểu Việt Nga nói.
Riêng đối với xe đưa đón học sinh, đại biểu cho biết dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự An toàn Giao thông đường bộ sẽ được thảo luận và cho ý kiến trong thời gian tới đây cũng có những mục quy định riêng.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng lưu ý bên cạnh các quy định về hạ tầng vật chất, tiêu chuẩn kỹ thuật của xe đưa đón học sinh, các cơ sở giáo dục cần rà soát lại quy trình đưa đón, quản lý học sinh chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn nhất; tránh những tình huống đau lòng như vụ việc vừa xảy ra ở tỉnh Thái Bình.
Chiếc xe đưa đón học sinh mà cháu bé 5 tuổi ở Thái Bình bị bỏ quên.
Ở góc độ Quốc hội, bà Nga cho rằng, tuỳ tình hình của các địa phương thì các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố có thể tổ chức giám sát chuyên đề về vấn đề này.
Thí dụ, những địa phương, các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM... nhu cầu sử dụng xe đưa đón học sinh là rất lớn thì có thể tổ chức giám sát, nhưng với những tỉnh không có hình thức là xe đưa đón học sinh thì cũng không cần thiết phải tổ chức giám sát.
“Nhưng với các thành phố lớn thì tôi cũng rất mong muốn các đoàn đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến nội dung này, đặc biệt là với những địa phương đã từng xảy ra sự việc tương tự như thế này thì cũng nên có một chuyên đề giám sát", bà Nga nhấn mạnh.
Đại biểu cũng kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nhanh chóng có những chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm an toàn cho học sinh.
"Nhà trường vốn được coi là môi trường an toàn nhất cho con trẻ mà bây giờ xảy ra rất nhiều các vụ việc thương tâm, tai nạn học đường xảy ra cũng không phải là hiếm thì tôi thấy đây cũng là tình trạng rất báo động", bà Nga bổ sung thêm.
Cần có quy định riêng về thiết kế với xe đưa đón học sinh
Đồng tình với quan điểm của bà Nga, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên-Huế) lưu ý thêm về trách nhiệm của phụ huynh học sinh. "Ở đây, rõ ràng sự liên lạc giữa gia đình và nhà trường chưa được thông suốt, thường xuyên, nhất là trong thời đại kỷ nguyên số", đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đoàn Thừa Thiên-Huế.
Bà Sửu cho rằng, thông qua sự việc đau lòng vừa qua, cần phải rà soát lại các quy định pháp luật về việc tổ chức các trường mầm non, kể cả công lập lẫn tư thục.
"Tôi thấy, hành lang pháp lý của giáo dục nói chung đã khá nhiều và toàn diện. Tuy nhiên, công tác phối kết hợp để thực thi thì chưa tốt. Đây mới là vấn đề cần được quan tâm, chứ không phải cứ đến khi sự cố xảy ra chúng ta mới can thiệp. Tôi đề nghị cơ quan chức năng liên quan đến giáo dục mầm non cần phải rà soát, có chế định mới, quy định chặt chẽ hơn trong công tác quản lý, giáo dục, bồi dưỡng, chăm sóc trẻ bậc mầm non", đại biểu thẳng thắn nói.
Bên cạnh đó, đại biểu lưu ý, cần phải rà soát, chuẩn hóa quy định về xe đưa đón học sinh. Bà Sửu gợi ý, đối với xe này cần thiết kế sao cho người bên ngoài có thể quan sát bên trong, đề phòng sự cố không mong muốn xảy ra.
"Xe ôtô đóng kín, được thiết kế như ngôi nhà di động có dán kính đen nên tầm quan sát ở ngoài rất khó. Tại sao chúng ta không thiết kế xe chở trẻ mầm non có thể nghe được âm thanh, nhìn được hình ảnh để bảo đảm an toàn cho trẻ", đại biểu nêu quan điểm.
Khoảng 18h ngày 29/5, Công an Tp.Thái Bình tiếp nhận tin báo của anh T.Đ.A (sinh năm 2004, trú tại xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư) về việc cháu T.G.H (sinh ngày 20/9/2019), là học sinh lớp 4 tuổi Trường Mầm non Hồng Nhung (địa chỉ tại xã Phú Xuân, Thái Bình) bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân thành phố, lãnh đạo Công an tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an thành phố phối hợp Viện Kiểm sát Nhân dân tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định. Ngay sau đó, trong đêm 29/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015. Trước đó năm 2019, bé trai 6 tuổi ở Hà Nội bị bỏ quên trên ôtô đưa đón dẫn đến tử vong. Lái xe, giám sát học sinh và cô giáo chủ nhiệm đã bị truy tố, phạt tù vì các tội Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. |
Nhìn thấy cháu nằm bất tỉnh, quần áo ướt sũng, người bà đau lòng ôm cháu khóc ngất rồi thủ thỉ đánh thức nhưng phép màu đã không xảy đến. Bé 5 tuổi ở Thái Bình đã tử vong vì bị bỏ quên trên xe suốt một ngày ngoài trời.
Nguồn: [Link nguồn]