Bé bị gấu cắn: Kiểm lâm không biết do chủ nuôi không báo
Theo thông tin từ Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT), con gấu cắn lìa tay bé trai 3 tuổi ở TP.HCM hôm 11.1 là gấu nuôi chui, không đăng ký với cơ quan chức năng.
Việc này xảy ra suốt 3 năm nay mà ngành chức năng địa phương không hề hay biết. Trao đổi với NTNN ngày 13.1, ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng phòng Thanh tra pháp chế (Cục Kiểm lâm) cho biết, đã có văn bản yêu cầu Chi cục Kiểm lâm TP.HCM báo cáo sự việc bé trai bị gấu cắn lìa cánh. Và báo cáo của Chi cục Kiểm lâm TP.HCM gửi lên đã cho biết, qua kiểm tra hồ sơ quản lý ban đầu cho thấy chủ hộ nuôi gấu không đăng ký nuôi động vật hoang dã tại Chi cục Kiểm lâm TP.HCM. Bên cạnh đó, con gấu này cũng không được gắn chíp để theo dõi, không thực hiện đúng quy định của pháp luật về nuôi nhốt động vật hoang dã.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thắng, khi hỏi các cơ quan chức năng tại địa phương tại sao gấu nuôi nhốt 3 năm mà không nắm được, đại diện kiểm lâm địa phương cho biết, do chủ nuôi gấu không báo cáo. “Việc để người dân nuôi nhốt gấu 3 năm mà không biết và khi xảy ra sự việc dẫn tới người dân đã giết gấu, trách nhiệm này thuộc về quản lý của địa phương”- ông Thắng cho biết. Ông Thắng cho hay, hiện cơ quan kiểm lâm của TP.HCM vẫn chưa thể làm việc được với gia đình để xác minh rõ hành vi nuôi chui gấu và giết gấu. Theo quy định tại Nghị định 157/2013 (xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản), tùy từng hành vi, giết động vật hoang dã có thể bị xử phạt ở mức nặng nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Đỗ Quang Tùng - Giám đốc CITES Việt Nam, trong những năm gần đây đã có nhiều vụ việc động vật hoang dã được nuôi nhốt làm hại tính mạng người dân. Như vụ hổ vồ chết người ở vườn thú tại Bình Dương; cá sấu sổng chuồng cắn chết người; voi ở rạp xiếc quật chết người… “Theo tôi, nguyên nhân chính là chủ nuôi động vật hoang dã không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về xây dựng tường rào cách ly, cộng với sự chủ quan, lơ là của người dân…”.
Thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 2.000 con gấu và 120 con hổ, 100 con voi, 1,5 triệu con cá sấu được nuôi nhốt. Các loài động vật hoang dã này đều có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng của người dân nên cần được quản lý theo đúng quy định của pháp luật - ông Đỗ Quang Tùng nói.