Bắt con tin Nhật: Mục tiêu thực sự của IS không phải là tiền

Theo tờ Telegraph của Anh, dù chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) vừa tung video dọa giết 2 công dân Nhật nếu không nhận được 200 triệu USD tiền chuộc trong vòng 72 giờ, song mục đích chính của chúng thực ra lại không phải là tiền, mà đó là hiệu quả tuyên truyền.

Biên tập viên Trung Đông của Telegraph, Richard Spencer nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên IS tung video công khai đòi tiền chuộc con tin. Đây cũng là lần đầu tiên IS công khai dọa giết con tin là công dân của một quốc gia không góp quân tham gia chiến dịch không kích chống lại chúng do Mỹ dẫn đầu tại Iraq và Syria.

Theo ông Richard Spencer, video dọa giết con tin mới nhất của IS có tiêu đề “Thông điệp gửi tới chính phủ và người dân Nhật Bản”, trong đó ghi lại cảnh chiến binh IS bịt mặt cầm dao dọa giết hai con tin người Nhật mặc bộ trang phục áo liền quần màu cam trên thực tế nhằm mục tiêu giúp nhóm khủng bố thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ dư luận, chứ không phải là vì tiền.

Bắt con tin Nhật: Mục tiêu thực sự của IS không phải là tiền - 1

Tính mạng của các con tin Nhật Bản đang ngàn cân treo sợi tóc.

 

Biên tập viên Richard Spencer giải thích, hiện nay tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang theo đuổi chiến lược tuyên truyền gây ấn tượng mạnh bằng các yếu tố: Gây sốc, kinh hãi, video xác thực, sắc nét, rõ ràng.

Hai con tin Nhật Bản Haruna Yukawa và Kenji Goto đặc biệt giúp IS thực hiện mục tiêu tuyên truyền trên, thậm chí còn hiệu quả hơn cả những con tin phương Tây trước đó.

Nguyên nhân là vì, hai công dân Nhật Haruna Yukawa và Kenji Goto có những điểm khác biệt đáng chú ý so với các nạn nhân phương Tây trước đó của IS - vốn là những người làm việc cho các hãng tin, cơ quan báo chí hoặc các tổ chức viện trợ, nhân đạo, vốn đã chấp nhận các rủi ro trước khi dấn thân tới Syria, Iraq.

Con tin Yukawa được mô tả là "người đàn ông đi du lịch chiến tranh" có câu chuyện cuộc đời đặc biệt. Yukawa bỏ Nhật Bản tới Syria trong hành trình khám phá bản thân mình sau cái chết của vợ ông ta vì bệnh ung thư phổi và công việc kinh doanh thất bát. Người đàn ông này đã ra đi mang theo những băn khoăn lớn về bản ngã cũng như xu hướng tình dục của mình. Người đàn ông này thậm chí còn từng cố gắng tự thiến mình.

Sau khi đặt chân tới Aleppo, Yukawa dường như đã tìm thấy bản ngã của chính mình. Ông ta quay các video chiến tranh và chụp ảnh với các chiến binh nổi dậy thuộc lực lượng Quân đội Tự do Syria rồi đăng tải lên mạng trước khi bị IS bắt cóc và giam giữ.   

Con tin thứ 2, Kenji Goto thì bình thường hơn khi là một nhà báo tự do. Dù vậy ông ta vẫn được đánh giá là người ham thích làm việc theo những cách khác biệt.

Goto đặt chân tới Syria từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 4 tháng và bất chấp nguy hiểm, muốn tới thành phố Aleppo để gặp phiến quân IS và nói với chúng rằng mình là một nhà báo, đồng thời tìm hiểu xem IS đang đối xử như thế nào với người dân Syria vô tội. 

Ông ta có thể đã lạc quan cho rằng, dưới danh nghĩa là một công dân Nhật, ông sẽ không gặp nhiều nguy hiểm. Hiến pháp của Nhật ngăn nước này gia nhập các liên minh quân sự trong đó có liên minh do Mỹ dẫn đầu để tiêu diệt tổ chức khủng bố IS.

Bắt con tin Nhật: Mục tiêu thực sự của IS không phải là tiền - 2

Chân dung chiến binh IS và 2 con tin Haruna Yukawa (góc phải trên) và nhà báo Kenji Goto (góc trái trên).

Một nguyên cớ đáng chú khác để IS lợi dụng 2 con tin Nhật Haruna Yukawa và Kenji Goto cho mục tiêu tuyên truyền gây ấn tượng mạnh của chúng là chính phủ ở Tokyo sẽ ít có khả năng trả tiền chuộc 2 công dân được nhận dạng là có hành động và suy nghĩ dị thường.

Hôm qua, Tokyo đã lên tiếng tuyên bố, nước này sẽ không nhân nhượng hay khuất phục trước chủ nghĩa khủng bố.

"Lập trường của nước chúng tôi trong cuộc chiến chống khủng bố sẽ không thay đổi", Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga tuyên bố trong cuộc họp báo ở Tokyo. Tuy nhiên, khi được hỏi, liệu Tokyo có trả tiền để chuộc con tin hay không, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga từ chối trả lời.

Bắt con tin Nhật: Mục tiêu thực sự của IS không phải là tiền - 3

 Tokyo hôm qua tuyên bố không nhân nhượng hoặc đầu hàng trước chủ nghĩa khủng bố bất chấp IS đe dọa giết 2 công dân Nhật.

Hơn nữa, theo nhiều nhà phân tích, khoản tiền chuộc 200 triệu USD mà IS đòi chính phủ Nhật phải trả là quá lớn và thực ra chỉ mang ý nghĩa biểu tượng khi IS đang là nhóm khủng bố giàu nhất thế giới.

Các nhà phân tích còn dẫn chứng rằng, trước đó, Pháp được cho là đã trả cho SÍ 18 triệu USD để đổi lấy tự do cho 4 công dân nước này. Italy cũng từng cho là đã phải trả 13 triệu USD cho sự tự do của 2 công dân nước này bị bắt cóc ở Syria. Những mức giá kể trên đều ít hơn rất nhiều so với khoản 200 triệu USD mà IS vừa ra giá với chính phủ Nhật. 

Ngoài ra, dễ thấy yêu cầu của IS có liên quan đến cam kết của việc Thủ tướng Nhật trong một chuyến thăm gần đây tới Cairo hôm 17.1 khi khoản 200 triệu USD tương đương với số tiền mà ông Abe hứa hẹn viện trợ phi quân sự cho các nước đang bị ảnh hưởng bởi chiến dịch không kích chống lại IS.

Kể từ khi vụ thảm sát tạp chí Charlie Hebdo trở thành tiêu đề chính trên tất các các phương tiện truyền thông khắp thế giới, IS đã tạm thời "lui về phía sau hậu trường". Do đó, để quay trở lại là "trung tâm" trên sân khấu, IS phải tìm kiếm những yếu tố khác biệt và chúng đã tìm thấy điều đó ở 2 con tin Nhật, Haruna Yukawa và Kenji Goto.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN