Bắt chó thả rông: Ai có quyền đốt chó?
Dư luận đang hoang mang trước thông tin chó thả rông bị bắt, sau 72 giờ chủ không đến nhận sẽ bị tiêu hủy bằng hình thức đốt.
Cảnh bắt chó thả rông ở Tp.HCM (ảnh: Ngọc Phạm)
Mới đây, clip Đội săn bắt chó thả rông ở TP.HCM đang làm việc được đăng tải lên mạng xã hội đã gây ra nhiều tranh cãi.
Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng Phòng Thanh tra Chi cục Thú y TP HCM cho biết, chó thả rông bị bắt sẽ lưu giữ ở 252 Lý Chính Thắng trong 72 giờ. Trong thời gian này, chủ có thể liên hệ để nhận lại chó theo thủ tục và nộp phạt theo từng hành vi. Trường hợp không có chủ đến nhận, chó sẽ được đem đi tiêu hủy bằng hình thức đốt.
Thông tin trên khiến dư luận hoang mang, nhiều người cho rằng lực lượng chức năng không có căn cứ để tiêu hủy chó khi không có chủ đến nhận. Bên cạnh đó, việc tiêu hủy chó bằng hình thức đốt được cho là thiếu nhân văn.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty Luật Minh Bạch khẳng định, việc thành lập đội xử lý chó thả rông ở TP. HCM thực hiện theo đúng quy định của Thông tư 07 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Nhiều người coi chó như thành viên trong gia đình, việc bắt giữ chó vấp phải phản ứng là điều không tránh khỏi. Chó gần gũi thân thiết với chủ nhân nhưng dễ có hành vi tấn công người lạ, đặc biệt nguy cơ lây nhiễm bệnh dại cho người. Bắt cho thả rông đương nhiên đúng, tuy nhiên nhân viên thú y nên nhắc nhở chủ nuôi trước khi bắt chó”, luật sư Tuấn Anh cho hay.
Luật sư Tuấn Anh cho biết thêm, theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã được phép quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý. Sau đó, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận. Chủ nuôi để chó thả rông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Lực lượng chức năng có quyền quyết định biện pháp xử lý chó, tiêu hủy chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận. Việc tiêu hủy có nhiều cách, thông thường là đào hố chôn xa khu dân cư; bỏ thuốc sát trùng, bao gồm cả hình thức đốt.
Theo Phụ lục 15, thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý. Thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận. Áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi. Quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận. |
Chó không rọ mõm được thả rông ở nơi công cộng khiến nhiều người đi đường đứng tim, sợ hãi.