Bất chấp đe dọa, Pháp quyết tăng cường chống khủng bố IS
Pháp tuyên bố mở rộng sự tham gia của nước này vào chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhắm vào những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq, một tuần sau khi ba người đàn ông tuyên bố trung thành với nhóm này sát hại 17 người ở Paris.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls tại Quốc hội trước cuộc bỏ phiếu hôm 13.1 về vấn đề này nhấn mạnh, nước Pháp đang khai chiến với những kẻ khủng bố, cực đoan, chứ không phải với tôn giáo.
Hiện Pháp là một trong một số nước châu Âu đang tham gia liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhóm này đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq hồi năm ngoái.
Cùng ngày, người đứng đầu tổ chức cảnh sát châu Âu cho hay, có tới 5.000 người châu Âu đang tham chiến ở Syria, dấy lên lo ngại về việc những chiến binh này sẽ mang theo tư tưởng cực đoan trở về quê hương và thực hiện những vụ tấn công khủng bố.
Pháp vẫn đang đối mặt với nguy cơ khủng bố cao sau một chuỗi các vụ tấn công khủng bố, bắt cóc con tin tuần qua khiến tất cả 17 người thiệt mạng. Kể từ hôm qua, quân đội Pháp triển khai 10.000 binh sĩ để giúp cảnh sát bảo đảm an ninh tại những nơi được cho là "những địa điểm nhạy cảm." Những nơi đó bao gồm các trường học của người Do Thái, những nhà thờ Do Thái và đền thờ Hồi giáo.
Hôm 12.1, chi nhánh al-Qaeda tại Bắc Phi (AQIM) vừa lên tiếng cảnh báo nước Pháp sẽ còn phải hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố và sẽ phải trả giá do thái độ thù địch đối với người Hồi giáo của họ.
Trong một tuyên bố được đăng trên các trang web của các phần tử thánh chiến, AQIM tuyên bố: “Nước Pháp đang phải trả giá cho chính những hành động bạo lực nhằm vào người Hồi giáo và chính sách thù địch đối với đạo Hồi”.
Tổ chức này còn cho hay: “Chừng nào các binh sĩ Pháp vẫn còn hiện diện tại các quốc gia như Mali, Cộng hòa Trung Phi và tham gia vào các cuộc không kích cho Mỹ đứng đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Iraq, và chừng nào các phương truyền thông nước này tiếp tục bôi nhọ hình ảnh nhà tiên tri Mohammad thì nước Pháp còn tự đặt người dân của họ vào tình thế tồi tệ nhất”.