Bầu Kiên bị đề nghị mức án tù cao nhất

Với 4 tội danh cáo buộc, người đại diện cơ quan công tố đã đề nghị tổng mức án tù có thời hạn cao nhất đối với bầu Kiên.

Sáng nay (27/5), trong phần luận tội, đại điện VKSND tối cao đã giữ nguyên quan điểm buộc tội đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Qua đó, bầu Kiên bị đề nghị tổng mức án tù có thời hạn cao nhất đối với người phạm nhiều tội là 30 năm tù.

Tổng cộng 4 tội hơn 37 năm tù

Đại điện VKS nhấn mạnh: Cáo trạng truy tố Kiên và đồng phạm về 4 tội danh là hoàn toàn có căn cứ đúng người đúng tội đúng pháp luật.

Có 3 tội danh, Kiên đều chịu trách nhiệm chính. Tội cố ý làm trái, Kiên chủ mưu chỉ đạo thể hiện ở chỗ Kiên và gia đình Kiên sở hữu 9,03% cổ phần của ACB, Kiên đề nghị thành lập hội đồng sáng lập trong khi Hội đồng sáng lập và Hội đồng đầu tư không được thừa nhận về tổ chức.

Sau 2008, mặc dù bị cáo Kiên không tham gia HĐQT ACB nhưng đã tạo ra áp lực và quyền lực để chi phối các cổ đôgn khác. Ý kiến của bầu Kiên trong các cuộc họp sau đó đều thành nghị quyết của ACB.

Đại diện VKS cũng cho rằng, bị cáo Kiên đã không thành khẩn khai báo, coi thường pháp luật.

Bầu Kiên bị đề nghị mức án tù cao nhất - 1

Bầu Kiên tại tòa

Bản thân bị cáo Kiên chưa có tiền án tiền sự nhưng cơ quan buộc tội nhận thấy, cần thiết cách ly bị cáo khỏi xã hội 1 thời gian dài với mức án cao để cải tạo giáo dục.

Theo đó, đại diện VKS đề nghị tòa xử phạt Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) 18-24 tháng tù về tội kinh doanh trái phép, 4-5 năm tù về tội trốn thuế, 16-18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 14-15 năm tù về tội cố ý làm trái. Tổng hình phạt chung mà bầu Kiên bị đề nghị là 30 năm tù.

Theo tính toán, tổng mức án tù đề nghị cho 4 tội cộng lại đối với bầu Kiên là hơn 30 năm tù. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Luật hình sự, khi xét xử một người phạm nhiều tội mà mức phạt tù cho mỗi tội đều có thời hạn, tổng cộng mức án tù không được quá 30 năm.

VKS bác bỏ yêu cầu của ACB

Cũng theo đại diện VKS, bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến là đồng phạm giúp sức tích cực cho bầu Kiên thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà không được hưởng lợi. Số tiền đã được khắc phục nên theo đại điện VKS, tòa có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt đến mức thấp nhất, nhưng vẫn phải cách ly khỏi xã hội 1 thời gian.

Bị cáo Lý Xuân Hải (TGĐ, thành viên thường trực HĐQT ACB) biết rõ các quy định pháp luật nhưng vì muốn bảo vệ nhóm lợi ích của cổ đông lớn ACB nên đã gây ảnh hưởng, thiệt hại. Cơ quan công tố cũng cho rằng, quá trình điều tra, bị cáo Hải chưa thành khẩn ăn năn hối cải.

Bầu Kiên bị đề nghị mức án tù cao nhất - 2

Huỳnh Thị Huyền Như

Cũng giống bị cáo Hải, bị cáo Lê Vũ Kỳ (cổ đông, Phó Chủ tịch HĐQT ACB, Chủ tịch HĐTV ACBS) biết rõ các quy định của NHNN nhưng vì muốn bảo vệ nhóm lợi ích nhóm cổ đông lớn của ACB nên đã gây ảnh hưởng, thiệt hại. Ông Kỳ đã nhận ra sai phạm nên có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Các bị cáo Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Anh Tuấn đều được người giữ quyền công tố đánh giá là thành khẩn, nhận ra sai phạm nên có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt. Riên ông Trần Xuân Giá được tạm đình chỉ vụ án nên VKS chưa đưa ra đánh giá.

Viện Kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Trần Ngọc Thanh 9-10 năm tù, Nguyễn Thị Hải Yến 7-8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Lý Xuân Hải bị đề nghị 12-14 năm tù, Lê Vũ Kỳ 7-8 năm, Trịnh Kim Quang 6-7 năm tù về tội cố ý làm trái. Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn đều bị đề nghị 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội danh cố ý làm trái.

Liên quan đến trách nhiệm trong vụ lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như, VKS cho rằng, Lãnh đạo ACB đòi VietinBank hoàn trả 718 tỷ là không có cơ sở.

Theo VKS, tại thời điểm Thường trực HĐQT ACB thống nhất chủ trương ủy thác trái quy định. Bên nhận ủy thác chỉ có thể là Tổ chức tín dụng dưới hình thức cho vay vốn. Không có quy định nào cho phép bên nhận ủy thác là cá nhân. Thời điểm ACB ủy thác cá nhân gửi tiền vào VietinBank là lúc luật Tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực. Đến ngày 8/3/2012 NHNN mới ra Thông tư 04 cho phép NH được ủy thác gửi tiền. Vậy, chưa có hướng dẫn ủy thác gửi tiền nhưng đã thực hiện là trái quy định.

Chiều nay phiên tòa tiếp tục với phần luật sư tranh tụng. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật.

Điều 50. Bộ Luật hình sư quy định về "Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội":

Khi xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, Toà án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:

a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá ba năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, ba mươi năm đối với hình phạt tù có thời hạn;

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định.

c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;

d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;

đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

e) Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Xét xử vụ án "bầu Kiên" Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN