Bé bị gấu cắn: Giành mạng sống từ miệng thú dữ
“Thấy cháu D bị gấu kéo vào chuồng, đầu ép chặt giữa hai thanh sắt, cánh tay của cháu đã bị gấu cắn chỉ còn dính mỗi phần da, tôi lập tức lao đến giật cháu ra ngoài. Nếu chậm một chút tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra?”, ông Sáu - người cứu bé trai ra khỏi miệng con gấu kể.
Nuôi gấu trong nhà: Chính quyền biết, hàng xóm không hay
Tại các quán nước, cà phê gần nhà bé D, nhiều người vẫn còn bàn tán xôn xao sự việc cháu bé bị gấu cắn. Một số người tỏ ra lo lắng cho sức khỏe của bé.
Nhà bé D luôn đóng kín cửa nên người dân xung quanh không hay biết gia đình của bé có nuôi gấu
“Nghe mọi người hét, tôi chạy tới xem thì thấy bé D mặt mày tím tái, phía trong chuồng gấu, cánh tay phải của bé bị con gấu ngậm trong miệng. Sau đó, bé D được chuyển đi cấp cứu. Người lớn bị gấu cắn và mất máu như vậy đã nguy hiểm chứ nói gì trẻ nhỏ” - bà H vừa nói vừa trách gia đình bé D sao lại nuôi gấu trong nhà nhưng lại thiếu an toàn đến vậy.
Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết xhính quyền biết gia đình cháu D nuôi gấu từ năm 2011. Thời điểm đó, địa phương có báo cáo với các ngành chức năng nhưng không thấy trả lời lại. Sau đó, địa phương không kiểm tra việc này. "Về phía chính quyền, chúng tôi không có thẩm quyền kiểm tra việc nuôi gấu mà phải có cơ quan chuyên môn. Sau khi sự việc này xảy ra, địa phương đã tăng cường kiểm tra các hộ dân có nuôi thú dữ có khả năng gây nguy hiểm cho mọi người để có cách xử lý” - Ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, vụ việc cháu bé bị gấu cắn đang được công an huyện xử lý nên địa phương không nắm rõ việc gia đình này có giấy phép nuôi gấu hay không.
Cứu mạng bé trai từ miệng thú dữ
Trước đó vào chiều ngày 11/1, ông Sáu nghe tiếng khóc thét của bé D cùng lời kêu cứu của bà ngoại bé nên chạy sang nhà kiểm tra. Khi tới nơi, ông thấy bé D đang bị con gấu kéo dính chặt vào lồng, đầu bị ép chặt giữa các thanh sắt, cánh tay của bé bị gấu kéo vào trong cắn.
Bé D nhanh chóng được đưa đi cấp cứu. Riêng con gấu đang ngậm trong miệng cánh tay của bé D nên bị chích điện chết, sau đó mọi người lấy cánh tay của bé mang đến bệnh viện để các bác sĩ nối lại. Bé D sau khi được sơ cứu tại bệnh viện gần nhà đã được chuyển đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP để các bác sĩ tiếp tục điều trị trong buổi tối cùng ngày.
Lãnh đạo Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP cho biết, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân lúc 18h ngày 11/1 trong tình trạng đứt lìa một phần tay phải do bị động vật cắn. Dù đã cắt lọc cầm máu nhưng vết thương của bé D rỉ dịch khá nhiều, có dấu hiệu nhiễm trùng, tiên lượng sức khỏe không tốt.
Bé được cho dùng kháng sinh mạnh với hy vọng giữ mỏm cụt. Riêng phần cánh tay của bé D bị thú cắn nát nên các bác sĩ không thể nối lại được.
Bác sĩ Phan Đức Minh Mẫn, Phó trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình cho biết: Hiện tại, bé D bị sốt cao, da sưng, nơi mỏm cụt rất bẩn và nhiều vi khuẩn. Những biến chứng có thể xảy ra ở mỏm cụt bị teo, không còn chức năng và trồi xương phát triển đâm ra mỏm cụt khiến bé sẽ rất đau đớn.
Bác sĩ Mẫn cho biết vi khuẩn trong răng các con vật rất độc, vết thương dễ bị nhiễm trùng. Nếu tình trạng nhẹ, bệnh nhi D được xuất viện sau 1 tuần điều trị, nhưng nếu bị nhiễm trùng có khả năng phải nằm viện khoảng 1 tháng.