“Bảo vật” của thuyền trưởng trên biển Hoàng Sa
Trong những chuyến hải trình ngang dọc trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, vị thuyền trưởng trẻ không quên tìm kiếm, mang về những con ốc, những rạn đá san hô nhiều màu sắc. Anh cất giữ, nâng niu chúng như bảo vật của một đời theo nghiệp biển.
Những con ốc từ Hoàng Sa
Lý Sơn những ngày cuối tháng 7, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc (TQ) rút khỏi vùng biển Việt Nam, từng đoàn tàu cá của ngư dân nối tiếp nhau ra khơi. Trên âu thuyền, chúng tôi bắt gặp anh Bùi Văn Phải, thuyền trưởng tàu QNg – 96382, người đã quấn quanh mình lá cờ tổ quốc khi bị Trung Quốc bắn cháy tàu (ngày 20/3/2013 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam). Anh cùng các bạn thuyền đang tất bật chuẩn bị lương thực, ngư lưới cụ để khởi hành trong đêm.
Hai tuần trước, tàu của anh Phải cùng nhiều tàu cá khác của ngư dân Lý Sơn ra đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và tham gia đấu tranh buộc TQ phải rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển Việt Nam. Khi cơn bão Rammasun (Thần Sấm) tiến đến vùng biển Việt Nam, các tàu phải quay về Lý Sơn neo đậu.
Dẫn chúng tôi về căn nhà nhỏ nằm cạnh UBND xã An Vĩnh để lấy thêm ngư cụ, anh Phải nói: “Nghe tin TQ rút giàn khoan, ngư dân vui lắm. Thế là tàu bè lại yên tâm ra khơi đánh bắt trên vùng biển của quê hương mình”.
Trên bức tường bê tông chỉ mới quét tạm lớp vôi của đôi vợ chồng trẻ là những bức ảnh chụp anh Phải cùng lá cờ tổ quốc bị cháy hơn phân nửa. Giờ lá cờ đã được đưa vào viện bảo tàng, anh Phải chỉ còn giữa lại những tấm ảnh làm kỷ niệm.
Thuyền trưởng Bùi Văn Phải và con ốc u chống giặc của người dân Lý Sơn.
Theo cha ra biển từ năm 13 tuổi, chàng thanh niên trẻ mang trong mình hoài bão được chinh phục những con sóng khơi xa. Vuốt ve chiếc tủ kính chứa đủ các loại vỏ ốc, anh Phải cho biết, đây là những “bảo vật” mà anh bỏ công sưu tầm từ hồi mới mò mẫm đi biển đến nay. Hơn 12 năm rong ruổi trên các đảo nổi, đảo chìm, bãi cạn… ở Hoàng Sa, anh Phải đã tìm được hơn 60 loại ốc và san hô các loại. “Đây là loại ốc gai biển rất hiếm gặp. Hồi ấy, tàu của chúng tôi dạt vào bãi cạn ở đảo Xà Cừ (quần đảo Hoàng Sa) để tránh bão, khi trở ra thì gặp nó đang bám lại trên đá. Thấy đẹp nên đưa về làm kỷ niệm”, anh Phải giới thiệu về một loại ốc.
“Bảo vật” quý nhất trong bộ sưu tập là cây san hô đá do anh Phải mang về từ khu vực gần bãi Gò Nổi (thuộc quần đảo Hoàng Sa). Cây san hô màu đen có sức sống mãnh liệt, chịu được mọi sóng gió để vươn lên. “Nó cũng giống như ngư dân Lý Sơn chúng tôi, luôn đương đầu với phong ba bão táp. Nhưng sóng càng dữ thì chúng tôi càng muốn chinh phục. Từ đời cha ông đã giong buồm ra Hoàng Sa đánh bắt, mưu sinh thì đến đời con cháu sau này cũng phải tiếp bước”, anh Phải khẳng khái nói.
Những “bảo vật” được lấy về từ Hoàng Sa.
Câu chuyện ốc u chống giặc
Cầm trên tay một con ốc lớn, có hình xoắn kéo dài ở phía sau đuôi, anh Phải giới thiệu: Đây là con ốc u, một biểu tượng chống giặc ngoại xâm (giặc Tàu Ô) của người dân Lý Sơn.
Theo những người già ở Lý Sơn, ngày xưa, trên vùng biển này thường xuất hiện nhiều nhóm hải tặc đến từ Trung Quốc gọi là giặc Tàu Ô (hay còn gọi là Ô Tàu hải phỉ) sang cướp bóc, giết hại ngư dân. Giặc Tàu Ô rất hung hãn, thường sử dụng những thuyền lớn áp sát để cướp của và bắt bớ phụ nữ làm nô lệ. Chính quyền phong kiến nhà Nguyễn từng cử quân ra dẹp nhưng chúng chỉ rút lui một thời gian rồi quay trở lại.
Cụ Dương Quỳnh (94 tuổi, ở Lý Sơn) cho biết: “Chỉ đến khi Pháp đưa quân đội viễn chinh vào nước ta thì mới đủ sức diệt tận gốc nạn giặc Tàu Ô. Chúng dần bị dồn xa về vùng biển Hải Nam (Trung Quốc). Chỉ có một số tàu nhỏ vẫn thường lẻn vào vùng này cướp bóc nhưng đều bị nhân dân cảnh giác, bắt giữ”.
Cận cảnh cây san hô đen – “bảo vật” của thuyền trưởng Bùi Văn Phải.
“Tôi được cha ông kể lại rằng, ngày đó, để chống giặc Tàu Ô, người dân Lý Sơn đã dùng ốc u để phát tín hiệu cảnh báo. Khi nghe tiếng ốc u nổi lên thì dân binh trong vùng chuẩn bị vũ khí, sẵn sàng chống trả giặc ngoại xâm”, anh Phải kể lại. Cũng từ đó, tiếng ốc u vẫn thường vang lên trong những lễ khao thề (tháng 3 âm lịch hàng năm).
“Ốc u đã thổi lên rồi/để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa”, đó là câu hát ru quen thuộc mà mỗi người dân Lý Sơn đều được nghe khi mới lọt lòng mẹ. “Âm thanh phát ra từ ốc u rất đặc biệt, nó không bị át bởi tiếng sóng biển như tiếng trống hay tù và. Ngược lại, tiếng ốc u trầm hùng, vượt lên cả tiếng sóng để truyền ra xa hàng cây số”, anh Phải nói thêm.
Ngày nay, ngư dân ra khơi đã có Icom, thiết bị liên lạc hiện đại để cảnh báo cho nhau những nguy hiểm rình rập trên biển. Nhưng với người dân Lý Sơn, ốc u vẫn là tín hiệu và biểu tượng của tinh thần cảnh giác, chống giặc ngoại xâm. “Mỗi lần ra khơi, tôi đều mang theo ốc u trên tàu. Dù không còn sử dụng nữa nhưng ốc u mang lại cho ngư dân nhiều niềm tin mãnh liệt”, anh Phải tâm sự.