Bảo tàng hơn 11.000 tỷ: Vết xe đổ?
Trong khi Hà Nội có bảo tàng vừa mới xây dựng tốn hàng nghìn tỉ đồng rồi ế khách, thì nay lại tiếp tục đầu tư xây dựng bảo tàng hoành tráng hơn, với số vốn hàng chục tỉ đồng.
Học được gì từ Bảo tàng nghìn tỉ ế khách?
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định Dự án Đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Bảo tàng được xây dựng tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây, huyện Từ Liêm, Hà Nội với tổng diện tích sử dụng là 10 ha. Dự kiến dự án sẽ được thực hiện trong vòng 4 năm, từ tháng 11/2012 đến tháng 5/2016.
Dự án này có lẽ sẽ không được quan tâm nhiều đến thế nếu không có việc Bảo tàng Hà Nội là công trình mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long cũng đầu tư hàng nghìn tỉ đồng nhưng đến nay vẫn vắng khách, gây lãng phí lớn. Dư luận đặt câu hỏi nếu tiếp tục chi ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng để xây một bảo tàng lớn hơn nữa liệu có đi lại vết xe đổ của sự lãng phí không?
Công trình sẽ gồm 4 phần. Tòa nhà chính xây dựng trên khu đất hơn 20.000 m2 với diện tích sàn xây dựng gần 90.000 m2, chiều cao tối đa 32 m, chiều sâu tầng hầm 6,7 m. Phần thứ hai là khu tưởng niệm danh nhân, phần thứ ba là khu trưng bày ngoài trời để giới thiệu những hiện vật lớn, cuối cùng là hạng mục kỹ thuật phụ trợ, cây xanh và cảnh quan... Tổng mức đầu tư của công trình văn hóa cấp đặc biệt này là 11.277 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày. |
Ông Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc, Phó trưởng ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ đi theo hướng chuẩn quốc tế là xây dựng theo quy trình nghiên cứu xây dựng đề cương trưng bày, thiết kế nội dung, phối kết hợp với thiết kế kiến trúc. Hai công việc này phải làm đồng bộ, bảo đảm công năng sử dụng của bảo tàng, tránh lãng phí trong quá trình thiết kế và sử dụng. Theo ông Hà, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ không xây phần vỏ trước, lõi sau mà các hiện vật hiện tại của hai Bảo tàng Cách mạng và Bảo tàng Lịch sử sẽ được chuyển sang cùng với việc sưu tầm thêm nhiều hiện vật mới.
“Không như những bảo tàng chúng ta từng xây dựng trước đây, đây sẽ là trung tâm vừa nghiên cứu, giáo dục khoa học đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chơi giải trí, thưởng ngoạn của công chúng. Bảo tàng sẽ được xây dựng thêm nhiều chương dịch vụ, tổ chức sự kiện, khu vui chơi giải trí, khu khám phá sáng tạo cho trẻ em... làm sao để khi khách về sẽ có những ấn tượng lâu dài” - ông Hà cho biết.
Về số kinh phí hơn 11.000 tỷ đồng, vị Phó giám đốc, Phó trưởng ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho rằng, Bảo tàng Hà Nội ở cấp thủ đô được xây dựng với số vốn hơn 2.000 tỷ đồng là hợp lý. Còn Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là công trình đại diện cho một quốc gia, bên cạnh đó so với các công trình trên thế giới, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với tầm vóc hơn 2.000 năm lịch sử, số lượng hiện vật đang có... việc xây dựng với số vốn hơn 11.000 tỷ đồng là không lớn.
Mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới với tổng diện tích sử dụng 10ha
"So sánh với các bảo tàng trong khu vực như bảo tàng cấp tỉnh của Trung Quốc là Quảng Đông, Quảng Tây xây dựng hàng tỉ USD. Một số bảo tàng quốc gia khác của Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... cũng được xây dựng với số tiền lớn hơn nhiều. Số tiền 11.000 tỉ nghe có vẻ là lớn, nhưng so với các công trình xây dựng đường xá, cầu cống... thì cũng là bình thường" - ông Hà nói.
Theo ông Hà, để tránh lãng phí hai công trình bảo tàng hiện tại, sau khi Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới được đi vào vận hành, Bảo tàng lịch sử quốc gia hiện nay sẽ được dùng làm Bảo tàng Cổ vật Phương Đông, còn Bảo tàng Cách mạng sẽ chuyển thành Bảo tàng Lịch sử mỹ thuật đương đại.
Bảo tàng nghìn tỉ có thực sự cần thiết?
Về thời điểm xây dựng bảo tàng bắt đầu từ năm 2012, theo ông Hà việc xây dựng một công trình văn hóa cần một thời gian chuẩn bị rất dài, dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được phê duyệt từ năm 2006. Trên cơ sở thiết kế nội dung và hình thức trưng bày đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị chu đáo, việc khởi công xây dựng là điều cần thiết. Việc xây dựng một công trình văn hóa không thể nói là thời điểm hợp lý hay không mà phải hỏi là cần thiết hay không. Nếu cứ thấy khó khăn là bỏ qua thì không bao giờ xây dựng nổi công trình văn hóa. Ví dụ như năm 1986, lúc đó đất nước đang khó khăn, nếu đợi hết khó khăn thì bây giờ đã không có Bảo tàng Dân tộc học.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện tại tọa lạc tại số 1 Tràng Tiền, được coi là một vị trí khá đắc địa
Khuôn viên bên trong Bảo tàng Lịch sử có kiến trúc khá độc đáo
Phản bác về dự án xây dựng công trình này, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, bỏ ra nửa tỉ USD để xây dựng một công trình văn hóa là số tiền lớn. “Trong tình hình đất nước gặp khó khăn, chủ trương cắt giảm vốn đầu tư công, tập trung vốn cho các công trình dở dang, được biết, chúng ta còn rất nhiều công trình thiếu vốn. Trong bối cảnh đó, để xây dựng một công trình ngốn tới hơn 11.000 tỷ đồng thì cần phải tính toán. Mặc dù đây là công trình văn hóa, món ăn tinh thần rất cần thiết, nhưng việc đưa ra trong bối cảnh này ảnh hưởng đến đầu tư công, cũng làm cho chúng tôi thấy hơi khó hiểu” - ông Liêm phân tích.
Cũng theo ông Liêm: “Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện tại, tuy nhỏ nhưng chưa phát huy hết tác dụng, chưa thu hút được đông đảo người dân đến tham quan. Trong khi đó, thử nhìn bảo tàng Dân tộc học, cũng nhỏ thôi nhưng hoạt động khá hiệu quả. Như vậy, tại sao không tập trung vào việc thu hút người dân đến tham quan trước, đâu đến mức cấp bách phải làm cái mới? Ngoài ra, cần phải tính toán, khi xây xong rồi cần phải khoản kinh phí lớn để hoạt động, bảo tàng càng lớn, kinh phí càng nhiều. Trong bối cảnh, ít khách đến như hiện nay thì lấy đâu ra kinh phí? Xây dựng bảo tàng hết 500 triệu USD là một số tiền lớn, trong khi đó bệnh viện còn quá tải, trường học còn thiếu”.
Bảo tàng Dân tộc học: Nhỏ nhưng hút khách Bảo tàng Dân tộc học là một trong số ít những bảo tàng thu hút được nhiều khách tham quan. Bảo tàng này có 2 khu vực chính: Khu thứ nhất bao gồm nhà trưng bày, văn phòng và cơ sở nghiên cứu, thư viện, hệ thống kho bảo quản... có tổng diện tích 2.480m2. Khu thứ 2 là khu trưng bày ngoài trời, rộng khoảng 2 ha. Bảo tàng bắt đầu được cấp vốn chuẩn bị đầu tư vào năm 1986. Công việc xây dựng móng triển khai từ cuối năm 1989. Thông tin trên website của Bảo tàng cho thấy, tổng kinh phí để xây dựng là 27 tỉ đồng và thêm khoảng 4 tỷ đồng cho việc sưu tầm hiện vật, tư liệu và tổ chức trưng bày. Theo thống kê, số lượng du khách đến tham quan Bảo tàng trong năm 2011 khoảng 500 nghìn khách. Nửa đầu năm 2012 đã có khoảng 230 nghìn lượt du khách tham quan. Trong một số dịp như ngày lễ, ngày Tết, trung thu hay có các sự kiện đặc biệt thì lượng khách đến đông hơn, có những sự kiện thu hút được 15.000 đến 20.000 lượt khách. Các chương trình sự kiện gần đây như Trưng bày “Trở thành đàn ông” trong ngày đầu tiên có khoảng 1.200 lượt khách, ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) có 1.000 lượt khách, ngày Quốc tế thiếu nhi có 1.800 lượt khách. Dù quy mô nhỏ nhưng bảo tàng Dân tộc học luôn hút khách Hiện vật của Bảo tàng Dân tộc học không phải chỉ là những cổ vật đắt tiền, mà chủ yếu bao gồm nhiều thứ rất bình thường trong đời sống hàng ngày của người dân như: con dao, cái gùi, chiếc khố, ống sáo, cái tẩu, tấm chiếu... Chúng phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân cư, thể hiện tiêu biểu mọi mặt cuộc sống của họ. Anh Paul, một du khách đến từ vương Quốc Anh cho biết, anh được biết Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống, không thể đi hết chiều dài của dải đất hình chữ S, nhưng anh chỉ cần bỏ một ngày đến Bảo tàng này thì vẫn có cơ hội được khám phá nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Theo chị An Thu Trà, phụ trách phòng trưng bày ngoài trời, điều quan trọng nhất để thu hút khách đến với bảo tàng là phải nâng cao chất lượng trưng bày hiện vật với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn, trình bày dễ hiểu... gây được ấn tượng đối với khách tham quan. Ngoài ra, Bảo tàng thường xuyên tổ chức các sự kiện, trưng bày chuyên đề hấp dẫn, lôi cuốn. Cách phục vụ khách cũng phải chu đáo và có tính tương tác cao. Ví dụ như khi bảo tàng tổ chức trưng bày trang phục của người HMông, du khách đến không chỉ được ngắm trang phục mà có thể được mặc thử, tham gia vào các trò chơi dân gian... Chị Thu Trà cho rằng: “Việc thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm và các hoạt động mới khiến du khách có thể đến đây nhiều lần nhưng không có cảm giác nhàm chán”. Trên trang web của bảo tàng còn có các hướng dẫn cụ thể về giờ mở cửa, vé vào cửa, phương tiện đến bảo tàng, thông tin trưng bày, thông tin các sự kiện đang diễn ra, sắp diễn ra... |