Bé gái "phát cháy", còn những nghi ngờ

Hiện tượng “cô bé gây cháy” tại quận Tân Bình, TP HCM đang gây xôn xao dư luận. Không ít nhà khoa học, các chuyên gia ngành vật lý đã tỏ ý nghi ngờ về câu chuyện kì lạ trên.

“Năng lượng làm cháy như vậy rất khó xảy ra”

Những ngày qua, vụ việc bé gái 11 tuổi sống tại đường Bạch Đằng, Phường 2, Q. Tân Bình, TP HCM có "khả năng gây cháy" gây xôn xao dư luận. Đặc biệt gần đây nhất là sáng 12/5, tủ quần áo của gia đình bé Th. bỗng dưng bốc cháy khiến cả nhà phải gọi lực lượng cứu hỏa đến dập lửa. Hiện tượng này đã khiến gia đình của bé Th. hết sức lo lắng.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. Dương Ngọc Huyền, Phó Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, ông không hoàn toàn tin vào câu chuyện kì lạ trên. Mặc dù vậy, PGS này cũng nhấn mạnh: “Tuy nhiên, con người cũng còn có những khả năng kỳ lạ mà khoa học chưa thể giải thích được”.

Bé gái "phát cháy", còn những nghi ngờ - 1

Một vật dụng được cho là do bé Th. làm cháy

Lý giải về nhận định của mình ông Dương Ngọc Huyền cho biết: “Năng lượng trong mỗi con người chỉ có thể di chuyển như đẩy, hút hoặc làm cong các vật nhỏ, nhẹ như cây kim, cái thìa bé... Năng lượng lớn đến mức có thể làm cháy những vật lớn như ổ điện, nắp bồn cầu, tủ quần áo… là một điều rất khó xảy ra”.

PGS Huyền cũng chia sẻ thêm: “Để xác định năng lượng trong người cô bé này cần có hàng loạt thí nghiệm với nhiều vị trí, thời điểm khác nhau. Cần sử dụng các thiết bị để đo đạc và đưa ra những số liệu cụ thể chứ không thể suy đoán được”.

Cũng theo ông Huyền, trên thế giới cũng từng có những câu chuyện tương tự, tại Việt Nam cũng xuất hiện những câu chuyện lạ về năng lượng của con người nhưng tất cả mới chỉ ở dạng tin đồn, chưa có sự kiểm chứng.

Liên quan đến hiện tượng kỳ lạ trên, một vị Tiến sĩ (xin được giấu tên) là tác giả của nhiều cuốn sách, lý giải các hiện trường khác thường trong đời sống, cũng khẳng định, ông không tin câu chuyện trên là có thật. Tiến sĩ này cũng chỉ ra nhiều điểm khác thường trong chuỗi hiện tượng trên.

Về hiện tượng lạ này, chuyên gia cảm xạ Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm cảm xạ địa sinh học, cũng chia sẻ với báo chí: Qua kiểm tra điện từ trường (đo ngay tại nhà bé Th) thì không có sự bất thường. Nhưng qua đo chỉ số RFI (thiết bị hiện ảnh trường cộng hưởng, cho ra thông tin chi tiết các dạng hào quang và các trường năng lượng sinh học) thì thấy nghi ngờ bán cầu não bên phải có vấn đề. Nên cho bé đeo vòng đá thạch anh ở tay bên trái để tác động cân bằng cho não phải.

Gia đình cho biết, khi đeo vòng thì hiện tượng cháy không còn nhưng bé bị co giật, nên chúng tôi cho tháo vòng ra. Hiện tại, cơ quan này vẫn tiếp tục theo dõi, tìm hiểu trường hợp lạ này.

“Nên lắp camera để kiểm định”

Hiện tượng “cô bé gây cháy” đang rất được dư luận quan tâm. Rất nhiều độc giả cũng chia sẻ những câu chuyện tương tự mà mình từng được chứng kiến. Độc giả Ms_Lazyyy viết: “Trước đây, mình có 1 cô bạn người như tích điện. Mùa đông mà bị tay bạn mình chạm vào thì như bị điện giật, xong rồi sưng cả ngón tay luôn…”.

Một độc giả khác ở địa chỉ binhminh...@yahoo.com cũng chia sẻ: "Mình từng nghe những câu chuyện như tại Nam Định, năm 2007, một nữ sinh đang ngồi học trong lớp bỗng dưng mái tóc bốc cháy. Lúc đầu, giáo viên, bạn bè trong lớp còn tưởng người ngồi bàn sau chọc phá. Nhưng hóa ra không phải vì hiện tượng đó cũng xảy ra nhiều lần khi cô bé ở nhà.

Ngoài ra, báo chí cũng từng đưa chuyện một em bé ở Hậu Lộc, Thanh Hóa từ lúc mới sinh ra đã có hiện tượng phát hỏa xuống dưới làm đôi chân bị bỏng rất nặng. Đến khi lớn lên, đi nhiều nơi chữa trị, em bé này đã dần khỏi."

Thành viên metraucontrau thì cho rằng: “Muốn chứng minh em bé tự đốt hay hiện tượng trên là có thật thì chỉ cần lắp camera ghi hình tự động vào mấy căn phòng mà em bé hay qua lại trong vài ngày. Sau đó, ở phòng nào cháy thì mở phần lưu trữ để kiểm tra. Đây là phương pháp kiểm định đơn giản mà chính xác nhất”.

Nhiều độc giả khác cũng cho rằng, cần phải kiểm tra kĩ càng mới có thể kết luận bởi bất kì người làm cha làm mẹ nào cũng muốn con mình có một cuộc sống vui vẻ, hòa nhập với mọi người “không ai lại dựng chuyện để con mình bị chú ý, làm phiền”.

Thậm chí, nhiều bạn đọc cũng khuyến cáo gia đình, trước khi có kết luận cuối cùng cần để bé Th. ở những nơi an toàn, ít đồ vật dễ cháy nổ hoặc những nơi như chỗ đông người, trạm xăng… để đảm bảo sự an toàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Lan ([Tên nguồn])
Bé 11 tuổi làm đồ vật cháy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN