Cây đổ, tôn bay, một người tử vong trong gió bão
Nhiều giờ trước khi bão vào, ven biển miền Bắc mưa lớn, gió giật đổ hàng loạt cây xanh làm một người chết. Biển quảng cáo, mái tôn bay trên đường, nhiều tàu thuyền đứt neo trôi ra biển.
- 11h, tâm bão trên vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, sức gió mạnh nhất 149 km/h, cấp 13, giật cấp 16. - 6h tiếng trước khi đổ bộ đất liền, rìa bão đã gây mưa to, gió giật mạnh tại các tỉnh ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa. - 15-16h tâm bão vào Hà Nội gây gió mạnh cấp 6-7, gió giật cấp 8-9. Sức gió này có khả năng quật ngã nhiều cây lớn, thổi bay biển quảng cáo nên người dân không ra ngoài từ đầu giờ chiều nay. |
Khoảng 8h30, xe máy chở hai người đang lưu thông trên đường 392, thôn Đỗ Xuyên, xã Quang Minh (hướng Thanh Miện đi Gia Lộc) thì bị cây ven đường đổ đè vào xe. Hậu quả, một người đàn ông 53 tuổi trú Quỳnh Phụ, Thái Bình tử vong.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trường phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia khuyến cáo trong 1-3 giờ tới, bão sẽ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng với cấp 10-12, giật cấp 14-15. Khu vực Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-13; các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên gió mạnh cấp 7-8. Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp chậm hơn khu vực ven biển.
"Từ 15-16h trở đi, Hà Nội sẽ có gió mạnh cấp 6-7, gió giật cấp 8-9. Sức gió này có khả năng quật ngã nhiều cây lớn, thổi bay biển quảng cáo nên người dân không ra ngoài từ đầu giờ chiều nay", ông Hưởng nói.
Phố Tô Hiệu (Cầu Giấy) tập trung nhiều cửa hàng ăn uống, ngày thường tấp nập nay yên ắng, hàng quán đóng cửa. Ảnh: Lâm Thoả
Hiện các trạm quan trắc đã đo được gió mạnh cấp 13, giật cấp 14 ở đảo Bạch Long Vĩ; đảo Cô Tô cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà cấp 8, giật cấp 12; Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 12, giật cấp 14; Đông Xuyên (Hải Phòng) cấp 7, giật cấp 8; Ba Lạt (Thái Bình) cấp 8, giật cấp 10, Vũ Ninh (Thái Bình) cấp 7 giật cấp 9.
Lúc 11h, tâm bão trên vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, sức gió mạnh nhất 149 km/h, cấp 13, giật cấp 16. Bão đang theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15 km/h. Do ảnh hưởng của bão, 6 giờ qua Cát Bà (Hải Phòng) mưa 80 mm; Cẩm Phả 152 mm, Thanh Lâm (Quảng Ninh) 180 mm.
Bão số 3 đổ bộ vào huyện Cô Tô (Quảng Ninh) sáng 7/9 đạt cường độ cấp 13, giật cấp 16. Từ 7h sáng đến 11h trưa, gió liên tục tăng và chưa có dấu hiệu giảm.
Gió bão đã làm gãy đổ, hư hỏng gần hết các cây xanh trên đường. Một số tàu xi măng, lồng bè neo đậu tại Khu Dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc Bộ bị đắm.
Một số cơ quan công sở và trường học, nhà dân bị tốc mái, Trung tâm Truyền thông văn hóa huyện bị sập tường. Tất cả các pano, khẩu hiệu, đường điện bị gió làm gãy đổ và hư hỏng. Theo UBND huyện Cô Tô, đây là cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay đổ bộ vào đảo trong mấy chục năm qua.
Theo Công ty Điện lực Quảng Ninh, tính đến 10h sáng nay 40% khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh đã bị mất điện. Trong đó, huyện Cô Tô mất điện toàn bộ.
Nhiều cây keo trong hành lang an toàn giao thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã bị bật gốc, đổ la liệt. Phương tiện trên tuyến cao tốc vẫn được lưu thông bình thường.
Các cầu lớn ở Quảng Ninh, Hải Phòng như cầu Bãi Cháy, Tân Vũ - Lạch Huyện, Hoàng Văn Thụ, Kiền... bắt đầu cấm toàn bộ ôtô lưu thông, mức gió tại đây đang cấp 10.
