Bão vào Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, giật đổ hàng loạt cây xanh
12h hôm nay, sau hai giờ đổ bộ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, bão Trà Mi mạnh cấp 9 đã giật đổ hàng loạt cây xanh, phá nhiều đoạn bờ kè, khiến lũ sông đang lên.
- 10h, tâm bão vào Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, mạnh cấp 8-9 - Sóng biển đánh mạnh gây hư hại nhiều đoạn bờ kè - Hàng loạt cây xanh gãy đổ ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng - Nhiều khu vực đô thị, ven biển bị ngập - 12h, bão suy yếu còn cấp 8 - Mưa to từ đêm qua đến trưa nay, một số nơi trên 400 mm - Lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đang lên - Cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở 8 địa phương - 4 sân bay được khai thác trở lại từ chiều nay |
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Lúc 16h, tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, sức gió còn cấp 7 (50-61 km/h), giật cấp 9, theo hướng nam tây nam với tốc độ 5 km/h và tiếp tục suy yếu.
Từ nay đến hết đêm 28/10, khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế mưa to 150-250 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm. Khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi và Kon Tum mưa 70-150 mm, có nơi trên 200 mm. Nước sông Hương sau khi đạt đỉnh lúc 12h đã xuống dưới báo động 2, sông Kiến Giang (Quảng Bình), Thạch Hãn (Quảng Trị) đang lên, cao nhất đạt báo động 2-3.
Hiện các địa phương chưa ghi nhận thiệt hại về người. Giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không đã trở lại bình thường.
Từ 19h ngày 26/10 đến 13h ngày 27/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và Kon Tum đã mưa to, một số nơi rất to như: Hồ Sông Rác (Hà Tĩnh) 160 mm; hồ An Mã (Quảng Bình) 360 mm; Đầu mối hồ Bảo Đài (Quảng Trị) 435 mm; Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 400 mm; Hòa Bắc (Đà Nẵng) 240 mm; Đại Sơn (Quảng Nam) 140 mm; Sơn Trà (Quảng Ngãi) 120 mm; Ngọc Linh (Kon Tum) 90 mm.
Trong 3-6 giờ tới, các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế tiếp tục mưa 80-150 mm, có nơi trên 200 mm; Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum 40-90 mm, có nơi trên 120 mm. Vì thế Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn cảnh báo những huyện thị ở 8 địa phương sau đây trong 6 giờ tới có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
TT | Tỉnh thành | Huyện |
1 | Hà Tĩnh | Cẩm Xuyên, Hương Khê, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh |
2 | Quảng Bình | Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trạch, TP Đồng Hới, Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn. |
3 | Quảng Trị | Cam Lộ, Đa Krông, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, TP Đông Hà, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, Vĩnh Linh |
4 | Thừa Thiên Huế | A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, TP Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà |
5 | Đà Nẵng | Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà |
6 | Quảng Nam | Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Phú Ninh, Phước Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Tiên Phước |
7 | Quảng Ngãi | Sơn Tây, Trà Bồng |
8 | Kon Tum | Đăk Glei, Đăk Hà, Đăk Tô, Ia H' Drai, Kon Plông, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Sa Thầy, TP Kon Tum, Tu Mơ Rông |
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 13h, bão còn trên đất liền Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10 và đang theo hướng tây nam với tốc độ 10 km/h.
Chiều và đêm nay, bão theo hướng nam tây nam rồi chuyển hướng đông nam với tốc độ 3-5 km/h, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền. Khả năng bão quay lại biển không còn nữa.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới lúc 13h hôm nay. Ảnh: NCHMF
Ghi nhận thực tế, từ 12h, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế trời đã quang mây, mưa gió ngớt. Người dân trở lại cuộc sống bình thường, trừ một số khu vực ngập lụt ven sông, ven biển và bị mất điện do sự cố cũng như cắt điện chủ động để phòng nguy hiểm.
TP Đà Nẵng trời đã ngớt gió và mưa. Người dân thành phố đã bắt đầu ra đường, sinh hoạt dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, khu vực ven biển còn sóng lớn. Một số tàu thuyền của người dân không kịp đưa vào bờ neo đậu có nguy cơ bị chìm do sóng đánh.
Trên đường lên bán đảo Sơn Trà, lực lượng chức năng vẫn túc trực dựng rào chắn không cho các phương tiện di chuyển lên trên, đề phòng sạt lở.
Sóng biển ở Đà Nẵng vẫn đang mạnh. Ảnh: Nguyễn Đông
Tại khu vực biển dưới chân bán đảo Sơn Trà còn sót lại hai tàu nhỏ của ngư dân có nguy cơ chìm. Ảnh: Nguyễn Đông
Theo Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), bão gây ra hai sự cố lưới điện 110kV và 186 sự cố lưới phân phối. Đến 11h10, công ty điện lực đã khôi phục 100% lưới 110kV và gần một nửa lưới phân phối. Cùng đó, gần 250.000 khách hàng được cấp điện trở lại; còn hơn 420.000 khách hàng đang mất điện do ảnh hưởng của bão. Số này chiếm khoảng 8,8% số khách hàng của EVNCPC.
Đổ bộ vào Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng gần hai giờ, bão Trà Mi đã suy yếu. Trời ngớt mưa, gió nhẹ. Chính quyền đã cho người xuống đường dọn cây xanh, biển quảng cáo bị giật đổ. Người dân hạ những bao tải cát, nước từ trên mái xuống, gỡ bỏ các thanh tre chằng néo nhà cửa trước đó.
Hiện nước các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam lên cao do mưa lớn hai hôm nay. Một số khu vực rốn lũ ở TP Huế, ngầm tràn ở Quảng Trị bị ngập, chỗ sâu nhất 1,2 m. Để phòng tránh ngập lụt gây nguy hiểm, nhiều khu vực ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bị cắt điện.
Người dân vùng ven biển Thuận An, TP Huế đánh giá so với nhiều cơn bão gần đây, Trà Mi không phải là bão mạnh, gió khoảng cấp 8-9. Tuy nhiên, bão vào đúng lúc triều cường, sóng biển rất mạnh khiến nước tràn vào vùng ven biển gây ngập.
Tại Đà Nẵng, ông Tấn Hiền Dương, 72 tuổi, đánh giá Trà Mi được xem là cơn bão lớn vào thành phố trong vài năm gần đây, sóng biển đánh rất mạnh, đường đi của bão có phần khó đoán. Do dự báo thời tiết cập nhật liên tục, người dân đã chủ động phòng tránh nên giảm được thiệt hại.
Biển Đà Nẵng lúc hơn 11h ngày 27/10. Video: Nguyễn Đông
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết hiện nay, lũ trên sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế lên nhanh. Mực nước lúc 10h tại trạm Kim Long 2,06 m, trên báo động 2 là 0,06 m. Dự báo trong 12 giờ tới, lũ sông Hương tiếp tục lên, cảnh báo nguy cơ ngập lụt, sạt lở bờ sông vùng trũng thấp và khu đô thị.
Đường đi bộ ven sông Hương bị ngập gần một mét.
Nước sông Hương tràn qua Đập Đá ở TP Huế. Ảnh: Võ Thạnh
Ông Nguyễn Thành Liêm, Chủ tịch xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức cho biết đã di dời 30 hộ dân Ca Dong với 163 nhân khẩu ở khu dân cư Nà Nổ có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Kiểm tra trước bão Trà Mi, lực lượng chức năng phát hiện trên đỉnh đồi cách khu dân cư Nà Nổ khoảng 40 m xuất hiện một vết nứt có sâu 1m, dài 30 m dạng vòng cung, bán kính 10 m. Lo sợ mưa lớn vết nứt mở rộng sạt xuống khu dân cư, chính quyền sơ tán người dân đến Trường Tiểu học Kpa Kơ lơng.
Chính quyền cho máy múc tạo mương thoát nước trên đỉnh núi để ngăn nước không chảy vào đường nứt, đồng thời căng dây, cắm biển cấm người dân vào quanh khu vực sạt lở.
Chính quyền điều động máy múc đào mương ngăn nước chảy xuống vết nứt. Ảnh: Sơn Thủy
Đà Nẵng trời ngớt mưa, gió nhỏ dần. Người dân bắt đầu ra khỏi nhà, dọn dẹp phố xá.
Du khách nước ngoài di chuyển trên đường ven cầu sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Đông
Cây đổ chắn một phần tuyến đường ở phố trung tâm Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
Quốc lộ 49B về xã Hải Dương, TP Huế bị chia cắt do triều cường dâng cao. Tại các xã Phú Thanh, Hương Phong, huyện Phú Vang, các tuyến đường liên xã ngập sâu 0,3-0,5 m, nước biển tràn vào khu dân cư.
Trụ sở xã Phú Thanh ngập sâu một mét, cán bộ đã tới di chuyển đồ đạc nhưng không kịp.
Triều cường dâng gây ngập quốc lộ 49B. Video: Võ Thạnh
Cục Hàng không Việt Nam vừa ra quyết định khai thác trở lại sớm hơn dự kiến với 4 sân bay sau khi đánh giá thông tin khí tượng lúc 10h sáng nay.
Cụ thể, trong ngày 27/10, Cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam) sẽ được khai thác trở lại từ 13h; sân bay quốc tế Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế) sẽ hoạt động 16h; sân bay Đồng Hới khai thác từ 17h (giờ địa phương).
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định tạm dừng hoạt động của 4 sân bay này đến 19h ngày 27/10 hoặc đến 10h sáng 28/10 do ảnh hưởng của bão Trà Mi.
Mưa lớn làm ngập một số tuyến đường lên huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Cầu tràn Đakrông trên quốc lộ 15D nước dâng cao 1,2 m, giao thông bị chia cắt.
Các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan ở Quảng Trị đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm dự trữ, xăng dầu và bảo quản, bảo dưỡng tàu, thuyền sẵn sàng cho nhiệm vụ phòng, chống bão Trà Mi khi có tình huống xảy ra.
Nước tràn qua cầu tràn ở miền núi Quảng Trị. Ảnh: Võ Thạnh
Tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, trời mưa nhỏ, gió khoảng cấp 4-5, nhưng sóng biển rất mạnh. Trên bờ kè phường Cửa Đại, sóng xô vào bờ cao 3 m, nước tràn lên đường vào khu dân cư dọc bờ biển phường Cửa Đại. Một số đoạn bờ biển bị sạt lở, nước biển xâm thực.
Nước biển bị sóng đánh tràn lên đường, vào khu dân cư ở phường Cửa Đại. Video: Đắc Thành
Gần trưa, do không nằm trong tâm bão nên TP Hội An gió nhẹ, trời ngớt mưa người dân bắt đầu ra đường.
Sóng lớn, nước biển dâng khoảng 0,5 m khiến nước ồ ạt chảy vào xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Những ngày qua, khu vực này bị sạt lở ăn sâu vào đất liền hơn 50 m.
Nước ồ ạt đổ vào đất liền ven biển. Video: Võ Thạnh
UBND TP Đà Nẵng sáng 27/10 quyết định thành lập Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó bão Trà Mi và mưa lớn. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng làm Trưởng ban, Giám đốc Công an, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng và lãnh đạo các sở, ngành làm phó ban.
Địa điểm của Ban Chỉ huy tại hội trường Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng; thời gian làm việc từ 7h ngày 27/10 đến 10h ngày 28/10. Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, Cảng vụ Đà Nẵng tham gia ban chỉ huy để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống.
Xe của quân đội trực sẵn ở Bộ Chỉ huy quân sự thành phố. Ảnh: Nguyễn Đông
Hiện Đà Nẵng mưa to, gió giật mạnh. Người dân được khuyến cáo không ra đường từ 10h để đảm bảo an toàn. Bão đã làm đổ nhiều cây xanh trên các tuyến phố, hư hỏng một số tài sản.
Trong 24 giờ qua, tại Đà Nẵng mưa lớn phổ biến 50-150 mm, vùng núi phía tây có nơi ghi nhận hơn 163 mm. Tổng lượng mưa tại thành phố phổ biến 120-280 mm, có nơi trên 350 mm, tuy nhiên chưa gây ngập ở khu vực trung tâm.
Một số khu vực ở Đà Nẵng bắt đầu chịu thiệt hại do bão Trà Mi. Ảnh: Nguyễn Đông
Công ty du lịch Vitraco thông qua Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết hỗ trợ miễn phí cứu hộ giao thông khẩn cấp khu vực nội thành trong đợt mưa bão ngày 27-28/10. Đội xe vận chuyển du lịch của công ty cũng hỗ trợ miễn phí di chuyển cho du khách và người dân khi có nhu cầu tránh bão khẩn cấp trong phạm vi nội thành. Người dân khi cần hỗ trợ liên hệ số điện thoại 0909119119.
Cứu hộ xe ô tô tại Đà Nẵng. Ảnh: Vitraco
Nước biển dâng cao, biển tràn qua khu vực đập Hòa Duân vào phá Tam Giang, thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang. Nhiều khu dân cư bị ngập.
Cảnh sát lái ca nô đi vận động người dân ở Huế tránh bão. Video: Võ Thạnh
Tại TP Huế, nước sông Hương đang dâng cao, tràn qua Đập Đá. Cảnh sát giao thông đường thủy đã tuyên truyền người dân buộc thuyền cẩn thận, di tản khỏi thuyền để đảm bảo an toàn.
Nước sông Hương ở TP Huế đang dâng cao. Ảnh: Võ Thạnh
Nhiều tuyến đường ở Huế bắt đầu ngập sâu. Ảnh: Võ Thạnh
Khu vực bãi tắm xã Phú Thuận, huyện Phú Vang bị sóng biển tràn qua. Ảnh: Võ Thạnh
Hình ảnh mây vệ tinh lúc 10h cho thấy tâm bão đã vào đất liền ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng. Đĩa mây gây mưa rất rộng, nằm phần lớn trên đất liền miền Trung và Tây Nguyên.
Cơ quan khí tượng ghi nhận gió bão khi cập bờ cấp 9 (75-88 km/h), giật cấp 11. Dự báo trong 3 giờ tới, bão theo hướng tây nam, tốc độ khoảng 10-15 km/h.
Ảnh mây vệ tinh bão Trà Mi lúc 10h ngày 27/10. Ảnh: NCHMF
Gió lớn đã khiến nhiều cây xanh trên các tuyến đường trung tâm như Quang Trung, Nguyễn Văn Linh gãy đổ. Trên phố Bạch Đằng ven sông Hàn, hàng loạt cây xanh trồng trong chậu đã được hạ xuống nhưng vẫn bị gió bão đẩy xê dịch. Nhiều quán hàng bán đồ ăn uống tại những khu vực ít nhà cửa đã bị gió giật tốc mái, nhiều vật dụng bên trong hư hỏng.
Cây bật gốc, chắn gần hết hai làn đường. Ảnh: Nguyễn Đông
Cây đổ đè trúng ôtô trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu. Ảnh: Nguyễn Đông
Một số cây được cắt tỉa ngay trong bão. Ảnh: Nguyễn Đông
Gió lớn khiến việc đi lại của người dân qua các cây cầu sông Hàn như cầu Rồng, Trần Thị Lý gặp khó khăn, nhiều người phải dừng xe ngay trên cầu. Ôtô đi qua đã chủ động dừng lại, chờ người đi xe máy và cùng di chuyển để che chắn gió.
Nhiều khách sạn thuê xe container chắn trước cửa để phòng tránh mưa gió tràn vào gây hư hại.
Hàng quán ven sông Hàn hư hỏng. Ảnh: Nguyễn Đông
Chậu hoa trang trí ven sông Hàn bị gió quật đổ. Ảnh: Nguyễn Đông
Ôtô che chắn gió giúp tài xế xe máy đi qua cầu Trần Thị Lý. Ảnh: Nguyễn Đông
Tại biển Cửa Đại, TP Hội An có gió giật cấp 6, sóng biển cao 2 m. Trời mưa nhỏ, nhưng sóng biển vượt qua bờ kè mềm bằng bao tải gây hư hỏng. Một số đoạn kè bị cuốn trôi.
Tại chợ Cầu, phường Cửa Đại, TP Hội An, anh Quân, dân quân tự vệ phường cùng 5 người mặc áo mưa ra bờ biển xúc cát cho vào bao tải chở về gia cố mái chợ. Gần 10 bao cát được đưa lên xe kéo chở về chất lên mái, phòng tránh cả mái tôn chợ bị hất bay.
Anh Quân xúc cát cho vào bao tải chở về gia cố mái chợ Cầu ở phường Cửa Đại. Ảnh: Đắc Thành
Ông Hứa Văn Hướng, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên mang cuộn dây thừng cho vào thuyền thúng để gia cố thêm chiếc tàu tránh bão trong rừng đước. Hôm qua ông đã neo tàu, nhưng lo ngại nó bị đẩy ra biển. "Cơn bão này rất khác, gió từ biển vào, còn cơn bão này ngược lại", ông nói.
Ông Hướng chèo thuyền thúng ra rừng đước để gia cố thêm con tàu đang trú ẩn trong đó. Ảnh: Đắc Thành
Do ảnh hưởng bão, nhiều cây đổ vào đường ray chạy song song đường bộ qua Đà Nẵng. Ngành đường sắt đã thông báo tạm dừng khai thác hai đôi tàu du lịch "Kết nối di sản miền Trung" giữa Huế và Đà Nẵng là HD1/2 và HD3/4 trong ngày 27/10. Đoàn tàu SE5 đang dừng tại ga Huế sáng nay để chờ xử lý cây gãy đổ trên đường sắt.
Nhiều cây đổ tại đường Nại Nam 3, khu thể thao Tiên Sơn, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
Theo Khu Quản lý đường bộ 2, bão đang gây gió mạnh tại phía bắc hầm Hải Vân, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khu vực trạm thu phí tại Lăng Cô bị tắc đường do nhiều xe dừng tránh bão và đường ngập. Một xe tải nhỏ bị lật trên đường dẫn vào Hải Vân khu vực biển Lăng Cô.
Để tránh ùn tắc xe trong hầm Hải Vân, đơn vị quản lý đã tạm dừng xe phía nam của hầm theo hướng từ Nam ra Bắc, không cho xe vào hầm lúc 7h15 để chờ đường phía Bắc thông đường. Hướng xe từ Bắc vào Nam vẫn được lưu thông bình thường.
Một xe tải bị lật trên đường dẫn vào Hải Vân khu vực biển Lăng Cô. Ảnh: Cục Đường bộ VN
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lượng mưa từ 19h hôm qua đến 8h hôm nay ở Thủy Thanh (Thừa Thiên Huế) gần 310 mm, Hải An (Quảng Trị) hơn 270 mm, hồ Sông Thai (Quảng Bình) hơn 180 mm. Nước sông Bến Hải (Quảng Trị) và sông Hương (Thừa Thiên Huế) đã lên báo động 1, các sông khác Hà Tĩnh - Bình Định, Kon Tum, Gia Lai có dao động.
Dự báo từ hôm nay đến 29/10, các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai có khả năng xuất hiện lũ với biên độ lên 3-6 m. Đỉnh lũ trên các sông Quảng Bình - Quảng Nam lên báo động 2-3; các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Kon Tum lên trên báo động 1 (cao nhất là báo động 3).
Hiện Đà Nẵng mưa to, gió lớn, các tài xế xe máy khi di chuyển qua cầu Rồng ở quận Hải Châu gặp nhiều khó khăn. Một số tài xế ôtô đã chủ động dừng lại hỏi han, sau đó đi chậm bên cạnh để chắn gió ngang, giúp xe máy có thể di chuyển chậm đi qua cầu.
Ôtô chắn gió giúp tài xế xe máy đi qua cầu Rồng. Video: Nguyễn Đông
Cây xanh gãy đổ ở TP Huế. Ảnh: Võ Thạnh
Công nhân môi trường thu dọn cây đổ. Ảnh: Võ Thạnh
Gió mạnh tại vùng biển, cây gãy đổ ở Thừa Thiên Huế. Video: Võ Thạnh
Nằm bên phá Tam Giang, nhiều khu dân cư ở phường Thuận An bị nước tràn vào gây ngập 0,3-0,5 m khi triều cường lên cao.
Nhà dân bên phá Tam Giang ngập sâu. Ảnh: Võ Thạnh
Do ảnh hưởng từ hoàn lưu bão Trà Mi, tại TP HCM đã xảy ra mưa trên diện rộng từ sáng sớm. Mưa kéo dài đến 9h khiến bầu trời mù mịt, người dân gặp do khó khăn khi đi lại. Lượng mưa phổ biến 10-20 mm, có nơi mưa to hơn 50 mm. Theo Đài khí tượng thuỷ văn Nam bộ, mưa còn kéo dài đến chiều tối nay, đề phòng giông sét.
Người dân lái xe máy trong mưa lớn qua cầu Kinh Thanh Đa, quận Bình Thạnh, lúc 9h30 ngày 27/10. Ảnh: Đình Văn
Trong cuộc họp chỉ đạo phòng chống bão Trà Mi với bộ ngành và các địa phương, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp với Tập đoàn Công Nghiệp - Viễn thông quân đội sử dụng UAV để phát hiện vết nứt lớn, kéo dài.
"Khi đã mưa 1-3 ngày cùng với các vết nứt trước đây cũng như đứt gẫy địa chất thì khả năng sạt lở rất cao. Chúng ta chưa có điều kiện dự báo quan trắc chính xác thì việc cảnh báo để di dời dân cư là rất quan trọng. Do đó cần bay để khảo sát khu vực tập trung đông dân cư, khu vực có đứt gãy địa chất, việc này cần thực hiện khẩn trương, kịp thời", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cũng đề nghị cơ quan khí tượng đưa ra dự báo sát hơn về thời điểm bão vào, đặc biệt với vùng xung yếu để tập trung lực lượng phòng chống hệ thống đê biển có thể bị vỡ. Hiện nay các hồ chứa, đập thuỷ điện trong thời gian tích nước, chưa có nguy cơ cao nhưng các đơn vị quản lý như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nắm chắc thông tin các hồ không để đến lúc xảy ra trường hợp tất cả các hồ phải xả nước cùng một lúc.
Bộ Giao thông Vận tải, Thông tin và truyền thông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng được yêu cầu chủ động phối hợp để đảm bảo kết nối thông suốt.
Theo dự báo lúc 16h hôm qua của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, khoảng 16h hôm nay tâm bão trên vùng biển ven bờ các tỉnh Trung Trung Bộ. Tuy nhiên, bão đã đi nhanh hơn và chúc xuống nam nhiều hơn nên áp sát bờ sớm hơn.
Dự báo khoảng 10-11h hôm nay bão vào khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Nam. Trên đất liền Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng tâm bão Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam cấp 8-9, giật cấp 11.
Theo phân loại, bão cấp 8-9 (tối đa 88 km/h) có thể làm đổ cây cối, nhà cửa, cột điện, gây thiệt hại rất nặng. Biển động dữ dội, làm đắm tàu thuyền.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão lúc 7h ngày 27/10. Ảnh: NCHMF
Quảng Ngãi từ chiều qua có mưa với lượng mưa đo được khoảng 33,6 mm ở trạm Sơn Long, nhỏ hơn 6 lần so với tâm mưa Đà Nẵng. Lý Sơn gió cấp 6, nhỏ hơn 2 cấp so với Cồn Cỏ và Cù Lao Chàm. Chị Lê Hằng, chủ quán bên bờ biển Lý Sơn, cho biết đảo sáng nay không có mưa. Khoảng 6h hôm nay, sóng khá to sau đó êm. Đa số người dân ở trong nhà đón bão.
Cầu cảng Lý Sơn sáng nay 27/10. Ảnh Lê Hằng
Nhận định cơn bão Trà Mi sẽ ảnh hưởng, Huyện đảo Lý Sơn dừng tàu ra đảo từ 5 ngày trước do sóng lớn, toàn bộ du khách đã rời đảo. Các lồng bè, tàu thuyền được đưa đến nơi an toàn, giằng chống nhà cửa và chuẩn bị lương thực trong tình huống bị cô lập kéo dài với đất liền.
Lý Sơn là đảo tiền tiêu của Quảng Ngãi, cách đất liền 30 km, rộng hơn 10 km2, dân số hơn 22.000. Đảo thường đón bão đầu tiên nên người dân quen với việc chủ động phòng chống, song những cơn bão lớn vẫn gây thiệt hại nặng nề. Đơn cử bão Ketsana năm 2009 gió giật cấp 12 đã đánh sập cầu cảng Lý Sơn, gây mưa gió suốt 24 giờ trên đảo.
Sáng nay, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Quảng Ngãi cùng đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi đến huyện Trà Bồng để làm việc về bão lũ và nguy cơ sạt lở ở địa phương. Bà Vân sau đó thị sát khu vực nguy cơ sạt lở và thăm người dân ở điểm tránh trú bão. Sau đó, bí thư Quảng Ngãi tiếp tục ra phía bắc tỉnh kiểm tra công tác phòng chống bão lũ ở huyện Bình Sơn. Đây là hai địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng lớn từ bão Trà Mi.
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão Trà Mi, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) gió cấp 8, giật cấp 10; đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 6, giật cấp 7; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) gió mạnh cấp 7; Thừa Thiên Huế gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Bà Nà (Đà Nẵng) gió mạnh cấp 6, giật cấp 13.
Khu vực từ Quảng Bình - Đà Nẵng từ đêm qua đến sáng nay đã có mưa to, lượng mưa phổ biến 50-150 mm, cục bộ có nơi mưa to trên 250 mm.
Đường phố Huế ngập sâu 0,5 m sáng 27/10. Ảnh: Võ Thạnh
Đường phố Huế ngập, xe chết máy. Ảnh: Võ Thạnh
Trà Mi hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở ngoài khơi phía đông Philippines, ngày 22/10 mạnh lên thành bão, ngày 23/10 hoành hành ở Philippines làm ít nhất 66 người chết, 47.500 người phải sơ tán do mưa lớn, ngập lụt.
Chiều 24/10, bão vào Biển Đông, mạnh cấp 9, trở thành cơn bão thứ sáu trên vùng biển này. Bão sau đó tăng cấp tiến vào bờ biển Trung Trung Bộ, đạt cực đại cấp 12 (133 km/h) vào trưa 26/10, sau giảm cấp dần khi tiến đến bờ biển.
Do bão chịu tác động của không khí lạnh từ phương bắc tràn xuống và một cơn bão mới hình thành ở phía đông Philippines nên đường đi của bão hơi dị thường, vào bờ rồi có thể quặt ra biển.
Bão Trà Mi đổ bộ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, càn quét trong hai tiếng, giật đổ nhiều cây xanh, gây ngập hơn nửa mét ở nhiều tuyến đường, sáng 27/10.
Nguồn: [Link nguồn]