Bầu Kiên: Tôi không có nhu cầu chiếm đoạt tiền của Hòa Phát

Bầu Kiên quả quyết không bao giờ có ý định chiếm đoạt tiền của Hòa Phát và luôn coi ban lãnh đạo công ty này như những người bạn, người đồng cấp.

Chiều 26/5, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã trả lời luật sư về cáo buộc lừa đảo trong vụ chuyển nhượng cổ phần. Trong đó có đoạn bầu Kiên nói về đạo đức và tình bạn.

Luật sư hỏi: Ông có vai trò quan trọng với mọi người. Vậy khi thực hiện các giao dịch với công ty Thép Hòa Phát của ông Trần Đình Long (Chủ tịch Hòa Phát), ông có nghĩ rằng ông lừa được ông Long, lừa được Hòa phát không?

Bầu Kiên trả lời rằng: Anh Long là một doanh nhân lớn. Tôi không tin rằng ai có thể lừa được anh Long.

- Trong quá trình giao dịch kinh tế giữa ông và ông Long, 2 người đã bao giờ xảy ra xung đột?

- Chúng tôi từng hợp tác nhiều ngàn tỷ đồng và chưa từng có tranh chấp trong quá khứ.

- Ông tin tưởng Hòa Phát biết là 20 triệu cổ phiếu đã được thế chấp?

- Tôi tin là anh Long biết mọi việc.

- Nếu ông muốn che giấu thông tin về 20 triệu cổ phiếu giao dịch với Hòa phát thì có thực hiện được không?

- Tôi không có nhu cầu chiếm đoạt. Tôi không thiếu tiền để nghĩ chuyện chiếm đoạt. Tôi không thể chiếm đoạt tiền của Hòa Phát vì đạo đức nghề nghiệp không cho phép tôi làm.

- Với tư cách HĐQT, sau khi giao dịch với Hòa Phát, ông chỉ đạo việc thực hiện như thế nào?

- Vào thời điểm ACBI góp vốn với Hòa Phát, tôi là đại diện nhóm cổ đông lớn thứ 2 tại tập đoàn Hòa Phát. Điều đó thể hiện sự tin tưởng của tôi vào ban lãnh đạo Hòa Phát như tin tưởng người bạn, người đồng cấp.

Bầu Kiên cũng cho rằng: "Nếu anh Long không phải là bạn tôi, nếu tập thể ban lãnh đạo Hòa Phát không phải là bạn tôi thì tôi có thể xác định tôi là người bị hại. Bởi vì công ty CP Thép Hòa Phát đã tự động xác nhận việc chuyển nhượng khi không đủ điều kiện.

"Tôi ý thức việc tố cáo bạn bè là không cần thiết. Đây chỉ là một sai sót nhỏ trong quá trình thực hiện hợp đồng." - Bầu Kiên nói.

Luật sư hỏi: Trong quá trình thực hiện hợp đồng đến thời điểm ông bị khởi tố 20/8//2012, có phát hiện tranh chấp gì ko?

Bầu Kiên cho biết: Chưa có bất kỳ tranh chấp nào và cũng chưa nhận được yêu cầu của công ty TNHH Thép Hòa Phát.

- Hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phần này vẫn đang sống đến thời điểm ông bị bắt đúng không?

- Đến 20/8/2012 vẫn có giá trị pháp lý.

Bầu Kiên: Tôi không có nhu cầu chiếm đoạt tiền của Hòa Phát - 1

Bầu Kiên và vợ tại tòa

“Tôi không thiếu tiền”

Chiều nay, cũng có đoạn bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói về số tài sản khổng lồ của mình.

Luật sư hỏi: Tại thời điểm giao dịch với Thép Hòa Phát, doanh nghiệp này đang quản lý của ông bao nhiêu tài sản?

Bầu Kiên không đi thẳng vào câu hỏi mà chỉ nói rằng: "Tôi chỉ nói một ví dụ: Tôi có tài sản lớn nhất là 600 tỷ tại công ty bất động sản Vinaconex".

Khi luật sư hỏi về mục đích chuyển nhượng 20 triệu cổ phần, bầu Kiên nói rằng ban đầu mình không có ý định đó.

"Nhưng tôi đồng ý vì coi như đây là sự giúp đỡ của tôi với anh Long như giúp đỡ bạn bè." - Bầu Kiên trả lời.

Luật sư hỏi: Tại thời điểm chuyển nhượng 20 triệu cổ phần cho Thép Hòa Phát, tình hình tài chính của ông như thế nào?

Bầu Kiên trả lời: Tôi kinh doanh gần 30 năm cho tới ngày bị bắt, tôi không có khoản vay cá nhân nào tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào hay bất kỳ ai. Tài sản của tôi nếu không xảy ra vụ án này là nhiều ngàn tỷ nên không có bất kỳ khó khăn tài chính nào.

Cũng trong phần trả lời về cáo buộc lừa đảo, bị cáo Trần Ngọc Thanh cho rằng, khi cơ quan điều tra vào làm việc, bị cáo mới biết số cổ phiếu này chưa được giải chấp.

"Nếu biết thì tôi đủ thời gian để sang đàm phán với Hòa Phát để giải quyết một cách tốt nhất. Khi cơ quan điều tra vào làm việc sẽ không có vụ việc như ngày hôm nay." - Bị cáo Thanh nói.

Hai vấn đề chính được luật sư hỏi nhiều nhất chủ yếu là về vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản 264 tỷ đồng và chuyện trách nhiệm giữa 2 ngân hàng ACB với Vietinbank trong vụ ủy thác gửi tiền dẫn đến việc bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỷ đồng. Trong đó các luật sư xoay quanh thủ tục, quy trình gửi tiền vào ngân hàng.

Cuối buổi chiều nay, HĐXX cho biết, mặc dù còn nhiều luật sư muốn hỏi nhưng một số nội dung hỏi thừa hoặc trùng. HĐXX đã kết thúc phần xét hỏi tại đây.

Sáng mai (26/5), Đại điện VKS sẽ đọc bản luận tội đối với các bị cáo và luật sư các bên bước vào phần tranh tụng. Vụ án này có sự góp mặt của hơn 20 luật sư bảo vệ bào chữa các bên. Bầu Kiên được bảo vệ bởi 4 luật sư, bị cáo Lý Xuân Hải và Huỳnh Quang Tuấn đều có 3 luật sư bào chữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Xét xử vụ án "bầu Kiên" Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN