“Bầu” Kiên vẫn khẳng định không lừa ai
Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội ngày 3/12 tập trung thẩm vấn bị cáo Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), cùng các đồng phạm để làm rõ các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo cáo buộc, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) sở hữu gần 30 triệu cổ phần của Công ty CP Thép Hòa Phát (Thép Hòa Phát). Tháng 5-2010, ACBI thế chấp hơn 22,4 triệu cổ phần này cho ACB để bảo đảm việc phát hành trái phiếu 800 tỉ đồng.
Tháng 4-2012, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (thường gọi là “bầu” Long) và ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, thỏa thuận với Nguyễn Đức Kiên bán lại 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát (tương ứng 264 tỉ đồng).
Để thực hiện thỏa thuận, ACBI đề nghị cho giải chấp 20 triệu cổ phần của Thép Hòa Phát đang thế chấp tại ACB song không được đồng ý. Sau đó, Thép Hòa Phát đã chuyển 264 tỉ đồng mà chưa nhận được cổ phần nên có đơn gửi công an đề nghị làm rõ.
Dẫn giải bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa ngày 3-12
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên vẫn khẳng định: “Tôi với anh Long và anh Dương là bạn bè nhiều năm, không có ý thức việc ai lừa ai. Trong suốt quá trình điều tra, tôi không tin Thép Hòa Phát tố cáo mình và cũng không bao giờ tố cáo Thép Hòa Phát”. Mặt khác, bị cáo Kiên cho rằng ACBI không khắc phục hậu quả vì không gây ra hậu quả. “Thép Hòa Phát không thiệt hại bất kỳ khoản nào. Tôi và Thép Hòa Phát cho rằng đây là tai nạn” - bị cáo Kiên nói.
Chiều cùng ngày, HĐXX đã thẩm vấn để làm rõ hành vi đầu tư cổ phiếu ACB gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 687 tỉ đồng.
Theo đó, ngày 5-11-2009, Thường trực HĐQT ACB ra thông báo nội dung cuộc họp ngày 2-11-2009: “Giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư để sinh lợi. Thường trực HĐQT chấp thuận cấp hạn mức 700 tỉ đồng cho hội đồng đầu tư để mua một số ít cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao; ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư này”.
Thực hiện kết luận trên, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) tiến hành đầu tư cổ phiếu ACB và một số mã cổ phiếu ACB. Do biết pháp luật không cho phép ACBS mua cổ phiếu ACB vì ACBS là công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn điều lệ, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN) do mình làm chủ tịch HĐQT/chủ tịch hội đồng thành viên để đầu tư mua cổ phiếu ACB.
Hai công ty này đã vay nhiều ngân hàng để đầu tư vào trái phiếu của ACB rồi lại dùng chính cổ phiếu này làm tài sản bảo đảm cho những khoản vay nợ hoặc trả nợ cho các ngân hàng. Quá trình mua đi bán lại nhiều lần đã làm ACB thiệt hại 687 tỉ đồng.
Theo cáo buộc, cuộc họp ngày 2-11-2009, ngoài Nguyễn Đức Kiên còn có các ông: Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc ACB; Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Trịnh Kim Quang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên HĐQT ACB và Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB.
Bị cáo Lý Xuân Hải cho biết trong cuộc họp, Nguyễn Đức Kiên có đưa ra một số nhận định, đánh giá. “Anh Kiên khái quát chưa đầy 1 phút về các nhóm cổ phiếu và kết luận là đầu tư vào cổ phiếu hiện nay rất tốt” - bị cáo Hải kể và khẳng định mình hoàn toàn không biết Nguyễn Đức Kiên đầu tư vào cổ phiếu ACB cho đến khi được Công ty Kiểm toán PwC thông báo. Xác nhận thông tin trên, đại diện Công ty Kiểm toán PwC cho biết trong thời gian đó, doanh nghiệp này đã thực hiện việc kiểm toán ACBS. “Chúng tôi phát hiện một hợp đồng hợp tác giữa ACBS và ABC nên đã gặp ông Hải để tìm hiểu. Ông Hải không biết nội dung này nên rất tức giận” - vị đại diện nói.