Báo TQ đòi “mạnh tay” hơn với Myanmar sau vụ thả bom
Chính phủ Myanmar khẳng định chiến đấu cơ của họ không thả bom xuống Vân Nam, tuy nhiên các báo Trung Quốc vẫn yêu cầu nhà chức trách "làm cho ra nhẽ".
Ngày 16/3, các tờ báo lớn của Trung Quốc đồng loạt hối thúc chính phủ nước này phải có những hành động “mạnh tay” hơn để “đối phó với Myanmar” sau khi một chiến đấu cơ của Myanmar thả nhầm bom vào tỉnh Vân Nam hôm 13/3, khiến 5 dân thường Trung Quốc thiệt mạng và 8 người bị thương.
Trong khi đó, ông Zaw Htay, Chánh Văn phòng Tổng thống Myanmar thì cho rằng không quân Myanmar không bao giờ xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời đổ lỗi cho một “nhóm thiểu số” đã gây ra vụ đánh bom trên.
Vụ ném bom đã làm 5 dân thường Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam thiệt mạng
Ông Htay nói: “Chúng tôi đã kiểm tra bên quân đội. Các dữ liệu định vị vệ tinh GPS cho thấy máy bay của chúng tôi không hề xâm phạm không phận Trung Quốc”.
Mặc dù vậy, các tờ báo lớn và nhiều chuyên gia của Trung Quốc vẫn yêu cầu chính phủ phải có những biện pháp “quyết liệt hơn, chủ động hơn” để ngăn ngừa vụ việc tương tự tái diễn trong tương lai.
Tờ Hoàn Cầu dẫn lời ông Xu Liping, chuyên gia tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc cần phải làm rõ với Myanmar rằng việc xâm phạm biên giới như vậy là không thể dung thứ và cảnh báo Myanmar không nên mạo hiểm”.
Cũng trên Hoàn Cầu, ông Ruan Zongze, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc thì yêu cầu phải có “một cuộc điều tra kịp thời và rõ ràng về vụ ném bom”, đồng thời hối thúc nhà chức trách “có các cơ chế phòng thủ và kiểm soát biên giới tốt hơn”.
Tờ Tin tức Bắc Kinh cũng có chung quan điểm khi cho rằng Trung Quốc phải có “biện pháp nghiêm túc” để tránh tái diễn sự cố này và cũng là để “bảo vệ chủ quyền, đảm bảo an toàn cho người dân”.
Tờ Haiwai Net thì đăng bài bình luận cho rằng khu vực biên giới của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa nữa nếu căng thẳng sắc tộc ở Myanmar tiếp diễn. Tờ báo này kêu gọi chính phủ Trung Quốc thay vì chỉ lên án vụ ném bom thì phải “tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình của Myanmar” và thành lập một “quỹ hòa bình” để chấm dứt xung đột.
Binh sĩ Myanmar tuần tra khu vực biên giới với Trung Quốc
Trong những năm gần đây, Myanmar đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc của mình vào Trung Quốc sau khi nước này cải thiện quan hệ với phương Tây, đặc biệt là từ khi chính phủ bán dân sự được bầu ra vào năm 2011, chấm dứt nửa thế kỷ cầm quyền của chính quyền quân sự.
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Thein Sein đã đình chỉ một dự án “khủng” xây đập thủy điện Myitsone trên sông Irrrawaddy trị giá 3,6 tỉ USD do một nhà thầu Trung Quốc thi công, với lý do dự án này “đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân”.
Một trong những lý do nữa khiến quan hệ Trung Quốc-Myanmar trở nên căng thẳng hơn là những cuộc đụng độ quân sự giữa quân đội nước này với Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar, một lực lượng nổi dậy ở Kokang đòi tách khỏi chính quyền trung ương.
Mặc dù vậy, Trung Quốc hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar, với tổng kim ngạch thương mại lên tới 10,9 tỉ USD vào năm 2013.