Bờ biển Hoằng Trường đang sạt nặng do xâm thực, chính quyền tỉnh Thanh Hóa vừa ban bố tình trạng khẩn cấp. Tại nơi sạt lở, cơ quan chức năng đóng thêm cọc tre gia cố bờ biển, cạnh đó nhiều cây phi lao bị sóng, gió quật gãy, bật gốc.
Trưa nay, loa truyền thanh xã ven biển Hoằng Trường liên tục phát tin cập nhật diễn biến Yagi, cảnh báo bão "lớn nhất hàng chục năm qua", khuyến cáo người dân không ra ngoài.
Bờ biển Hoằng Trường được gia cố bằng cọc gỗ. Ảnh: Lê Hoàng
Thân cây phi lao bị gió quật gãy, toác vỏ. Ảnh: Lê Hoàng
Cây đổ ven cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Clip: Cục Đường bộ VN.
Lạng Sơn nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi. Tại khu vực biên giới Lộc Bình (Lạng Sơn) có nhiều núi cao che chắn, song càng về trưa gió giật càng mạnh, quật đổ nhiều cây lớn nằm ngang đường.
Đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma cắt cử người cắt cành, dọn dẹp, giúp dân di chuyển đồ đạc tới nơi kiên cố. Trong hôm qua và sáng nay, Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã giúp di chuyển gần trăm hộ dân tới nơi an toàn.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Chi Ma tiếp tục chuyển đồ đạc giúp người dân trong sáng nay. Ảnh: Công Ngọc
Bộ đội dọn dẹp cây lớn chắn ngang đường. Ảnh: Công Ngọc
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 11h, tâm bão trên vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, sức gió mạnh nhất 149 km/h, cấp 13, giảm một cấp so với lúc sáng. Bão đang theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15 km/h, gần một tiếng nữa đổ bộ khu vực giữa Quảng Ninh và Hải Phòng.
Do ảnh hưởng của bão, 6 giờ qua Cát Bà của Hải Phòng mưa 80 mm; Cẩm Phả 152 mm, Thanh Lâm của Quảng Ninh 180 mm. Đảo Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 13, giật cấp 14; Cô Tô cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) cấp 9, giật cấp 11; Ba Lạt (Thái Bình) cấp 8, giật cấp 10.
Mưa trắng xóa, gió ngày càng mạnh. Phía nam cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn liên tiếp có nhiều tàu bè bị đứt dây neo trôi dạt trên biển. Một bè bị chìm do tàu hàng đâm va.
Một số ngư dân đã bị rơi xuống biển hoặc trôi theo thuyền. Họ cố gắng chống chọi sóng biển để leo lên và đưa thuyền vào bờ.
Ngư dân bị rơi xuống biển. Ảnh: Giang Huy
Ngư dân chống chọi với dòng nước xiết để lên thuyền. Clip: Giang Huy
Người dân vẫn lên tàu thuyền kiểm tra dù trời đang mưa lớn. Ảnh: Giang Huy
Đảo Cát Bà đang mưa gió lớn, sóng cao 2-4 m. Một số tàu du lịch, tàu cá trong bến Cái Bèo bị xô đẩy, đứt dây neo trôi ra biển.
Trên đảo, hầu hết du khách đã trở về đất liền từ mấy hôm trước, người dân đã trú ẩn an toàn. Các tuyến phà, cáp treo ra đảo Cát Bà đều đã ngừng hoạt động.
Đảo Cát Bà vắng vẻ người dân. Ảnh: Lê Tân
Nhà để xe điện du lịch trên đảo Cô Tô được dựng bằng khung sắt, lợp mái tôn đã không thể chống chịu với sức gió giật cấp 12, giật cấp 15. Nhiều khung sắt dựng biển quảng cáo bị gió thổi đổ, hoặc bay khắp nơi. Cây xanh gãy đổ.
Ảnh: Thu Báu
Video: Thu Báu
Về trưa, gió giật ở Hà Nội càng mạnh lên. Người dân tiếp tục gia cố, dùng vật nặng che chắn cửa hàng, nhà cửa. Trên phố Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm), một cửa hàng dùng container đặt phía trước cửa kính để cản gió.
