“Bắt Trịnh Xuân Thanh, các “nút thắt” của vụ án sẽ được tháo gỡ”
Theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, việc bắt được Trịnh Xuân Thanh đã thể hiện rõ sự kiên trì và trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Chắc chắn để đối tượng này ra đầu thú, các cơ quan pháp luật của Việt Nam đã có nhiều biện pháp nghiệp vụ cần thiết.
Bị can Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú.
Tiến trình điều tra vụ án PVC sẽ nhanh hơn?
Tối 31.7, trao đổi với phóng viên Dân Việt, một vị tướng của Bộ Công an cho biết, với việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, việc đối tượng khai báo sẽ giúp cho quá trình điều tra vụ án ở Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tiến triển tốt và nhanh hơn. Vị tướng này cũng cho hay, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an đang thụ lý vụ án để làm rõ hành vi phạm tội của Trịnh Xuân Thanh.
Đánh giá về sự kiện bị can Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau 1 năm lẩn trốn, Đại biểu Quốc hội, TS Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng: Việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sẽ có nhiều điều thuận lợi.
“Thứ nhất, các điểm nút của vụ án có liên quan đến Trịnh Xuân Thanh sẽ được cơ quan điều tra giải quyết, tháo gỡ nhanh hơn. Thứ hai, việc bắt được Trịnh Xuân Thanh đã thể hiện sự kiên trì và trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Chắc chắn để đối tượng này ra đầu thú, cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp nghiệp vụ cần thiết”, đại biểu Nhưỡng nói.
Vẫn theo đại biểu Nhưỡng, việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú không chỉ tạo điều kiện cho các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ án, mà còn thể hiện rằng Trịnh Xuân Thanh đã nhận ra lỗi lầm của mình.
“Người có hành vi vi phạm pháp luật đã lẩn trốn, nay ra đầu thú nghĩa là họ nhận ra lỗi lầm của mình”, đại biểu Nhưỡng cho hay.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc một người nào đó có hành vi phạm pháp luật chủ động ra đầu thú trước cơ quan pháp luật là một trong những yếu tố để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Khởi tố Trịnh Xuân Thanh 2 tội
Trước đó, trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng đã nêu: Trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế.
Do buông lỏng quản lý, điều hành, Trịnh Xuân Thanh đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty PVC bị kỷ luật và xử lý hình sự. Với cương vị là người đứng đầu, Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.
Vào ngày 15.9.2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên. Đồng thời ra quyết định khởi tố 4 bị can gồm: Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC.
Cùng ngày Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can với Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xác định đối tượng đã bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã quốc tế.
Ngày 15.3.2017, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo tại vụ án lừa bán đất cho gần 500 khách hàng ở dự án khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội), Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xác định nghi can Trịnh Xuân Thanh có liên quan đến vụ án nên đã công bố quyết định khởi tố đối tượng này về tội Tham ô tài sản.
Theo HĐXX, căn cứ vào hồ sơ vụ án, căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh luận tại tòa, có căn cứ để xác định bị can Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sinh và Đào Duy Phong, đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty cổ phần dịch vụ xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng của các cổ đông để hưởng khoản tiền chênh lệch giá 18 triệu đồng/m2.
Như vậy Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố để điều tra về hai tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Tham ô tài sản.
Ngày 31.7.2017, đối tượng Trịnh Xuân Thanh (SN 13.2.1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã) đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú. Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng quy định pháp luật.
Ngày 31-7, thông tin từ Bộ Công an cho biết bị can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú sau gần 10 tháng bị truy nã quốc tế.