Bão Thần Sét tiến sát Hải Phòng, đường đi khó lường

Hiện bão đang cách bờ biển Hải Phòng 350km, đường đi hết sức phức tạp. Dự báo khoảng 12 giờ trưa mai (19/8), bão sẽ tiếp cận vùng biển Thái Bình – Nam Định và liên tục thay đổi cường độ.

Bão Thần Sét tiến sát Hải Phòng, đường đi khó lường - 1

Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 3 -Thần Sét

Sáng nay 18/8), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến ứng phó cơn bão số 3 (Thần Sét) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, vào hồi 8 giờ sáng nay (18/8), vị trí tâm bão Thần Sét đang nằm trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10-11.

Hiện bão đang cách bờ biển Hải Phòng 350km, đường đi hết sức phức tạp. Dự báo khoảng 12 giờ trưa mai (19/8), bão sẽ tiếp cận vùng biển Thái Bình – Nam Định và liên tục thay đổi cường độ.

“Bão Thần Sét có hoàn lưu bão rộng hơn 200km và liên tục mạnh lên, nhất là khi đi vào vịnh Bắc Bộ. Nước biển ấm và gió mùa tây nam tạo điều kiện cho gió mạnh, trong khi độ ẩm khí quyển cao tạo năng lượng kể cả bề mặt và trên cao", ông Cường chia sẻ.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão cách bờ biển Quảng Ninh-Thanh Hóa khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12-14.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều nay (18/8) đến hết ngày 20/8 xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với lượng mưa từ 200-300mm, có nơi trên 500mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi cao và ngập úng ở vùng trũng.

Bão Thần Sét tiến sát Hải Phòng, đường đi khó lường - 2

Vị trí và hướng di chuyển của cơn bão Thần Sét. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta trong khi toàn bộ 14 tỉnh vùng núi phía Bắc đã bị ảnh hưởng của bão số 1 và số 2, đất đã ngậm nước bão hòa. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét là rất cao.

Ngoài ra, theo dự báo, thời gian bão số 3 đổ bộ vào nước ta đúng lúc triều cường đang lên cao đe dọa các tuyến đê biển xung yếu, gây khó khăn cho phục hồi sản xuất các tỉnh ven biển.

“Các địa phương ven biển cần chủ động kêu gọi tàu thuyền neo đậu an toàn, chằng chống nhà cửa, gia cố đê. Vùng núi cần thông tin đến các địa phương, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nguy hiểm để di dời người và tài sản đến nơi an toàn”, ông Cường nói.

Để chủ động đối phó với mưa lũ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh – Nghệ An chủ động triển khai các phương án ứng phó với tình hình thời tiết xấu do bão.

Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Kiểm soát hoạt đồng du lịch ven biển, nhất là các đảo thuộc  tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng. Các địa phương chủ động cấm biển từ ngày 18/8/2016.

Triển khai quyết liệt sơ tán đảm bảo an toàn cho người sinh sống ở ven biển, trên các đảo, các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản và đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

Đối với các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tăng cường thông tin, cảnh báo đến các cấp chính quyền, thôn, bản và người dân nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị xảy ra sạt lở đất, lũ quét để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người qua lại tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập, đò ngang; kiểm tra an toàn đập, vận hành cửa van, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy và gần đầy nước để đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du đập.

Đối với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa; chủ động việc tiêu thoát nước đệm đảm bảo an toàn cho diện tích lúa và hoa màu đã gieo trồng; bảo đảm an toàn hệ thống đường dây tải điện, sẵn sàng khắc phục khi có sự cố xảy ra đảm bảo điện phục vụ sản xuất, tiêu úng và các hoạt động thiết yếu khác.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương theo dõi sát sao diễn biến của cơn bão, tăng cường phát các bản tin, cung cấp thông tin đến các phương tiện thông tin đại chúng để các địa phương và người dân có phương án ứng phó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Bão số 3 – Bão Thần Sét Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN