Báo TQ nói gì về "thất bại" của người dân Hong Kong?
Bài báo được đăng tải rộng rãi ở Trung Quốc phản ánh cách nhìn của họ về vấn đề Hong Kong hiện nay.
Họ không nhận ra rằng chính quyền Hong Kong hiện nay chẳng có gì khác so với chính quyền Hong Kong thuộc địa trước đây. Để duy trì sự ổn định khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc, Bắc Kinh đã hứa sẽ duy trì nguyên trạng hệ thống chính trị của Hong Kong trong 50 năm. Điều này có nghĩa là chính quyền Hong Kong hiện nay vẫn nguyên xi như dưới thời của Anh, và vẫn là một “chính quyền thuộc địa”.
Người biểu tình Hong Kong đòi ông Lương Chấn Anh phải từ chức
Vậy ai là người ra quyết định ở Hong Kong hiện nay? Không ai cả. Hong Kong không có khả năng tự điều chỉnh trước thay đổi kinh tế, vì nó giống như một chiếc xe bị mất vô-lăng. Theo lẽ thường, nó sẽ đâm vào mọi thứ, và càng đi xa, mọi thứ càng trở nên tồi tệ.
Và như một chiếc xe không có vô-lăng, hướng đi của nó phụ thuộc vào những ổ gà mà nó vấp phải. Ở Hong Kong, ổ gà này chính là dư luận. Trong khi đó, dư luận thì giống như tâm trạng một đứa trẻ lên ba, thay đổi thất thường không ai lường được. Khi không có sự định hướng bền vững, việc chạy theo dư luận khiến chính sách sẽ bị thay đổi xoành xoạch.
Hậu quả là, quá trình làm luật bị chi phối bởi phe bảo thủ không chịu cải cách, trong khi phe ủng hộ dân chủ thì tìm cách tác động lên quá trình này bằng học thuyết tam khoa vô nghĩa. Chính sự tranh đấu giữa hai phe này đã biến Hong Kong thành một sân khấu chính trị đầy bi hài.
Giờ đây, nếu chính phủ Trung Quốc tìm cách can thiệp vào công việc của Hong Kong, liệu họ có thể đảo ngược được xu thế này và định hướng nền kinh tế Hong Kong tiến tới chuyển giao thành công hay không? Viễn cảnh này không mấy khả quan, bởi thái độ “cửa trên” của người Hong Kong so với người dân đại lục.
Cảnh sát Hong Kong bảo vệ trước tòa thị chính
Người Hong Kong luôn cho rằng mình giàu có hơn, tiên bộ hơn, cởi mở hơn so với người Trung Quốc đại lục, bởi vậy họ không có lý do gì để phải thay đổi theo người Trung Quốc. Một khi người Hong Kong còn giữ cách nghĩ này, bất cứ sự can thiệp nào của chính phủ Trung Quốc sẽ chỉ phản tác dụng và vấp phải phản ứng dữ dội hơn.
Trên đây là nội dung bài báo đã được tờ Financial Times dịch lại, và nó được coi là sự phản ánh cách nhìn hiện nay của người dân Trung Quốc đối với Hong Kong nói chung và cuộc biểu tình đòi dân chủ do sinh viên Hong Kong phát động nói riêng.
Trong khi đó, ngày 6/10, lãnh đạo phe biểu tình Hong Kong đã đồng ý tham gia đối thoại chính thức với chính quyền sau khi cuộc biểu tình đã kéo dài qua 9 ngày liên tiếp, mặc dù số lượng người tham gia ngày càng ít đi.
Sau các vòng đàm phán sơ bộ, dự kiến người biểu tình sẽ thống nhất với đại diện của chính quyền về thời gian và địa điểm để gặp gỡ Phó Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam để bàn về các thỏa hiệp giữa chính quyền Hong Kong và phe biểu tình.