Bất ngờ nhân thân người mặc y phục giống nhà sư, đập vỡ kính xe tải ở Bình Dương
Bước đầu cơ quan chức năng xác định, người đàn ông này không phải là nhà sư và đang mắc bệnh liên quan đến thần kinh. Trước khi đập vỡ kính xe tải, người này đã thực hiện hành vi tương tự với hai ô tô khác dù không xảy ra bất kỳ mâu thuẫn nào.
Tối 27/5, đại diện chính quyền thành phố Dĩ An (Bình Dương) cho biết, người đàn ông mặc y phục giống nhà sư đứng chặn đầu, đập vỡ kính xe tải gây xôn xao dư luận tên là V.Đ.Q. (41 tuổi, quê tỉnh Phú Yên).
Ông Q. bỏ nhà đi lang thang và thực hiện hành vi trên tại đường Bùi Thị Xuân (phường Tân Bình, thành phố Dĩ An, Bình Dương). Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã liên hệ với người nhà của ông Q. ở Phú Yên đề nghị vào Bình Dương để phối hợp giải quyết sự việc.
Sau khi xảy ra vụ việc, công an địa phương đã phối hợp với các đơn vị đưa ông Q. đi kiểm tra ma túy theo trình tự thủ tục và có kết quả là âm tính. Quá trình xác minh tiếp theo, cơ quan chức năng xác định, ông Q. mắc bệnh liên quan đến thần kinh. Trước khi đập vỡ kính xe tải, ông Q. có hành vi tương tự với hai ô tô khác cùng thời điểm song tài xế rời khỏi hiện trường, không trình báo cơ quan chức năng.
Clip: Diễn biến vụ việc được tài xế ghi hình lại
Đối với tài xế xe tải, sau khi bị chặn đường, đập vỡ kính chắn gió đã trở về thông báo sự việc với chủ xe và không đòi bồi thường vì nhận thức được ông Q. có vấn đề về bệnh thần kinh với các biểu hiện lạ tại thời điểm gây án.
Về việc ông Q. mặc y mục giống nhà sư, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương khẳng định, người này không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo tỉnh.
Như Tiền Phong đã đưa tin, sáng cùng ngày, mạng xã hội đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh chiếc xe tải bị một người đàn ông đầu trọc, mặc y phục giống của nhà sư, tay cầm gạch đập liên tục làm vỡ kính chắn gió. Sự việc xảy ra trên đường Bùi Thị Xuân đoạn giáp ranh giữa TP. Dĩ An và TP. Thuận An (Bình Dương).
Nguồn: [Link nguồn]
Tài khoản facebook có tên Đoàn Ngọc Hải lý giải việc đăng tải clip nhà sư đánh người với mục đích "muốn đề cao tính nhân văn muôn đời của Phật giáo".