Cách đây 4 năm, câu chuyện về anh Nguyễn Văn Hách (SN 1978, ở thôn Vũ Xá, xã Dương Quang, Mỹ Hào, Hưng Yên), trở nên nổi tiếng khi nhiều tờ báo đăng tải, việc vợ anh không may qua đời, mình anh phải chịu cảnh “gà trống” nuôi 8 người con.
Để tìm hiểu rõ hơn về cuộc sống hiện tại của 8 bố con anh Hách, chúng tôi đã tìm về xã Dương Quang. Đi theo Quốc lộ 5, con đường dài hun hút hai bên là những ruộng lúa xanh mướt, đường bê tông đổ về tận nơi. Cạnh căn nhà cấp 4 lụp xụp, nhiều vết nứt là căn nhà mới được dựng lên khá khang trang, sạch sẽ.
Thấy người lạ đến nhà, anh Hách vội ra mở cửa đon đả mời khách vào, đứa con út vội vàng trốn ra chỗ khác, ánh mắt tò mò và cũng đầy lo sợ.
Mời chúng tôi vào nhà, vừa rót nước anh Hách vừa nhắc con chơi cẩn thận để bố tiếp khách. Bộ bàn ghế bằng sắt thiếu đi một chiếc, trên bàn cũng chỉ có ba chén uống nước cho thấy hiếm khi có người ghé thăm ngôi nhà này.
Dẫn chúng tôi đi vòng quanh ngôi nhà cấp 4 mới được xây dựng, anh Hách nói: “Ngôi nhà ngói 3 gian cũ quá lại dột nát, tường bong tróc, mỗi khi mưa lớn mấy bố con phải thức trắng hứng nước. Thấy vậy, anh em họ hàng động viên, cho vay tiền để tôi xây ngôi nhà này cho các cháu có chỗ chui ra, chui vào”.
Ngôi nhà cấp 4 này mới được anh Hách xây dựng cách đây hơn 1 năm với khoảng 400 triệu đồng và hiện tại vẫn đang nợ toàn bộ số tiền trên. Bên trong ngôi nhà có 2 phòng ngủ, bên ngoài phòng khách không có gì đáng giá, đến cái tivi cho các con xem anh Hách cũng không sắm nổi.
“Nhìn ngôi nhà mới xây này ai cũng nghĩ tôi có tiền nhưng thực chất toàn vay mượn cả. Tiền ăn từng bữa của các con tôi còn lo chưa xong, tiền đóng học tôi cũng phải khất nhà trường từ năm này qua năm khác thì lấy gì mà sắm đồ. Nhiều lúc nghĩ đến các con tôi lại ứa nước mắt vì thương. Giờ mấy bố con tôi không phải trắng đêm vì những ngày mưa bão là hạnh phúc rồi”, anh Hách nói.
Ngồi giặt chậu quần áo cho các con, anh Hách ngập ngừng chia sẻ câu chuyện khi nhắc đến người vợ quá cố của mình. Chị Bích (vợ anh Hách) mất khi mang thai đứa con thứ 9. Hai anh chị kết hôn năm 1999, sống với nhau ngót 20 năm và có với nhau 8 người con (6 trai 2 gái) gồm: Nguyễn Thị Phương (SN 1999), Nguyễn Văn Đức (Sn 2001), Nguyễn Văn Trung (SN 2003), Nguyễn Văn Hiếu (SN 2006), Nguyễn Thị Liên (SN 2009), Nguyễn Văn Đoàn (SN 2011), Nguyễn Văn Phong (SN 2013).
Vốn học ít, anh Hách đọc tên lần lượt 8 đứa con một cách khó khăn, thậm chí năm sinh của các con anh cũng không thể nhớ hết, phải chạy vào lấy giấy khai sinh từng đứa mới nhớ được tất cả thông tin.
Anh Hách kể, cuộc sống êm ả cứ thế trôi qua khi hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn nuôi con nhưng không ngờ biến cố lại ập xuống, vợ anh ra đi bất ngờ khiến cuộc sống của anh bị đảo lộn. Mấy đứa trẻ thiếu hơi ấm, mất đi sự chăm sóc của mẹ, trong nhà vắng bóng người vợ, mọi thứ ngày một bế tắc.
Dù được cấp cứu kịp thời từ tuyến dưới rồi lên cả Trung ương nhưng vợ anh Hách không thể cứu được cả mẹ và con. Vợ mất, bỏ lại anh với 8 đứa con nheo nhóc. Gạt đi nước mắt, anh Hách cố gắng gượng để làm chỗ dựa cho các con, nhất là con út lúc đó còn chưa được 2 tuổi.
“Hồi mẹ mất, thằng út gần như cả tháng trời khóc tìm mẹ, tôi cố dỗ dành rồi chăm những cháu khác nữa, đêm hôm lọ mọ suốt, nhiều lúc thức trắng vì con”, anh Hách nhớ lại những tháng ngày đầy khó khăn.
Sau sự cố đau lòng, giờ đây, trong căn nhà nhỏ ấy, anh Hách vừa làm bố, vừa làm mẹ. Nhìn người đàn ông 44 tuổi nuôi đàn con dại không khỏi khiến nhiều người thở dài, ngao ngán.
Suốt 4 năm qua, một mình anh Hách chèo chống, chật vật vay mượn lo cho các con đi học. Mấy sào ruộng chỉ tạm đủ ăn để mấy bố con có cơm ăn mỗi bữa. Hiện tại, con gái đầu của anh Hách đã lập gia đình được hơn một năm nay và cũng đã có con, anh Hách được lên chức ông ngoại.
3 người con trai kế xin nghỉ học giữa chừng vừa học nghề, vừa làm để kiếm thêm phụ giúp bố nuôi các em, 4 người con còn lại đang tuổi ăn, tuổi học (một đứa lớp 4, một đứa lớp 3, một đứa lớp 1 và đứa út giờ đang học mẫu giáo). Ngày ngày, anh Hách vẫn đau đầu tìm cách kiếm thu nhập để nuôi các con.
“Các con còn nhỏ tôi chẳng dám đi làm xa, chỉ quanh quẩn ở nhà cấy mấy sào ruộng, giặt giũ 2 đến 3 chậu quần áo, nấu cơm, đưa đón các con đi học cũng hết ngày. Nếu không gặp các cô là tôi tranh thủ ra đồng tát nước vào ruộng rồi”, anh Hách tâm sự.
Dù dưới mái nhà ấy, vẫn có bố chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng những đứa trẻ vô tư vẫn thiếu đi bóng hình người mẹ. Thỉnh thoảng chúng lại hỏi “Mẹ đâu hả bố?” khiến anh không thể kìm lòng nổi.
May mắn thay, những đứa trẻ nhà anh Hách đều ngoan ngoãn. Đứa lớn trông đứa nhỡ, đứa nhỡ trông đứa bé, ăn cơm chúng cũng tự xúc lấy. Khi đói, chúng cũng chỉ biết nhịn, thỉnh thoảng được hàng xóm cho vài ba tấm bánh chia nhau, khát thì chạy ra bể, múc nước lã để uống.
Nhiều lúc, chính anh cũng cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, mệt mỏi với cảnh “gà trống” nuôi đàn con thơ. Đặc biệt, một đứa ốm, mấy đứa khác sùi sụt theo, anh bất lực vì không có tiền mua thuốc nên từng nghĩ đến cái chết nhưng vì thương con anh lại không đành. Không những thế, lắm đêm anh khóc thầm trách bản thân vì làm bố nhưng không thể mang cho các con một cuộc sống đủ đầy, trọn vẹn.
Từ khi mất mẹ, những đứa con của anh Hách từ hoạt bát trở nên ít nói, lầm lì. Chúng gặp người lạ là im bặt, nép vào tường giấu mặt, ai hỏi gì cũng không nói. Chỉ khi thấy bố chúng mới nhanh chóng sà vào lòng rồi cươi tươi như thể sợ bố cũng đi mất.
Nhớ đến đứa còn gái thứ 5 hiện đang học lớp 4, nhưng hai mắt cận chẳng nhìn thấy gì, chỉ còn mức đi mổ, nhưng nhà chẳng có tiền ăn, lấy gì cho con đi khám để mổ mắt, anh Hách lại buồn rầu.
“Mỗi bữa nhà tôi phải nấu 2,5kg gạo mới đủ cho các con ăn, nhà có gì ăn nấy. Hôm thì bát canh rau dại ngoài vườn, hôm thì vài củ lạc rang cũng xong bữa. Lúc lại trộn ít mỡ, chan nước mắm để đỡ thèm thịt. Hôm nào 3 đứa lớn đi làm được lĩnh lương gia đình tôi mới được bữa cải thiện”, anh Hách chia sẻ.
Nói xong, anh chỉ vào bát lạc rang như để minh chứng cho bữa tối nay của 8 bố con. Anh Hách bảo, vừa rồi có người xát gạo trả được 20 nghìn nên anh mua ít lạc đem rang mặn mấy bố con ăn tằn tiện.
“Tiền học cho con tôi cũng chẳng có mà đóng, cô giáo hỏi tôi cứ lì ra. Mỗi tháng tôi cố xoay sở đóng cho thằng út học mẫu giáo 500 nghìn đồng, còn 3 đứa kia tôi kệ, để con đi học như vậy tôi cũng ngại lắm”, anh Hách tâm sự.
Mấy hôm rồi, anh cũng cố chạy vạy, vay chỗ nọ, đập chỗ kia để mua sách cho các con học. Bí quá, anh đánh liều gọi cho con gái cả hỏi vay 1 triệu nhưng con cũng không có.
“Hỏi con tôi cũng ngại vì nó đang nuôi con nhỏ nhưng biết làm sao được. Cho các con nghỉ học tôi cũng không đành, thà cứ để các cháu học được chữ nào hay chữ ấy”, anh Hách nói.
Biết hoàn cảnh của mình, nhiều người khuyên anh đi bước nữa nhưng anh chẳng dám nghĩ đến. Anh chỉ cố gắng làm lụng, dạy bảo, cho các đi học để lấy cái chữ và đảm nhận tốt vai trò của người bố, người mẹ.
Đã có nhiều người thấy gia cảnh của cha con anh Hách éo le nên muốn xin một cháu về nuôi hoặc có người khuyên anh cho các cháu đi nhà khác làm con nuôi để cha con đỡ túng thiếu, vất vả nhưng đối với anh Hách, đám trẻ là tài sản quý giá nhất. “Con cái là lộc trời cho, con mình đẻ ra mà để người khác nuôi thì đành lòng sao nổi. Mình sinh ra chúng thì mình phải nuôi, ở nhà với bố có rau ăn rau, có cháo ăn cháo chứ cho chúng nó cũng không đi đâu, mấy bố con nuôi nhau cho vui cửa vui nhà”. Vừa nói, anh vừa ôm đứa con nhỏ vào lòng vỗ về.
Dù cuộc sống gia đình còn khó khăn, vừa phải làm bố, vừa phải làm mẹ nhưng có các con làm động lực sẽ giúp anh Hách mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.
“Số tiền họ hàng vay giúp làm nhà, tôi sẽ cố gắng đi làm để trả nợ. Năm sau thằng út vào lớp 1, để các anh chị nó đưa đi học, tôi sẽ tìm việc gần nhà làm kiếm thêm thu nhập cho bố con cải thiện bữa ăn trước, rồi tính chuyện nợ nần sau”, anh Hách vui mừng nghĩ về tương lai.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |