Bay nội địa có thể hoạt động bình thường từ tháng 12
Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT kế hoạch khai thác các chuyến bay nội địa trong thời gian tới sau 10 ngày đầu thí điểm.
Đáng chú ý, cơ quan này đề xuất các hãng hàng không tổ chức khai thác bình thường từ tháng 12/2021 nếu tình hình dịch bệnh tại các địa phương được kiểm soát tốt.
Từ tháng 12/2021, nếu tình hình dịch bệnh tại các địa phương được kiểm soát tốt, các hãng hàng không tổ chức khai thác bình thường
Chỉ một nửa số chuyến cất cánh theo kế hoạch
Trao đổi với Báo Giao thông về kết quả những ngày đầu thực hiện thí điểm mở lại bay nội địa, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết, tỷ lệ chuyến bay thực hiện theo kế hoạch rất thấp, chỉ đạt 49%.
Theo đó, 5 ngày đầu tiên, 4 hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines chỉ thực hiện được 98 chuyến bay một chiều (trong tổng số 200 chuyến bay theo kế hoạch) trên 16 đường bay (trong 20 đường bay theo kế hoạch) đi/đến 16/22 cảng hàng không gồm: Điện Biên, Nội Bài, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa, Cam Ranh, Pleiku, Tân Sơn Nhất, Rạch Giá và Phú Quốc.Tổng số hành khách vận chuyển được là 5.924 người.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hãng hàng không chỉ có thể triển khai mở bán trên hệ thống kèm các điều kiện vận chuyển hành khách sau khi có các văn bản chính thức của Bộ GTVT, Cục Hàng không VN.
Những ngày đầu, nhiều hành khách chưa kịp tiếp cận thông tin có chuyến bay, không kịp lên kế hoạch để di chuyển. Ngoài ra, nhiều đường bay có nhu cầu thấp nên hãng hàng không chưa thể khai thác hoặc hạn chế khai thác như: Thanh Hóa - Lâm Đồng, TP.HCM - Cà Mau, Đà Nẵng - Cần Thơ, TP.HCM - Rạch Giá, Đà Nẵng - Buôn Ma Thuột...
Các đường bay đi/đến các địa phương phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An còn bị hạn chế. Đặc biệt đường bay trục Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM chỉ được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày, không đáp ứng nhu cầu hành khách giai đoạn hiện tại.
Cũng theo ông Cường, tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 tại nhiều địa phương (ngoài Hà Nội, TP.HCM) còn thấp nên hành khách không thể đáp ứng điều kiện về tiêm đủ liều.
Bên cạnh đó, nhiều nhóm gia đình có trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm vaccine (theo quy định của Bộ Y tế) nên không thể di chuyển dù có nhu cầu.
Tăng tần suất trên đường bay trục Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM
Toàn bộ chuyến bay từ TP.HCM về Hà Nội đã hết vé
Theo thông tin của Báo Giao thông, Cục Hàng không VN vừa trình Bộ GTVT kế hoạch tiếp tục triển khai các đường bay thường lệ giai đoạn từ ngày 21/10 - 30/11/2021.
Trên 3 đường bay trục Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP.HCM và Đà Nẵng - TP.HCM, tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 10% so với trung bình tuần đầu tiên tháng 4/2021 của hãng hàng không đó.
Cụ thể, 6 chuyến/ngày cho mỗi đường bay (Vietnam Airlines 2 chuyến, Vietjet Air 2 chuyến, Bamboo Airways 1 chuyến và Pacific Airlines 1 chuyến). Các đường bay khác mỗi ngày không quá 1 chuyến khứ hồi trên mỗi đường bay đối với mỗi hãng hàng không.
Trong vòng 15 ngày kể từ khi áp dụng, Cục Hàng không VN sẽ đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương và trên toàn quốc để đề xuất phương án điều chỉnh tần suất khai thác phù hợp.
Từ tháng 12/2021, nếu tình hình dịch bệnh tại các địa phương được kiểm soát tốt, các hãng hàng không tổ chức khai thác bình thường.
Sau giai đoạn thí điểm, Cục Hàng không VN đề xuất bỏ yêu cầu giãn cách ghế trên tàu bay. Đây cũng là đề xuất được các hãng hàng không liên tục gửi đến cơ quan quản lý trong thời gian qua.
Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang cho biết: “Nếu bỏ quy định giãn cách sau ngày 20/10, hãng hàng không mới có điều kiện phục vụ hành khách tốt hơn, hiệu quả hơn”.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng thông tin thêm, thời gian qua có thông tin giá vé máy bay vẫn còn đắt. Nguyên nhân là do số chuyến bay ít, lại áp dụng giãn cách nên chi phí tăng lên.
Liên quan vấn đề này, khảo sát của Báo Giao thông, trên đường bay Hà Nội - TP.HCM, giá vé Vietnam Airlines (hãng hàng không duy nhất đang được phân bổ khai thác đường bay này với tần suất 1 ngày/chuyến khứ hồi) bán ra thấp nhất cho chiều từ Hà Nội - TP.HCM là gần 3,6 triệu đồng.
Ở chiều ngược lại, hành khách không còn cơ hội đặt mua vé cho đến hết ngày 20/10, ngày cuối cùng của thời gian thí điểm 10 ngày mở lại đường bay nội địa.
May mắn mua được tấm vé hiếm hoi từ TP.HCM ra Hà Nội cuối tuần qua, chị Lê Thị H. (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết,cách đây 3 tháng chị có vào TP.HCM công tác.
Do dịch bệnh bùng phát, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, chị đã bị “mắc kẹt” lại thành phố. Sau rất nhiều ngày chờ đợi, đến khi nghe tin mở lại đường bay nội địa, chị đã phải canh giờ để nhanh tay đặt vé.
“Còn khá đông người là bạn bè, người thân của tôi đang “mắc kẹt”. Việc đường bay Hà Nội - TP.HCM được mở lại sẽ giúp nhiều người được về nhà”, chị H chia sẻ.
Có thể khẳng định, nhu cầu người dân đi lại là rất lớn, đặc biệt trên trục Hà Nội - TP.HCM. Đây cũng là lý do đại diện các hãng hàng không đều mong mỏi sớm được chấp thuận tăng tần suất bay trên đường bay quan trọng bậc nhất này, song song với việc bỏ quy định giãn cách.
Khách tiêm đủ 2 mũi sẽ không cần xét nghiệm Về điều kiện vận chuyển hành khách, Cục Hàng không VN đề nghị các chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) giai đoạn hiện tại áp dụng các chuyến bay xuất phát từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo thông báo tại địa chỉ: nguyco.antoancovid.vn. Hành khách cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS- CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay. Chuyến bay xuất phát từ các địa bàn khác, hành khách cần đáp ứng một trong ba điều kiện: Có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine, trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay; Hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay; hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay. |
Nguồn: [Link nguồn]
Kế hoạch khai thác đường bay nội địa giai đoạn thí điểm vừa được tăng lên thành 21 đường bay (so với 19 đường bay...