Container cản gió trước cửa hàng trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Hoàng Phong
Lo mưa lớn gây ngập, Ban quản lý một chung cư ở Linh Đàm (Hoàng Mai) cấp tập bê bao cát, bàn ghế chặn cửa tầng hầm. Chính quyền xã, phường, tổ dân phố tiếp tục khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, không ra ngoài đường khi bão đổ bộ, hạn chế trú tránh dưới gốc cây, cột điện...
Người dân dùng ván, bao cát chắn trước cửa hầm chung cư ngăn ngập. Ảnh: Hoàng Phong
Người đàn ông vác cánh cửa để chặn gió chống bão. Ảnh: Hoàng Phong
Hà Nội gió giật liên hồi. Video: Văn Ngọc
Tại cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, khoảng 10 tàu thuyền đã neo đậu bị đứt dây, sóng lớn cuối trôi ra biển. Có ngư dân cho biết sáng ra vẫn thấy thuyền, nhưng nay không xác định ở đâu. Một số nhà bè nuôi hải sản cũng bị sóng đánh tan tác.
Video: Giang Huy
Phần lớn người dân đã rời tàu, bè lên bờ từ chiều tối qua. Tuy nhiên, một số người xót của vẫn cố tìm cách cứu tài sản. Thông tin ban đầu, một người dân đi thuyền ra cứu bè đã bị sóng đánh lật thuyền, hiện chưa tìm thấy.
Một người dân bị trôi theo thuyền trên biển sáng nay. Ảnh: Giang Huy
Nhiều lồng bè bị sóng nhấn chìm, tan tác. Ảnh: Giang Huy
Tại thị trấn Cái Rồng, huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, mái tum, mái vỉa bằng tôn của nhiều hộ dân bị gió bão giật tung, thổi bay vèo vèo trên đường phố.
Video: Huy Mạnh
Gió trước bão đã kéo đổ nhiều cây xanh trên đường phố các quận Ngô Quyền, Đồ Sơn. Biển quảng cáo và tấm tôn lợp của nhiều nhà cũng bị giật tung, đổ nghiêng ngả trên đường. Điện lưới một số khu vực chập chờn.
Cây đổ trên đường Lê Thánh Tông, quận Ngô Quyền.
Đường Trần Phú, quận Ngô Quyền.
Cây đổ trên đường Lý Tự Trọng, quận Hồng Bàng.
Cây đổ đường Máy Tơ, quận Ngô Quyền. Ảnh: Lê Tân
Một biển quảng cáo đổ trên đường Phạm Văn Đồng, quận Đồ Sơn. Ảnh: Lê Tân
Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết đến sáng 7/9, khoảng 91.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội; 360.000 dân quân tự vệ và dự bị động viên đã được huy động để ứng phó bão Yagi.
Các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, các Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân, Bộ tư lệnh Biên phòng, Cảnh sát biển và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã huy động tổng cộng gần 2.000 ôtô, xe đặc chủng, 6 máy bay và tàu thuyền các loại để ứng phó bão.
Trong đó, Binh đoàn 18 - Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Bộ Quốc phòng) đã bố trí 70 người cùng hai trực thăng để tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Nằm ở rìa tâm bão, Thanh Hóa được dự báo có gió cấp 8-9. Vùng biển đâng mưa nặng hạt, sức gió theo ngư dân địa phương khoảng cấp 3 -4. Sóng biển cao gần một mét, đập vỗ liên hồi vào bờ. Hải Tiến, khu du lịch nổi tiếng ở Thanh Hóa, chỉ vài người dân trụ lại trông nhà cửa và tài sản, còn lại đã vào nơi tránh trú bão.
Sóng lớn đập vỗ dưới chân cầu cảng ở khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa. Ảnh: Lê Hoàng
Sáng 7/9, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia kiểm tra tình hình trực bão Yagi. Ông yêu cầu Tổng cục Khí tượng thủy văn thông tin ngắn gọn, chính xác khi cơn bão chính thức đổ bộ; dự báo thời điểm tác động trực tiếp đến các vùng ven biển và đất liền (từ 11h tới 17h hôm nay), đưa ra các khuyến cáo, dự báo tình huống cụ thể ở các địa phương, từ đó có phương án xử lý kịp thời.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà theo dõi diễn biến bão Yagi sắp đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng. Ảnh: Minh Khôi
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết các hồ chứa ở Bắc Bộ đã được đưa về mực nước tích lũ. Hệ thống đê biển, đê ven sông có khả năng bị tràn, khi có sóng lớn, lũ dâng và các địa phương đã có phương án ứng phó.
Trung tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cứu hộ - Cứu nạn, cho biết đến nay Bộ Quốc phòng đã bố trí gần 100.000 cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm phương tiện đặc chủng, sẵn sàng ứng phó bão Yagi trong mọi tình huống.
Dù không phải lúc triều cường, sóng ở biển Đồ Sơn ngày càng lớn, có lúc chồm lên bờ kè và tuyến đường ven biển.
Sóng biển ở bãi Đồ Sơn. Ảnh: Lê Tân
Sóng càng ngày càng lớn. Ảnh: Lê Tân
Mưa to, sóng lớn ở biển Đồ Sơn. Video: Văn Phú
Nằm sát tâm bão dự kiến đổ bộ, Thái Bình bắt đầu xuất hiện mưa to, gió lớn. Tại huyện ven biển Tiền Hải, từ sáng lực lượng chức năng đã túc trực tại các địa điểm ra vào đê biển để yêu cầu người dân quay lại nhà. Phía ngoài đê biển, gió giật mạnh, rít lên từng hồi.
Lực lượng chức năng túc trực ở tuyến đê biển ngăn người dân qua lại. Ảnh: Phạm Chiểu
Biển Tiền Hải, Thái Bình lúc 9h35. Video: Phạm Chiểu
Sáng 7/9, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng chống bão. Việc lập Sở Chỉ huy tiền phương diễn ra do bão rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Chính phủ thường kỳ, sáng 7/9. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng cũng cho biết một số bộ trưởng, thứ trưởng đã được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh thành ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng chống bão. Bộ Quốc phòng, Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân chống bão.
Tại cảng Vân Đồn (Quảng Ninh), mưa to, gió đã giật tung mái tôn của nhiều nhà dân. Nhiều người dân vẫn tập trung tại bến tàu kiểm tra tình trạng thuyền, gia cố vị trí neo đậu.
Mỗi tàu trị giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, là đầu cơ nghiệp nên dù đã được neo đậu ổn định từ hôm qua, ngư dân vẫn mong ra kiểm tra lần cuối trước khi bão vào.
Mưa lớn tại Vân Đồn. Ảnh: Giang Huy
Một ngư dân ra kiểm tra thuyền trong lúc mưa lớn. Ảnh: Giang Huy
Nhiệt độ ngoài trời ở huyện Vân Đồn giảm 3 độ so với sáng sớm, còn 26 độ. Gió thổi liên tục thành từng cơn rất mạnh kèm theo các đợt mưa xối xả. Mỗi cơn gió lại giật đổ hoặc vặn gãy nhiều cành cây ven các tuyến phố ở thị trấn Cái Rồng.
Cây đổ trên đường phố ở thị trấn Cái Rồng. Ảnh: Phạm Dự
Trên các tuyến đường chỉ còn một số ít phương tiện qua lại, song di chuyển khó khăn. Người dân đa phần ở trong nhà theo khuyến cáo của chính quyền địa phương, chỉ có lao công, bộ phận thu dọn cây xanh ra đường làm việc. Để chống chọi với bão, nhiều nhà đặt các chậu cây cảnh chèn cửa cuốn nhằm tránh bị gió cuốn bay.
Ôtô được băng bó bằng tấm xốp, băng dính. Ảnh: Phạm Dự
Gió mạnh ở Đồ Sơn. Ảnh: Lê Tân
Cây đổ ở Đồ Sơn. Ảnh: Lê Tân
Hà Nội nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp, dự báo chiều tối nay gió bão mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10. Tuy nhiên, từ sáng người dân sống ở các khu nhà cao tầng đã nghe tiếng gió rít ở ban công, xô ngọn cây nghiêng ngả. Đường phố vắng bóng người do tránh bão và là ngày nghỉ cuối tuần.
Quán cà phê, ăn vặt trên phố Tô Hiệu đóng cửa, nghỉ bán sáng nay. Ảnh: Lâm Thỏa
Một số quán cà phê, hàng ăn trên phố Tô Hiệu (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) nghỉ bán, còn lại vẫn mở song vắng khách. Chợ truyền thống hoạt động bình thường phục vụ người dân mua bán.
Đường phố quận Đồ Sơn vắng tanh, chỉ có một vài ôtô qua lại. Trên biển trời mù, sóng xô vào bờ kè cao khoảng một mét. Gió chưa mạnh, mưa bắt đầu nặng hạt.
Video: Lê Tân - Văn Phú
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết bão đang mạnh cấp 14, giật cấp 17, cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 130 km. Chiều nay, bão sẽ đi vào đất liền và gây gió mạnh cấp 10-12 tại Quảng Ninh - Hải Phòng, gió cấp 8-10 tại Nam Định, Thái Bình và các khu vực sâu hơn như Lạng Sơn, Bắc Giang.
Cơn bão Yagi rất mạnh, hoàn lưu rộng, nên từ chiều và tối nay Hà Nội có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10. Cùng với gió giật mạnh thì Hà Nội có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn với lượng mưa 150-350 mm. Gió mạnh có khả năng làm đổ cây, biển quảng cáo bay như cơn giông lốc chiều qua nên người dân lưu ý không nên ra khỏi nhà.
Trên cầu Bãi Cháy đã có gió mạnh cấp 6-7. Lực lượng chức năng đã cấm xe máy từ 8h và bố trí ôtô tải chở người và xe máy qua cầu.
Tương tự, các cầu lớn ven biển Hạ Long, Tân Vũ - Lạch Huyện dừng khai thác khi bão vào đất liền, sức gió vượt quy trình khai thác, hoặc khi cần bảo đảm an toàn cho xe máy, ôtô.
Biển cấm xe máy lên cầu Bãi Cháy. Ảnh: Lê Tân
Các tuyến đường tại Quảng Ninh vẫn lưu thông bình thường, riêng một số đoạn trên đường bao biển cây bị đổ, đang được cắt dọn.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão đã dừng khai thác phà, đò ngang, đò dọc trên sông để phòng, tránh bão.
Ôtô tải chở người và xe máy qua cầu Bãi Cháy. Video: Công Khang
Là nơi tâm bão đi qua, thị trấn Cái Rồng, huyện đảo Vân Đồn đang có gió giật, mưa từng cơn. Một số cây xanh ven đường bị gió vặn gãy.
Video: Huy Mạnh
Là đảo xa nhất vịnh Bắc Bộ, cách đất liền 110 km, đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đang có gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Thượng tá Vũ Sơn Hà, Đồn biên phòng Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), cho biết mưa mù mịt, gió thổi hàng cây dừa trước cửa đồn nghiêng về một phía.
Hàng dừa trước cửa đồn biên phòng trên đảo Bạch Long Vĩ nghiêng ngả trong bão. Video: Vũ Sơn Hà
Tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh), chị Thu Báu cho biết gió lớn làm rung chuyển cả xe 1,6 tấn, thổi đổ nhiều cây cối, đồ đạc. Cơ quan khí tượng ghi nhận sức gió ở đảo này cấp 7, nhưng giật cấp 11. Chính quyền đã vận động người dân trên biển về nơi ở chắc chắn.
Gió mạnh thổi bay một ki-ốt trên đảo Cô Tô ra giữa đường. Ảnh: Thu Báu
Đêm 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần thứ ba gửi công điện đến 25 tỉnh thành phía Bắc và 10 bộ ngành, yêu cầu quyết liệt phòng chống bão Yagi, ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.
Với ven biển và đất liền, Thủ tướng yêu cầu chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.
"Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn", Thủ tướng chỉ đạo.
Với miền núi, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Các địa phương kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên trục chính.
Được hình thành ngày 1/9 từ vùng áp thấp nhiệt đới ở phía đông của Phillippines, bão Yagi đã vượt qua đảo Luzon vào Biển Đông rạng sáng 3/9, trở thành cơn bão thứ ba trên vùng biển này. Bão khi mới vào chỉ cấp 8, sức gió tối đa 74 km/h.
Đến ngày 5/9, khi cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 500 km, bão đã tăng 8 cấp thành siêu bão và duy trì sức mạnh cho tới đêm 6/9. Vào vịnh Bắc Bộ, bão giảm còn cấp 14, giật cấp 17.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đánh giá Yagi có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông. Các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo dự báo, chiều tối 7-9 bão số 3 sẽ đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Hiện vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17.