Bảo vật quốc gia suýt bị bán đồng nát

Sự kiện: Bảo vật Quốc gia

Trống đồng Trà Lộc có niên đại văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500 năm, hiện lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị. Song ít ai biết rằng, việc phát hiện, sưu tập thành công bảo vật quốc gia này là một câu chuyện ly kỳ của 23 năm trước.

Ông Lê Đức Thọ, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Trị, chậm rãi vào chuyện… 23 năm trước. Lúc đó, ông Thọ đang là cán bộ của ngành Bảo tàng tỉnh. Một sáng tháng 3 năm 1998, đang hì hụi với đống cổ vật ở kho lưu trữ, ông nhận được “tin nóng” từ huyện Hải Lăng.

Trong lúc rà tìm phế liệu chiến tranh ở rú cát làng Trà Lộc, xã Hải Xuân (nay là xã Hải Hưng), ông Hoàng Công Sơn người thôn Đông Dương xã Hải Dương tình cờ đụng phải một hiện vật bằng đồng. Ông mang vật này về nhà cất giấu, rồi ít hôm sau mang lễ vật lên rú cát Trà Lộc cúng tạ ơn. Dân làng thấy lạ, tò mò hỏi mới hay, ông Sơn đào được vật bằng đồng, phía mặt trên có ngôi sao, dưới có quai nên họ gọi là “cái nồi đồng”. Thế là tin báo lên chính quyền.

Bảo vật quốc gia suýt bị bán đồng nát - 1

Thân và mặt trống đồng Trà Lộc

Thân và mặt trống đồng Trà Lộc

“Trống đồng Trà Lộc hội đủ các yếu tố để trở thành bảo vật quốc gia. Đây là hiện vật gốc độc bản tiêu biểu, tinh xảo với kỹ nghệ đúc đồng độc đáo; gắn liền với lịch sử vùng đất Quảng Trị, chứng minh đây là nơi giao thoa giữa hai nền văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc và Sa Huỳnh ở phía Nam. Việc xuất hiện một trống đồng ở Quảng Trị cho thấy sự lan tỏa rộng rãi đến tận Trung Trung bộ của nền văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc”. 

Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh QuảngTrị NGUYỄN QUANG CHỨC

Là một trong những người ở ngành Bảo tàng có mặt từ đầu trong việc tiếp xúc với người rà tìm phế liệu để nắm bắt thông tin về cổ vật, ông Thọ bảo, qua thông tin ban đầu từ ông Sơn cung cấp, dưới con mắt chuyên môn chúng tôi nghi là trống đồng, thế nhưng ông ấy nói đã bán vật này rồi. Sau đó, Công an huyện Hải Lăng và chính quyền địa phương xác minh thì được biết hiện vật vẫn đang còn. Bằng sự vận động của Công an và sự tuyên truyền về giá trị cổ vật của ngành Bảo tàng, ông Sơn thừa nhận còn cất giữ “nồi đồng” đó. Lúc nghe tin ông Sơn đào được cổ vật, giới buôn đồ cổ từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn đổ xô về làng cát để tranh mua tranh bán.

Ông Trương Sĩ Tiến, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phụ trách mảng Văn-Xã, nhớ lại, lúc nhận được tin về việc phát hiện một cổ vật có giá trị ở Trà Lộc và đang bị giới buôn đồ cổ tìm cách trao đổi, tỉnh nhanh chóng huy động các ngành vào cuộc. Xác định hiện vật vẫn còn trong dân, ông điện thoại chỉ đạo huyện Hải Lăng và Công an huyện cho người canh gác ở nhà người đàn ông này.

Xác định đây là cổ vật, dù chưa thẩm định giá trị của nó, nhưng quan điểm của lãnh đạo Bảo tàng là không thể tuỳ tiện mua bán. Sau khi có chỉ đạo của Phó Chủ tịch tỉnh, địa phương kiên quyết hơn trong việc ngăn chặn giới buôn cổ vật, kết hợp tuyên truyền người dân. Ngay sau đó, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi Sở Văn hóa-Thông tin (cũ) để trình gấp lên UBND tỉnh Quảng Trị có biện pháp nhằm giữ lại cổ vật này.

Bảo tàng Quảng Trị (8 Nguyễn Huệ, thành phố Đông Hà)-nơi đang trưng bày trống đồng Trà Lộc, là bảo vật quốc gia thứ 4 ở tỉnh Quảng Trị

Bảo tàng Quảng Trị (8 Nguyễn Huệ, thành phố Đông Hà)-nơi đang trưng bày trống đồng Trà Lộc, là bảo vật quốc gia thứ 4 ở tỉnh Quảng Trị

Luật Di sản Văn hóa thời điểm đó chưa ra đời nên chế độ khen thưởng cho người phát hiện chưa có nhưng tỉnh Quảng Trị linh động cấp 50 triệu đồng để chi trả một phần cho công lao của ông Hoàng Công Sơn và khen thưởng cho các đơn vị khác, cũng như làm công tác thu hồi cổ vật. Khi được tuyên truyền, đây là hiện vật lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc, hơn nữa pháp luật quy định tài sản không xác định chủ sở hữu thuộc tài sản quốc gia, ông Sơn đồng ý trao chiếc “nồi đồng” cho tỉnh Quảng Trị. “Lúc đó, tỉnh Quảng Trị chi cho ông Sơn hơn 10 triệu đồng, là một số tiền lớn vào thời điểm của 23 năm trước. Vậy là chỉ 3 ngày sau khi có thông tin chiếc “nồi đồng” vẫn còn, tỉnh Quảng Trị đã thu hồi thành công và đưa về Bảo tàng tỉnh”, ông Thọ bảo.

Ông Thọ thông tin, việc phát hiện trống đồng ở rú cát làng Trà Lộc là có cơ sở. Những năm trước đó, tại khu vực này, ngành khảo cổ phát hiện nhiều di vật của giai đoạn hậu kỳ đá mới, sơn kỳ kim khí cách đây 2.000 - 5.000 năm. Người dân không ít lần vô tình tìm thấy các thỏi bạc ở đây. Những cồn cát quanh vùng Trà Lộc là khu vực tồn lưu nhiều dấu ấn văn hóa thời kỳ tiền sơ sử.

Ông Thọ bảo, chiếc trống đồng này có thể được chủ nhân xuất thân từ văn hóa Đông Sơn đưa vào vùng đất Quảng Trị trong quá trình giao lưu văn hóa-kinh tế. Trống đồng Trà Lộc có hình dạng thân thon, đế choải, tang phình, mặt trống được trang trí hình sao 10 cánh, xen giữa cánh sao là hình chữ V, có 7 vành hoa văn với các hoạ tiết như vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa, chim mỏ dài có mào, đuôi dài đang bay ngược chiều kim đồng hồ. Vòng chủ đạo mặt trống có 4 hình thuyền, chân trống choải có 5 vành hoa văn được trang trí hình bò u nổi...

Ngày 15/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 88 công nhận bảo vật quốc gia đợt 8. Theo quyết định này, toàn quốc có thêm 27 bảo vật quốc gia, trong đó có trống đồng Trà Lộc ở Quảng Trị.   

Trống đồng Trà Lộc có niên đại cách ngày nay 2.500 năm, thuộc trống đồng loại 1, Heger. Thân trống trang trí hình 8 con bò có kích thước to nhỏ khác nhau và các họa tiết hoa văn và răng cưa. Quai trống hình bán khuyên, bản quai trang trí văn thừng tết.

Hà Nội có một bảo vật, tối nào cũng phải đem đi cất giấu

Từ khi biết giá trị của bảo vật, các cụ cao niên luôn cử người trông nom. Thế nhưng, kẻ gian đã nhiều lần cắt 3 lớp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Thành ([Tên nguồn])
Bảo vật Quốc gia Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN