Bật đèn xe máy ban ngày: Nên thí điểm với xe phân khối lớn

Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp bật đèn chiếu sáng xe máy vào ban ngày nhằm giảm tai nạn giao thông hoàn toàn khả thi. Trước mắt, có thể thực hiện thí điểm giải pháp này với xe phân khối lớn (trên 125 CC).

Mới đây, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo ATGT cho người đi môtô, xe máy và khả năng áp dụng tại Việt Nam”. Tại đây, các chuyên gia nêu ra giải pháp bật đèn pha xe máy vào ban ngày để giảm số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Bật đèn xe máy ban ngày: Nên thí điểm với xe phân khối lớn - 1

Các chuyên gia đề xuất nên thực hiện thí điểm lắp đèn chiếu sáng ban ngày đối với xe phân khối lớn trên 125CC trước (Ảnh minh họa)

Giảm được một người tử vong cũng cần thiết

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tú, giảng viên Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Đại học GTVT) cho hay, ở Việt Nam, phần lớn người dân sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại là chính, trong khi đó các nước Châu Âu lại sử dụng phương tiện chính là ô tô. Do vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng giải pháp sử dụng đèn chiếu sáng ở xe máy giảm tai nạn giao thông.

“Nếu giải pháp trên ở nước ngoài họ áp dụng thành công, TNGT ở các nước này đã giảm xuống 25% thì Việt Nam cũng nên nghiên cứu, thử nghiệm. Chỉ cần giảm được 1 người tử vong vì tai nạn giao thông cũng là rất quý rồi chứ chưa nói gì đến kỳ vọng giảm 5-10% tai nạn giao thông xảy ra ở Việt Nam”, thạc sĩ Tú nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, phần lớn các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy đều xảy ra lúc chiều tối hoặc sáng sớm. Đây là thời điểm nhiều người dân qua lại các nút giao cắt phóng nhanh, tầm nhìn bị hạn chế…

“Tôi nghĩ rằng giải pháp lắp đèn chiếu sáng đối với xe máy có thể áp dụng thí điểm trước cho loại xe phân khối lớn từ 125 CC trở lên. Khi thực hiện, cần phải có lộ trình cụ thể để cho người dân chuẩn bị, làm quen”, thạc sĩ Tú chia sẻ.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu giao thông Hà Nội cho hay, hằng năm, Việt Nam có gần 9.000 người tử vong vì nạn giao thông, đây là con số khiến nhiều người phải suy ngẫm, xót xa. Do đó, nếu một giải pháp mới có thể có giúp giảm các vụ tai nạn giao thông, giảm số người tử vong thì cơ quan chức năng cũng nên xem xét.

Bật đèn xe máy ban ngày: Nên thí điểm với xe phân khối lớn - 2

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

“Tuy nhiên tôi vẫn lo ngại, thời tiết của Việt Nam khác với nước ngoài. Vào mùa hè, nếu như người dân đồng loạt bật đèn xe sáng vào ban ngày thì nhiệt độ môi trường sẽ gia tăng. Thêm nữa, nếu không có nghiên cứu kỹ, đèn xe lắp đặt gây lóa mắt các phương tiện đi ngược chiều thì coi như phản tác dụng”, ông Liên nêu.

Lắp đèn chiếu sáng xe máy, chi phí tăng lên

Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc thứ nhất Công ty Honda Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, các dòng xe máy chưa lắp đặt đèn chiếu sáng. Hiện tại, mới chỉ có một số dòng xe SH, LEAD, PCX xuất sang thị trường Châu Âu có lắp đặt đèn chiếu sáng nhằm giảm tai nạn giao thông.

“Tại Việt Nam nếu muốn thay đổi thiết kế của dòng xe máy, chúng tôi phải mất 2 năm để các cơ quan có liên quan phê chuẩn các tiêu chuẩn kỹ thuật, thử nghiệm xe. Chúng tôi sẽ phải thay loại bóng đèn, bình ắc quy có độ bền tốt, chiếu sáng lâu hơn; rồi đến hệ thống dây dẫn, bộ điều khiển ở trên xe”, ông Tuấn thông tin.

Theo ông Tuấn, mật độ các phương tiện ở Việt Nam rất cao, trong khi đó các tuyến đường lại chật hẹp. Do vậy, các cơ quan chức năng cũng phải xem xét khi thực hiện giải pháp trên xem nhiệt độ có gia tăng không; người điều khiển phương tiện khi lái xe có bị phân tán tầm nhìn hay không… Thêm nữa, việc làm này phải có thử nghiệm và lộ trình cụ thể, khi nào thực sự thấy hiệu quả mới triển khai rộng.

“Khi thay đổi lắp đèn chiếu sáng ở xe máy, chắc chắn mức phí sẽ tăng lên, tuy nhiên, người dân có thể yên tâm là mức phí tăng lên sẽ không nhiều. Về mức phí này, hiện tại chúng tôi chưa dự trù được”, ông Tuấn nói thêm.

Ông Hồ Mạnh Tuấn cho hay, trong trường hợp áp dụng giải pháp nêu trên, đối với xe máy cũ đang lưu thông trên thị trường sẽ phải mất khoảng thời gian 2 năm để người dân mang xe đi thay thế, điểu chỉnh, lắp đặt đèn chiếu sáng.

“Chúng tôi luôn ủng hộ các giải pháp giảm tai nạn giao thông, giảm số người tử vong. Trong thời gian tới, công ty sẽ phối hợp với nhà sản xuất, cơ quan chức năng của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức thêm các hội thảo bàn kỹ trước khi thực hiện thí điểm”, ông Tuấn nói.

Loại đèn chiếu sáng các chuyên gia đề xuất lắp phía trước xe máy là đèn Position light (hay gọi là đèn đờ mi) có tác dụng thông báo vị trí của xe để người dân nhận biết. Loại đèn này có thể dùng trong lúc xe dừng, điều kiện chiếu sáng không tốt, thời gian ban ngày.

Còn loại đèn xe máy hiện nay người dân đang dùng là loại đèn pha, bao gồm có 2 nấc, đèn pha (chiếu xa) và đèn cốt (chiếu gần). Loại đèn này có chức năng chiếu sáng trong điều kiện ánh sáng không tốt, trời tối.

Trong trường hợp cơ quan chức năng yêu cầu phải lắp thêm đèn chiếu sáng (loại đèn đờ mi) ở xe máy, người dân sẽ phải bỏ thêm chí phí để mua loại đèn này lắp vào xe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN