"Bảo vệ chặn xe cấp cứu, bệnh viện phải chịu trách nhiệm"

“Sự việc xảy ra trong bệnh viện thì bệnh viện phải có trách nhiệm giải quyết vụ việc”, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết.

"Bảo vệ chặn xe cấp cứu, bệnh viện phải chịu trách nhiệm" - 1

Cảnh đôi co giữa tài xế xe cứu thương và bảo vệ tại cổng Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh cắt từ clip)

Sau khi clip ghi cảnh đôi co giữa tài xế xe cứu thương và bảo vệ tại cổng Bệnh viện Nhi Trung ương được đưa lên mạng, lãnh đạo BV này khẳng định thông tin trên mạng xã hội chưa phản ánh đầy đủ nội dung và bản chất sự việc.

“Thực tế không có việc bảo vệ ngăn cản xe cứu thương làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân”, bà Lê Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế khẳng định, xét về mặt pháp lý, bảo vệ chặn xe cứu thương, bệnh viện cũng phải chịu trách nhiệm.

“Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về người bảo vệ chặn xe cứu thương đó. Thứ hai là trách nhiệm của công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ cho bệnh viện. Thứ ba, đó là trách nhiệm của bệnh viện”, ông Quang nói.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, dù bảo vệ đi thuê bên ngoài thì đó cũng là lực lượng làm cho bệnh viện, phục vụ bệnh viện. Hơn nữa, hiện nay ngành y tế đang xây dựng chất lượng bệnh viện tốt không chỉ đội ngũ bác sĩ, trang thiết bị, kỹ thuật mà ngay từ khâu đón tiếp người bệnh, từ thái độ của nhân viên y tế cho đến bảo vệ bệnh viện.

“Sự việc xảy ra trong bệnh viện nơi anh quản lý thì anh phải có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ việc”, ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.

"Bảo vệ chặn xe cấp cứu, bệnh viện phải chịu trách nhiệm" - 2

TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế khẳng định, xét về mặt pháp lý, bảo vệ chặn xe cứu thương, bệnh viện cũng phải chịu trách nhiệm

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, mỗi bệnh viện đều có quy định, nội quy riêng để đảm bảo an ninh trật tự. Chẳng hạn: Quy định chỗ nào được đỗ xe, chỗ nào được dừng xe… và những người ra, vào bệnh viện, kể cả là xe taxi hay xe cứu thương đều phải tuân thủ, phải xuất trình giấy tờ, thông báo với bảo vệ bệnh viện khi ra, vào bệnh viện.

“Trong trường hợp xe cứu thương đang chở người bệnh cấp cứu thì phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất để bệnh nhân được chăm sóc y tế một cách sớm nhất, vì khi đó là “thời gian vàng” để cứu bệnh nhân”, ông Quang nói.

Còn với trường hợp xe cứu thương chở người bệnh ra khỏi bệnh viện thì lái xe phải thông báo với bảo vệ, đề phòng trường hợp mất an ninh, trộm cắp hay bắt cóc bệnh nhân. Nhưng nếu xe cứu thương đó có giấy tờ đầy đủ (có bệnh nhân, giấy ra viện của bệnh nhân) thì bảo vệ phải cho người ta chở bệnh nhân ra khỏi bệnh viện.

“Nếu bảo vệ hạch sách, chặn xe cứu thương có bệnh nhân đi ra chỉ vì bệnh nhân này không dùng xe cứu thương của bệnh viện, mang tính chất bảo lãnh, bảo kê cho xe cứu thương của bệnh viện thì rõ ràng bảo vệ sai”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nêu quan điểm.

Trước đó, trên mạng xã hội chia sẻ clip với nội dung "Bệnh viện Nhi Trung ương hôm đó, mình cũng có mặt tại đó và quay được, bức xúc thật”.

Clip ghi lại cảnh trên xe cứu thương, một em bé hấp hối và một y tá ngồi cạnh bóp bóng trợ thở. Bên ngoài, một người phụ nữ khóc lóc, giận dữ vì bảo vệ của bệnh viện không cho xe chở bệnh nhân ra khỏi viện. Bệnh nhi nằm trong xe là bé Trần Công D, sinh ngày 9-10-2015 (Quỳ Hợp – Nghệ An) bị tim bẩm sinh nặng, giãn não thất và suy dinh dưỡng nặng. Bé đã được phẫu thuật nhưng tình trạng đa dị tật, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao nên gia đình xin về. Những hình ảnh của clip về sự việc đã gây bức xúc trong dư luận.

Đoạn clip được đưa lên mạng ngày 7-7:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN