Bất ngờ với “bí quyết” sống thọ của 4 anh em ruột ở Hải Dương
Là anh em ruột sinh ra từ thế kỷ trước, nhưng chưa bao giờ 5 anh em nhà cụ Thướng thuộc dòng họ Nguyễn Văn to tiếng, mâu thuẫn. Các cụ luôn bằng lòng với những gì hiện có, sống an vui với con cháu. Đó chính là “bí quyết” giúp các cụ luôn khỏe mạnh, sống thọ.
“Bí quyết” sống thọ của 5 anh em nhà cụ Phướng là nên bằng lòng với những gì mình có. Ảnh: Đức Tùy
Tuổi thơ cực nhọc
Về thôn Đồng Tái, xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc (Hải Dương), chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động về 5 anh em ruột thuộc dòng họ Nguyễn Văn có “bí quyết” sống thọ và đoàn kết. Đó là cụ Nguyễn Văn Hướng (SN 1915), cụ Nguyễn Văn Thướng (SN 1925), hai cụ song sinh Nguyễn Văn Phướng, Nguyễn Văn Phiến (SN 1928) và cụ bà Nguyễn Thị Phím (SN 1931). Mặc dù, các cụ tuổi đã cao nhưng ai cũng khoẻ mạnh, minh mẫn và sống hoà thuận như những người bạn thân.
Cụ Nguyễn Văn Thướng (người em thứ hai) cho biết: “Bao nhiêu năm nay, cứ sáng ra mấy anh em chúng tôi đều gặp nhau nói chuyện như thế này, đến chiều lại đánh cờ và ngồi chơi. Có những lúc, chúng tôi nói chuyện làm ăn của các con cháu, rồi chuyện ấu thơ và đôi lúc ôn lại những năm tháng khó khăn của gia đình để anh em tự nhắc nhở nhau phải biết quý trọng cuộc sống hiện tại”.
Theo lời kể của cụ Thướng, trước kia gia đình cụ có 7 chị em (3 gái, 4 trai), nhưng do gia cảnh nghèo khó và bị bệnh nên hai người chị của cụ đã mất khi tròn 30 tuổi và mỗi người chị đều có một người con. Cụ tâm sự: “Hồi nhỏ, các anh chị em tôi đều được bố mẹ cho đi làm con nuôi ở các gia đình khá giả, người thì chăn trâu, người dọn việc cho nhà chủ. Hồi đó đói lắm, chủ nhà cho thứ gì chúng tôi đều ăn, vậy mà ai cũng khoẻ mạnh, không bệnh tật ốm đau bao giờ”.
Cụ Phím kể, lúc lên 8 tuổi, cụ được bố mẹ cho đi ở tại nhà người quen trên chợ Cuối (gần nhà). Lúc bố mẹ cụ qua đời, cụ được anh trai cả xin cho đi chăn trâu cho nhà địa chủ nơi cụ Hướng ở. Làm được vài năm, cụ Hướng đón các em về và thay bố mẹ để nuôi dạy các em. Cùng thời điểm này, đất nước đang xảy ra chiến tranh, cho nên anh em nhà cụ mỗi người tham gia một công việc khác nhau, góp phần bảo vệ Tổ quốc.
Trong số 5 anh em, có cụ Thướng và cụ Phướng tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Riêng cụ Thướng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, còn cụ Phướng bị địch bắt trong trận chiến đấu giáp lá cà và bị địch bắt giam ở 4 nhà tù khác nhau. Khi bị địch giam giữ, cụ bị địch tra tấn nhiều lần tưởng không qua khỏi. Do đó, sau khi trao trả tù binh, cả hai tai cụ đã không còn nghe được và trong đầu còn nhiều mảnh đạn trong lần đánh bộc phá.
Là em út trong gia đình, nhưng khi thấy các anh tham gia bộ đội, cụ Phím làm đơn xin gia nhập dân quân tự vệ của xã. Khi hoà bình lập lại, 4 anh em trở về nhà làm nông nghiệp và xây dựng gia đình, chỉ có cụ Thướng đi làm công nhân, sau đó giữ chức vụ Phó Giám đốc nhà máy cá hộp Hải Phòng.
Hãy bằng lòng với những gì mình có
Bên ấm trà, câu chuyện của 5 anh em nhà cụ Hướng mỗi lúc một rôm rả. Tuy tuổi đã cao, nhưng các cụ luôn dành cho nhau nhiều tình cảm khiến chúng tôi cứ ngỡ đây là những người bạn thân tri kỷ chứ không phải là anh em ruột cùng một gia đình. Trong số 5 anh em thì cụ Hướng là người cao tuổi nhất (101 tuổi, mất năm 2016), cụ bà Nguyễn Thị Phím (87 tuổi) và hiện tại 4 anh em nhà các cụ vẫn sống khỏe mạnh bên nhau.
Cụ Phím cho biết: Lúc bố mẹ còn sống hay khi mất, cả 5 anh em cụ chưa bao giờ tranh cãi nhau dù là những thứ bé nhất. Cho nên, nhiều người trong thôn Đồng Tái thường lấy anh em nhà cụ làm tấm gương sáng cho các gia đình học tập.
Cụ Thướng tâm sự: “Bao nhiêu năm tháng khổ cực, bao nhiêu khó khăn cuộc sống đều được anh em chúng tôi đều trải qua hết rồi. Bây giờ khi tuổi đã cao về già thì không nên bon chen nữa. Khi mình bằng lòng với những gì mình hiện có tức là mình đang làm cho cuộc sống của bản thân không bị áp lực, thoải mái về tư tưởng và giúp cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Do vậy, anh em chúng tôi đều khoẻ mạnh và vui vẻ”.
Hồi còn sống, cụ Hướng là người nhiều tuổi nhất được Chủ tịch nước tặng lụa, tặng thiệp chúc mừng. Cụ có thói quen đọc sách báo, dịch chữ Hán và ai có công việc cần nhờ xem ngày, giờ tốt để làm công việc đại sự.
Chia sẻ về cuộc sống của các cụ, ông Nguyễn Văn Lộc (63 tuổi, con trai cụ Hướng) cho biết: “Lúc nhỏ, tôi đã được nghe về cuộc sống cơ cực của 5 anh em nhà bố tôi, nhưng chưa khi nào tôi thấy to tiếng hay mâu thuẫn cả, lúc nào cũng yêu thương nhau, đùm bọc nhau. Các cụ luôn biết bằng lòng và trân trọng những gì đang có, không bon chen với xã hội và cuộc sống hiện tại. Đó cũng là lý do giúp các cụ sống thọ và minh mẫn đến lúc này”.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Thống Kênh nói, từ trước đến nay, người dân trong địa phương chưa thấy gia đình nào có được sự thuận hoà, tình đoàn kết, gương mẫu và sống thọ như 5 anh em nhà cụ Hướng. Con cháu của các cụ luôn chăm ngoan, học giỏi và gương mẫu. Trong mọi phong trào văn hoá xây dựng quê hương luôn được các cụ đi đầu thực hiện và là tấm gương sáng tiêu biểu của địa phương.
“Anh em chúng tôi chỉ tâm niệm một điều, đó là hãy sống an vui, yêu thương nhau, đừng nên ghét bỏ ai và biết bằng lòng với những gì hiện có. Đó chính là bí quyết sống thọ và sống có ích cho con cháu, mọi người, xã hội”, cụ Nguyễn Văn Thướng cho biết
Giờ, tuy tuổi cao, sức yếu, thường xuyên phải nằm một chỗ, nhưng cụ Trù vẫn ăn “không biết no”.