Bé 10 tháng tuổi suýt chết vì bị rắn lục cắn

Để cậu con trai 10 tháng tuổi trong xe tập đi ở sân rồi ra giếng nước sát đó vo gạo nấu cơm, chị Lâm Thị Lan (Bắc Giang) bỗng nghe tiếng con khóc thét. Lao vội lại, chị Lan đứng tim thấy con rắn lục xanh lè đang cắn vào ngón tay phải của con.

Ngày 10/9, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhi nhỏ tuổi nhất tới nay nhập viện vì rắn độc cắn. Đó là bệnh nhi Đào Thế Sang, 10 tháng tuổi, quê ở tỉnh Bắc Giang.

Bệnh nhi Đào Thế Sang được chuyển đến Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai ngày 4/9 vừa qua trong tình trạng bị rối loạn đông máu trầm trọng, những nơi tiêm, truyền trên da xuất huyết bầm tím từng mảng.

Trước đó, theo lời kể của chị Lâm Thị Lan (mẹ đẻ của bé Sang), ngày 1/9, chị để cậu con trai 10 tháng tuổi ngồi trong xe tập đi ở sân nhà và ra giếng nước sát đó để chuẩn bị nấu cơm. Đang vo gạo, chị Lan bỗng nghe tiếng khóc thét của con trai.

Lao đến chỗ con, chị Lan như đứng tim khi thấy con rắn lục xanh lè đang cắn vào ngón tay phải của con, trong khi cậu con trai đang cố gắng dùng tay trái để lôi con rắn ra nhưng không dứt được. Giật phăng con rắn ra khỏi tay bé Sang, chị Lan vội vàng đưa con cùng con rắn đã chết đi cấp cứu.

Sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang nhưng không có tiến triển, ngày 4/9, bệnh nhi Đào Thế Sang được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Trong 6 ngày điều trị tại Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, tính mạng bé Sáng nhiều lần bị đe dọa vì bị chảy máu liên tục mà không thể cầm. Cùng với đó, bé còn bị nhiễm trùng, sốt cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, với những bệnh nhân bị rắn lục cắn thì thường được chỉ định sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn lục, nhưng do bé Sang được chuyển viện khá muộn (sau gần 5 ngày bị rắn cắn) nên việc dùng huyết thanh không còn hiệu quả.

Vì thế, các bác sĩ đành phải sử dụng “vũ khí” cuối cùng là huyết tương tươi. Sau 2 lần được truyền thứ "vũ khí" cuối cùng này, các chỉ số đông máu đã dần ổn định, sức khỏe bé Sang đang hồi phục. Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất nhập viện Bạch Mai vì bị rắn độc cắn từ trước tới nay này có thể xuất viện trong vài ngày tới.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, trường hợp bị rắn lục cũng như rắn độc cắn nếu cơ sở y tế địa phương không có hệ thống xét nghiệm tốt về rối loạn đông máu thì nên chuyển viện sớm để phòng nguy cơ biến chứng cho người bệnh do xuất huyết, thiếu máu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN