Bất ngờ với cuộc sống hiện tại của người phụ nữ 29 tuổi đẻ 8 con ở Hà Nội
Sinh 8 người con khi mới 29 tuổi, tưởng cuộc sống càng ngày khó khăn nhưng hiện tại, cuộc sống của gia đình rất hạnh phúc, con cái học giỏi, kinh tế khá giả.
Căn nhà của vợ chồng anh Trường, chị Hồng đã được sơn, sửa lại nhìn rất khang trang.
Chuyện gia đình trẻ sinh nhiều con tưởng chừng chỉ xuất hiện ở miền núi nhưng vợ chồng anh Đỗ Công Trường (SN 1984) và chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1988) ở thôn Phú Hạ, xã Tân Phú (huyện Quốc Oai, Hà Nội) trong 11 năm sinh 8 đứa con, một thời đã gây xôn xao cả một vùng.
Hiện tại, cuộc sống gia đình không những không nghèo đi mà kinh tế ngày một phát triển, con cái học giỏi, là tấm gương vượt khó trong dòng họ.
Hạnh phúc viên mãn, kinh tế khá giả, con cái học giỏi
Cách đây 4 năm, vợ chồng anh Trường và chị Hồng “nổi tiếng” bất đắc dĩ vì trong 11 năm sinh tới 8 người con. Thời điểm đó, kinh tế khó khăn, anh Trường đi làm thợ xây, chị Hồng làm vệ sinh ở công trường, nhà thuộc diện nghèo nhất xã. Cuộc sống bấp bênh nhưng anh chị luôn động viên nhau, cùng nhau vượt khó khăn, quyết nuôi các con nên người.
Bên trong, nội thất đầy đủ như sập gụ, tủ chè, bàn thờ sơn son thiếp vàng…
Bên chén trà, anh Trường chia sẻ, bằng sự nỗ lực không ngừng, cuộc sống gia đình đã cải thiện đáng kể. Ngôi nhà của vợ chồng anh Trường đã được sơn sửa lại, có đầy đủ tiện nghi hơn. Nhà luôn đầy ắp tiếng cười của những đứa trẻ.
Căn bếp đầy đủ tiện nghi
“Bây giờ, mình có thể tự hào nhà đã thoát nghèo nhưng điều làm vợ chồng hạnh phúc nhất là các con ngoan ngoãn, chăm lo cho nhau. Các cháu lớn đều học giỏi, có đứa đi thi được giải của huyện và được tuyên dương, nhận phần thưởng quỹ học bổng của dòng họ”, anh Trường nói.
Dẫn chúng tôi khắp nhà, anh Trường giới thiệu, năm ngoái sắm sửa hết tất cả khoảng 300 triệu đồng, gồm bộ bàn thờ mới, bộ bàn ghế mới, sập gụ, tủ chè và các vật dụng tiện nghi… cũng như sửa lại nhà, làm thêm phòng vì nhà đông con.
Tối đến, đông đủ các con, nhà lúc nào cũng nhộn nhịp. Anh Trường lại mở karaoke, cất tiếng hát cho các con nghe.
Hiện tại, vợ chồng không phải làm công nhân mà đứng ra nhận làm làm sơn và hoàn thiện một số công trình, “trong tay” lúc nào cũng có hàng chục thợ.
Chị Hồng cho biết, ngày trước chỉ mong đủ ăn nhưng giờ cuộc sống đã đầy đủ hơn. Năm kia, hai vợ chồng để ra được khoảng 600 triệu đồng, số tiền đó sắm sửa đồ đạc, xây thêm phòng cho các con... năm ngoái, do dịch bệnh nên thu nhập cũng chỉ đủ ăn, chi tiêu trong gia đình.
Bằng khen của trường, huyện và thành phố trong những lần thi học sinh giỏi của 2 con gái lớn treo khắp nhà
“Lúc nghèo khó hay lúc có kinh tế, hai vợ chồng lúc nào cũng động viên nhau chứ không có chuyện xung đột. Nhiều thời điểm khó khăn quá cũng chán nản nên có khúc mắc chút nhưng sau đó tất cả vì các con”, chị Hồng tâm sự.
Cũng theo bà mẹ 8 con, vừa rồi tôi cũng nghe nói, mấy người con lớn ở gia đình 14 con ở Hà Đông vướng vào vòng lao lý, khiến mẹ của chúng rất buồn nên bằng mọi giá hai vợ chồng tôi phải giáo dục con thật tốt, sau này sống có ích cho xã hội.
“Vì quyết tâm không sinh thêm con nên hai vợ chồng tôi đã triệt sản”, chị Hồng nói.
Ký ức về những lần “vượt cạn”
Chị Hồng được mệnh danh là người phụ nữ “đẻ giỏi” nhất huyện. Chị Hồng kết hôn năm 2005, có con đầu lòng khi vừa tròn 19 tuổi. Bé đầu được 8 tháng, chị mang thai bé thứ 2, cứ thế trung bình 1 năm người phụ nữ này đẻ 1 con.
Hình ảnh chị Hồng đến công trường, giờ nhìn bà mẹ 8 con trẻ ra hơn rất nhiều so với mấy năm trước
Việc sinh đẻ của chị diễn ra hết sức dễ dàng, thuận lợi, bé thứ 7 được chồng chị đỡ ngay tại nhà, các bé còn lại được sinh thường ở trạm y tế xã, bé thứ 8 được sinh ở bệnh viện huyện.“Tôi cũng muốn đẻ thưa nhưng không được, chửa đến 3-4 tháng mới biết, có đứa được 5-6 tháng, có đứa 7-8 tháng, tôi mới biết là mình có thai nên cứ đẻ thôi”, chị Hồng cho biết.
Hình ảnh chị Hồng bên mân cơm tối cách đây 4 năm
Trong ký ức của chị Hồng, sinh người con thứ 7 khiến gia đình buồn nhất. Nhà nghèo không có tiền siêu âm, hai vợ chồng chỉ tính ngày ước chừng để lên trạm y tế sinh con. Hôm đó, đúng đêm 30, rạng sáng mùng 1 Tết năm 2016, chị trở dạ sinh con ngay trên giường. Do không kịp chuẩn bị trước, chồng chị bất đắc dĩ thành "bà đỡ", sau đó anh dùng xe bò đưa hai mẹ con lên trạm y tế xã sơ cứu, cắt rốn.Tuy nhiên, bé đột ngột qua đời khi mới 20 ngày tuổi mà không rõ nguyên nhân.
Đẻ đứa con thứ 8 được 13 ngày chị phải ra công trường xây dựng dọn vệ sinh, phụ hồ để kiếm tiền cho các con ăn học. Chị phải giấu cả làng, cả chủ thợ là mình vừa đẻ, nếu biết họ không cho đi làm.
Thời điểm đó, căn nhà anh chị không có gì đáng giá, các con ăn mặc cũng tềnh toàng
Anh Trường cũng tâm sự, mình là con trưởng nên phải có con trai nối dõi. Dù kinh tế khó khăn nhưng vẫn phải đẻ bằng được thằng con trai, đến đứa thứ 5 thì vợ tôi sinh được bé trai ai cũng mừng, hai vợ chồng anh quyết tâm dừng lại nhưng do chủ quan nên vợ sinh liền 3 con gái tiếp theo.
Khổ nhất là thời điểm vợ tôi sinh con thứ 6, lúc đó cô ấy bị u nang buồng trứng phải nằm ở Bệnh viện Bạch Mai một tuần, con mới sinh nằm ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Do vợ tôi uống thuốc tránh thai nhiều quá, lại làm việc nặng nhọc nên bị viêm gan E, máu loãng", anh Tường cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]
Hơn 30 năm nay, người phụ nữ sống giữa Thủ đô chưa khi nào hết ám ảnh về những cái Tết đói khổ và mùa xuân năm nay...