"Báu vật" trăm tuổi ở Sài Gòn khiến người đi đường không sợ nắng
Trải qua quá trình đô thị hoá, TP.HCM vẫn giữ gìn được nhiều con đường rợp bóng cây cổ thụ, được ví như những “báu vật xanh” của thành phố.
Nhiều năm qua, quá trình đô thị hoá khiến nhiều mảng xanh của TP.HCM phải nhường chỗ cho những công trình giao thông hiện đại, các tòa nhà cao tầng. Tuy vậy, trên nhiều tuyến phố ở các quận trung tâm như quận 1, 3, 5, 10, 11, những hàng cây cổ thụ vẫn rợp bóng mát, làm mềm mại những khối bê tông bên đường phố hàng chục năm qua.
Nhìn từ trên cao, Công trường Quốc tế (Hồ Con Rùa, quận 1) – vòng xoay giao thông nối giữa các tuyến Trần Cao Vân, Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần cây xanh chiếm không gian lớn so với những toà nhà xung quanh.
Tại TP.HCM, sao đen là loài cây đô thị phổ biến, được trồng ở nhiều tuyến đường trung tâm, công viên tại quận 1, quận 3… để tạo bóng mát, lọc không khí. Những con đường hai hàng sao đen vươn cao hơn chục mét, rợp bóng lề đường, hai bên vỉa hè như Trần Cao Vân, Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần, Điện Biên Phủ, Pasteur, Mạc Đĩnh Chi…
Công viên 30/4, đường Lê Duẩn từ Dinh Thống Nhất đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn được phủ một màu xanh, tạo nên không khí trong lành từ nhiều loại cây xanh cổ thụ.
Những du khách và người dân lần đầu đến TP.HCM sẽ không khỏi choáng ngợp bởi vẻ đẹp của những hàng cây dầu cổ thụ vươn cao chót vót, tán lá xòe rộng trên rất nhiều tuyến đường. Trong đó, những hàng dầu thẳng tắp, tuyệt đẹp, có tuổi đời gần trăm năm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Huyền Trần Công Chúa (quận 1) được ví như những “báu vật xanh” của thành phố.
Khách du lịch đi dạo, tham quan trung tâm thành phố bên hàng dầu với những cây lớn 2-3 người ôm, toả bóng mát, làm dịu cái nóng của mùa nắng trên đường Huyền Trần Công Chúa.
Cây dầu có đường kính hơn 2m, tuổi đời gần trăm năm trên trục đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (được xem là một trong những con đường xưa nhất của TP.HCM). Hai hàng cây xanh mát trên đoạn đường này cũng là nơi gắn bó với nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Trưng Vương và du khách tới tham quan Thảo Cầm Viên.
Những hàng dầu dày đặc, cao chót vót trên đường Trương Định, đoạn qua Công viên Tao Đàn, quận 1 toả bóng mát kín đường, vỉa hè. Người điều khiển xe máy, đi bộ qua đoạn đường này như được “giải nhiệt” giữa một “rừng cây” xanh.
Me là loài cây được chọn trồng đầu tiên trên vỉa hè khi người Pháp xây dựng Sài Gòn. Đến nay nhiều hàng me mang vẻ đẹp “vừng lá me bay” xanh mát và thơ mộng vẫn được trồng trên nhiều tuyến đường ở thành phố. Một số cung đường me xanh mát ở quận 1, 3 như Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Trực, Đồng Khởi, Trương Định…
Tại các quận 5, 10, 11, những hàng dầu cổ thụ phủ kín bóng trên hàng chục tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Trần Phú, Nguyễn Chí Thanh, An Dương Vương, Lê Hồng Phong, 3/2, Ngô Gia Tự… Trong ảnh, hai hàng dầu trên đường Nguyễn Tri Phương vươn cành che bóng cho người đi đường, hai bên vỉa hè.
Đường Ngô Gia Tự lâu nay nổi tiếng với 3 hàng dầu san sát nhau được tỉa tót qua hàng chục năm, thân hình thuôn thẳng vươn cao gần 40 mét, rợp bóng các làn đường.
TP.HCM hơn 300 năm hình thành và phát triển, người dân nơi đây luôn trân quý và tự hào với những hàng cây trăm tuổi này.
Trong cuộc sống bận rộn, ồn ào, ô nhiễm thì những con đường mát mẻ, rợp bóng cây khiến người dân thành thị cảm thấy thư thái, dễ chịu hơn, nhất là vào mùa nắng nóng.
Một đoạn đường 3/2, quận 10 được trồng hai hàng cây sọ khỉ (xà cừ), những nhánh cây xanh tươi vươn ra toả bóng. Trước đó, những hàng sọ khỉ trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, nhiều cây có tuổi đời gần trăm năm bị đốn hạ, di dời để nhường mặt bằng xây dựng cầu Thủ Thiêm 2.
Hàng chục năm qua, các tuyến đường được mở rộng đều được trồng mới cây xanh. Qua nhiều năm, màu xanh đang dần phủ kín đường như Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trường Sa, Hoàng Sa, Điện Biên Phủ… Trong ảnh, sau 8 năm, bốn hàng cây giáng hương và lộc vừng hai bên trục đi bộ, vỉa hè phố đi bộ Nguyễn Huệ đang ngày ngày toả bóng mát cho người dân và du khách đi bộ, vui chơi.
Ngoài ra, những đại lộ trên 10 làn xe như đại lộ Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng cũng được trồng nhiều hàng cây xanh các loại, tạo nên những trục đường xanh ở các cửa ngõ thành phố.
Nguồn: [Link nguồn]