“Bảo tàng” nghĩa tình từ đại dịch
Ở “bảo tàng” đặc biệt ấy lưu giữ những chiếc xe cà tàng đã từng cùng chủ nhân của nó vượt qua chặng đường không thể tin được. Những chiếc xe gợi nhớ cách tiếp sức đầy tính nhân văn thấm đẫm nghĩa tình đồng bào, trên hành trình hồi hương cả ngàn cây số vượt qua đại dịch.
Đà Nẵng – Km tình người
Nơi này, không phải là bảo tàng như những bảo tàng chuyên biệt khác. Nhưng nhiều người vẫn gọi đó là “bảo tàng nghĩa tình”, nơi mà những chiếc xe máy, hay những vật dụng của người hồi hương vì dịch bệnh từ miền Nam ra Bắc trong những ngày cao điểm tháng 9, tháng 10 vừa qua được lưu giữ lại. Đó là những chiếc xe cũ nát, hư hỏng được Câu lạc bộ xe bán tải TP. Đà Nẵng giữ lại, là những kỷ vật của những tháng ngày vất vả nhưng đậm tình người của người đi và người ở lại.
Phía ngoài hội quán, chiếc bảng chế tác theo hình cột mốc trên tuyến Quốc lộ 1A với dòng chữ “Chạy dịch tháng 10-2021 - Đà Nẵng - Km tình người”. Trong Hội quán, những chiếc xe máy cũ kỹ, “nát đến không thể nát hơn” của người dân sử dụng trên hành trình từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch được treo cẩn thận, ghi chú cụ thể giúp người xem thấu hiểu phần nào sự khó khăn, vất vả của những cảnh đời tha hương cầu thực. Những chiếc cub xơ xác, chiếc xe Dream nát tươm, không gương chiếu hậu, không đèn, không còi đang được Câu lạc bộ lưu giữ tại Hội quán cũng là một điển hình cho sự khó nhọc, túng thiếu mà những người xa quê kiếm sống phải trải qua khi dịch bùng phát.
Những chiếc xe máy được treo trang trọng bên trong hội quán, như nhắc nhớ về khó khăn, thử thách... và cả tình người thật sự ấm áp.
Những chiếc xe máy cũ nát trên hành trình thiên lý Bắc - Nam hồi hương đã đưa chủ nhân của chúng từ vùng dịch bệnh phương Nam về lại quê nhà trong nắng gió đường trường hay trong mưa bão. Và khi đến Đà Nẵng, sự gắng gượng của những chiếc xe đã không thể nào tải nổi được chủ nhân của nó nữa. Những chiếc xe đã làm hết phận sự của mình và được lưu giữ lại đây như một kỷ vật cho những ngày tháng khốn khó và cam go nhất.
Anh Lê Văn Toàn (trú Q. Cẩm Lệ, Trưởng ban sự kiện Câu lạc bộ xe bán tải TP. Đà Nẵng) người đang biến Hội quán Câu lạc bộ xe bán tải TP. Đà Nẵng tại số 117 Xô Viết Nghệ Tĩnh (P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ. Đà Nẵng) thành một “bảo tàng nghĩa tình” như thế. Anh Toàn cho biết, mỗi chiếc xe tại đây là một câu chuyện đầy ắp tình người, một số phận khốn khó với những tình cảm tuyệt vời nhất mà người dân Đà Nẵng dành tặng cho những người hồi hương trong những ngày tháng vừa qua. Trong Hội quán của Câu lạc bộ xe bán tải TP. Đà Nẵng, những cột mốc gắn liền với những chiếc xe cũ nát, hư hỏng được treo lên tường như lời nhắc nhớ sự tàn khốc của dịch bệnh COVID-19 và tình người ấm áp hiện diện và lan tỏa trong lúc khốn khó nhất ở Đà thành.
Những cuộc “ngã giá” kỳ lạ
Thời điểm ấy, có rất nhiều chiếc xe máy cũ nát hư hỏng nhưng vẫn đưa chủ nhân của chúng vượt cả ngàn km từ các tỉnh phía nam như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An... về miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, hay ra tận những tỉnh miền núi phía Bắc xa xôi như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên... Những chiếc xe ấy khi đến địa phận Quảng Nam, Đà Nẵng đã không thể đi lên nổi đèo Hải Vân, hoặc không thể di chuyển được nữa, dù những đội cứu hộ xe máy đã làm hết sức. Những chiếc xe cũ nát ấy đã làm hết sứ mệnh của mình, và kết thúc cuộc hành trình thiên lý tại Đà Nẵng.
Thời điểm ấy, khi những chiếc xe cũ bất ngờ “chết cứng” ở đèo Hải Vân, nhiều người hồi hương đã tưởng chừng tuyệt vọng, nhưng rồi, rất nhiều nhà hảo tâm, chính quyền TP Đà Nẵng đã tặng xe máy mới để bà con tiếp tục hành trình về quê. Những chiếc xe máy cũ nát không thể di chuyển được nữa được gửi lại, hoặc tặng lại, hay hy hữu hơn được nhiều nhà hảo tâm “mua lại” bằng một chiếc xe máy mới. Những cuộc “ngã giá” khác thường và chóng vánh đã diễn ra có khi ngay bên lề đường. Nhiều người hồi hương đã vô cùng bất ngờ khi có những người “chấp nhận” xe cũ đổi xe mới, còn lo thêm tiền làm giấy tờ. Và nhiều bà con đã nhận được món quà mà ngay chính họ cũng không tin vào sự thật. Con đường về quê của bà con nhờ đó đã an toàn hơn, bớt gian nan hơn và chắc chắn là ấm lòng hơn.
Anh Toàn kể lại câu chuyện về những chiếc xe đặc biệt ấy, trong đó có chuyện về một chiếc xe cub cánh én có tuổi đời gần 30 năm vẫn đưa chủ nhân gồm 4 người vượt quãng đường gần 1.000km từ phía Nam ra tới Đà Nẵng. Nếu không bị hư hỏng, rất có thể chiếc xe ấy sẽ cùng thiên lý với chủ nhân về tận vùng núi Điện Biên phía Bắc Tổ quốc. Chiếc cub này, gia đình 4 người (vợ chồng và 2 con nhỏ) phải đánh vật mấy ngày đêm mới ra đến Đà Nẵng. Nhưng khi đến địa phận Đà Nẵng, chiếc xe bỗng dưng “trở chứng” không chịu chạy nữa. Người chủ của chiếc xe đang tuyệt vọng thì may mắn gặp được các thành viên Câu lạc bộ xe bán tải TP. Đà Nẵng, và rất nhanh chóng, cuộc ngã giá kỳ lạ đã diễn ra. Khi được đổi xe cũ lấy xe mới, vợ chồng người này xúc động không nói nên lời. Khi về đến nhà, vợ chồng con cái của chủ chiếc xe cub này đã nhắn tin cảm ơn tới tất cả mọi người, và càng bất ngờ hơn khi họ biết chiếc xe nghèo khó của mình được trưng bày ở một nơi trang trọng của Hội quán. Bất ngờ và vui mừng, đôi vợ chồng ấy đã hẹn khi nào vào Nam sẽ ghé Đà Nẵng để cảm ơn mọi người, cũng như thăm lại kỷ vật của gia đình đã từng cùng chung gian khó trên đường về quê.
Những chiếc xe cũ nát không thể di chuyển được trong những ngày tháng 10 chạy dịch của đoàn người hồi hương. Ảnh: NVCC.
Không chỉ chiếc xe cub ấy, còn có rất nhiều những chiếc xe máy cũ nát không gương chiếu hậu, không đèn, không còi, không dè chắn bùn mà mọi người thường nói vui rằng “mọi thứ đều kêu, chỉ trừ còi không kêu” vẫn đang được Câu lạc bộ lưu giữ tại Hội quán, như một dấu ấn cho sự khó nhọc, túng thiếu mà những người xa quê kiếm sống phải trải qua khi dịch bùng phát. Cùng với đó, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đắt giá, có “một không hai” trên hành trình chạy dịch của hàng chục ngàn người về quê được lưu lại nơi này. Đó là hình ảnh người mẹ bồng con trong mưa gió, là đoàn người mệt lả nằm bên vệ đường bất chấp nắng mưa, là hình ảnh mừng vui khi đoàn người đến được điểm tiếp nhu yếu phẩm, hay cảnh bịn rịn, tay bắt mặt mừng khi phải chào tạm biệt mảnh đất và những con người miền Trung đượm nghĩa tình để tiếp tục hành trình... Tất cả những điều đó đã tạo nên một “bảo tàng nghĩa tình” này, để mỗi người khi tìm đến đây đều bồi hồi xúc động nhớ lại những khoảng thời gian ngày và đêm thắp lửa ấy.
Nhiều xe máy mới đã được đổi cho người về quê, để hành trình vạn dặm được an toàn hơn. Ảnh: NVCC.
Khi kết thúc những đợt người hồi hương, nhóm đã quyết định thu gom những chiếc xe cũ nát ấy về Hội quán Câu lạc bộ xe bán tải TP. Đà Nẵng và trưng bày như những kỷ vật về tình người, sự sẻ chia và sự tàn khốc của dịch bệnh. Anh Toàn cho biết: “Những chiếc xe này giờ đều không còn giá trị sử dụng nữa. Nhưng với mỗi người thì mỗi chiếc xe lại có những giá trị riêng, mỗi câu chuyện và hoàn cảnh riêng của bà con khi không còn lựa chọn nào khác phải bất chấp tất cả để về quê. Một chuyến về quê lịch sử”. Theo lời anh Toàn, thì mặc dù những chiếc xe máy cũ nát không mang một chút giá trị vật chất nhưng mang một giá trị nhân văn vô cùng to lớn. Thể hiện những giá trị nhân văn tình người thật ấm áp, chia sẻ, đùm bọc nhau, vượt qua khó khăn giữa mùa đại dịch. Cũng như để sau này những người quay lại Đà Nẵng, đi du lịch hay đi công tác có dịp nhìn lại "ký ức thời gian" - khó khăn nào cũng sẽ vượt qua nếu có quyết tâm.
Chiếc xe cúp cánh én với tuổi đời xấp xỉ 30 năm của gia đình 4 người quê Điện Biên khi về đến Đà Nẵng đã được đổi xe mới. Chiếc xe cũ được đặt trang trọng tại hội quán.
Anh Toàn chia sẻ, những chiếc xe máy được trưng bày ở “bảo tàng tình người” này, các anh dự định sẽ đem đến trưng bày tại Ngày hội xe bán tải kết nối ba miền. Câu lạc bộ xe bán tải TP. Đà Nẵng dự định sẽ mang bán đấu giá. Số tiền có được từ việc đấu giá những chiếc xe này sẽ tiếp tục được dùng để làm quỹ từ thiện, giúp đỡ hỗ trợ những người khó khăn khác.
Anh Toàn cùng với những thành viên trong Câu lạc bộ xe bán tải TP. Đà Nẵng đều tâm niệm rằng qua giông bão, sóng gió mới cảm nhận giá trị những ngày bình yên. Qua khó khăn, thử thách... mới cảm nhận tình người thật sự ấm áp. Giá trị nhân văn luôn là giá trị trường tồn mãi với thời gian.
Anh Phát đạp xe đạp từ TP.Long Xuyên (An Giang), vượt gần 2.000km đến Tuyên Quang tìm việc đã nhận được món quà từ các...
Nguồn: [Link nguồn]