Bảo tàng Hải dương học tiếp nhận tôm hùm màu xanh bích quý hiếm
Một con tôm hùm Canada có màu xanh ngọc bích quý hiếm vừa được một đơn vị tặng lại cho Bảo tàng Hải dương học (thuộc Viện Hải dương học) nghiên cứu, bảo tồn.
Ngày 11/3, thông tin từ Bảo tàng Hải dương học - Viện Hải dương học (Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, bảo tàng vừa tiếp nhận một con tôm hùm Canada màu xanh ngọc bích quý hiếm do một công ty trao tặng.
Bảo tàng Hải dương học đã trưng bày con tôm hùm màu xanh ngọc bích sau khi tiếp nhận
Tôm hùm Canada (còn gọi là tôm hùm Alaska) thông thường có màu xanh cam, tỉ lệ để tìm thấy một cá thể có màu sắc đặc biệt như thế này là rất hiếm. Con tôm hùm này có chiều dài cơ thể 48cm và trọng lượng lên tới 3,9 kg (trong khi tôm hùm bình thường lớn nhất chỉ khoảng 2,5 kg), được nhập khẩu chính ngạch từ Canada về Việt Nam đầu tháng 3/2022.
Trong thư ngỏ gửi Viện Hải Dương học, đại diện công ty trao tặng cho biết đây là lần đầu tiên công ty phát hiện được một con tôm hùm có màu sắc độc đáo và quý hiếm như vậy trong hàng nghìn tấn tôm được nhập về từ Canada từ nhiều năm qua. “Theo nhiều nguồn báo chí nước ngoài, tỉ lệ để tìm thấy được một cá thể đặc biệt như thế là một trên hàng trăm triệu con” – vị đại diện cho biết.
Dù đã có khách hàng ngỏ lời mua lại với giá 50 triệu đồng nhưng công ty không bán; thay vào đó công ty đã gửi tặng Viện Hải dương học để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, bảo tồn và chia sẻ cơ hội chiêm ngưỡng cho các du khách đến tham quan tại Viện Hải dương học.
Sau khi tiếp nhận, Bảo tàng Hải Dương học đã đưa con tôm hùm vào nuôi trong bể kính ở khu trưng bày, điều chỉnh nhiệt độ thấp dần để phù hợp với nhiệt độ tôm sống ở môi trường tự nhiên.
Theo Ths. Hồ Sơn Lâm, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển thì tôm hùm có màu xanh ngọc có thể do đột biến gen hoặc do ảnh hưởng của điều kiện môi trường sống. “Nếu sau khi lột vỏ, tôm vẫn giữ được màu xanh ngọc thì màu sắc đặc biệt của con tôm này là do đột biến gen, còn nếu thay đổi màu sắc thì màu xanh ngọc được tạo ra do quá trình thích ứng với môi trường sống ở tự nhiên, khi thay đổi môi trường sống thì màu sắc cũng dần thay đổi” – ông Lâm cho biết.
Trước đó, vào tháng 11/2021, Viện Hải dương học cũng đã tiếp nhận một con cua hoàng đế màu tím siêu hiếm nặng 2,8 kg từ công ty này trao tặng. Con cua tím được nhập khẩu từ Na Uy.
Người dân ở khu vực biên giới Tây Nam ngỡ ngàng khi lần đầu tiên nhìn thấy cặp chim phượng hoàng đất xuất hiện trên cành cây cao trước nhà.
Nguồn: [Link nguồn]