Bão tan, nước biển vẫn dâng cao

Sự kiện: Tin bão

Hiện tại bão đã tan, nhưng vẫn còn gió lớn, lượng mưa trên 100 mm. Sóng biển hiện đang dâng cao khoảng 3m.

Ông Bùi Trung Nghĩa, chủ tịch UBND huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng cho biết, đến 15h chiều nay trên đảo Cát Bà đang mưa to, nước biển dâng cao 3 mét và đang vỗ vào các bờ kè ven biển. Sức gió trên huyện đảo khi bão đổ bộ giật cấp 8 cấp 9. Ghi nhận ban đầu, một số cây cối bị đổ, chưa có ngôi nhà nào bị tốc mái hay thiệt hại về người và phương tiện. Có một số đoạn đê kè ở khu du lịch Cát Bà đã bị sạt lở.

Ông Hoàng Đình Bình, chủ tịch UBND Quận Đồ Sơn, Hải Phòng cho hay, hiện tại bão đã tan, nhưng vẫn còn gió lớn, lượng mưa trên 100 mm. Sóng biển hiện đang dâng cao khoảng 3m. Ghi nhận ban đầu chưa có thiệt hại về người, tuy nhiên có 1 cột điện bị đổ, đoạn đê kè ven biển khu du lịch bị sạt lở và một số cây cối cùng ngôi nhà bị tốc mái.


Bão tan, nước biển vẫn dâng cao - 1

Sóng biển dâng cao gây sạt lở ở Đồ Sơn, Hải Phòng

Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh, cho hay, bão vào bờ lúc 9h sáng, sức gió khi vào huyện đảo đạt cấp 10. Ghi nhận sơ bộ ban đầu chưa có thông kê thiệt hại về người và tài sản, chỉ có duy nhất một số cành cây bị gẫy đổ trên huyện. Hiện tại, trên đảo đang bị mất điện.

Tại bãi biển Đồng Châu xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, Thái Bình, khoảng 11h, gió khoảng cấp 6, mưa khá lớn dồn dập trút xuống. Nước biển cũng đang dần dâng cao. Lượng mưa ở đây đã giảm. Nhiều nhà hàng bán đồ hải sản ở ven biển cũng bị ngập. Hiện tại chưa có con số thông kê về người và phương tiện ở tỉnh này.

Bão tan, nước biển vẫn dâng cao - 2

Cây đổ ở đường Nguyễn Văn Cừ, TP Hạ Long, Quảng Ninh

Tại tỉnh Quảng Ninh, 9 giờ sáng hôm nay (ngày 03 tháng 8) bão số 5 đã đổ bộ vào đất liền hai huyện Đầm Hà và Hải Hà. Bão gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 ở Cô Tô; gió cấp 7 giật cấp 10 ở Móng Cái; gió cấp 8, 9 giật cấp 11 ở Hải Hà; gió cấp 6 giật cấp 8 ở Cửa Ông. Lượng mưa phổ biến dưới 50 mm, một số nơi dưới 100 mm.

Đến 12h trưa nay, tại Quảng Ninh, gió tiếp tục mạnh dần lên, mưa lớn, nước biển dâng cao. Nhiều tuyến đường của thành phố Hạ Long bắt đầu ngập chìm trong nước.

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, có 3 người bị thương nhẹ. Ông Văn Kim Chiến, Phó Chủ tịch huyện Hải Hà cho biết nguyên nhân của một trong số các nạn nhân bị thương là do mái tôn rơi vào người. Hiện tại, nạn nhân phải khâu 10 mũi ở bụng tại trung tâm y tế xã. 

Ngoài ra tỉnh Quảng Ninh còn bị đổ 2 cột ăng ten viễn thông cao 42 m. Bước đầu xác định có một vài nhà bị đổ, hơn một trăm nhà cấp 4 bị tốc mái, vài trăm công trình phụ bị tốc mái, trong đó nhiều nhất ở huyện Hải Hà.

Cụ thể tại huyện Hải Hà, đổ 03 nhà cấp 4; tốc mái 142 nhà cấp 4 và 440 công trình phụ; đổ 10 cột điện hạ thế; một số cây cối bị đổ...

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, ngay sau khi bão ngớt, các địa phương đã khẩn trương tiến hành kiểm tra hậu quả của bão, chủ động dọn dẹp các cây xanh ven đường bị đổ để đảm bảo giao thông thông suốt, hỗ trợ dân khắc phục nhà bị tốc mái. Tại TP Hạ Long, tất cả các hoạt động kinh doanh buôn bán tạm dừng để tránh bão.

Bão tan, nước biển vẫn dâng cao - 3

 Khu vực bãi tắm Thanh Niên, Bãi Cháy tan hoang

Bão tan, nước biển vẫn dâng cao - 4

Tuyến đường Hạ Long, Bãi Cháy ngập chìm trong nước

Bão tan, nước biển vẫn dâng cao - 5

Nước biển bắt đầu dâng cao

Bão đổ bộ gây nhiều thiệt hại tại tỉnh Quảng Ninh. Tại Móng Cái, gió cấp 8, giật cấp 10, có mưa theo cơn ở mức mưa vừa. Một số cây cối đã đổ.

Ghi nhận tại phường Cao Xanh, khu du lịch Bãi Cháy, Tp Hạ Long, hầu hết tàu thuyền đều đã neo đậu tránh bão. Tuy nhiên vẫn một số tàu nhỏ, đang trên đường vào bến.

Bão tan, nước biển vẫn dâng cao - 6

Khu vực chợ Hạ Long, mọi hoạt động buôn bán tạm dừng để tránh bão

Bão tan, nước biển vẫn dâng cao - 7

Gió mạnh giật tung nóc của gian hàng tại khu chợ đêm Hạ Long

Tính đến 10h sáng ngày 3/8, hai huyện Đầm Hà và Hải Hà của tỉnh Quảng Ninh đang bị nhiều thiệt hại nhất. Cụ thể, tại huyện Đầm Hà, gió cấp 9, 10, giật cấp 11, nhiều cây cối đổ, một số công trình phụ tốc mái. Huyện Hải Hà, gió cấp 9, giật cấp 10, mưa vừa, một số cây cối bị đổ, một vài nhà tốc mái, một cột ăng ten viễn thông cao 42m bị đổ.

Bão tan, nước biển vẫn dâng cao - 8

Anh Đỗ Văn Vỵ, phường Cao Xanh, Hạ Long đang cột thêm dây vào thuyền

Sáng nay 3/8, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã họp khẩn với một số đơn vị để triển khai chống bão.

Ông Đọc yêu cầu các địa phương: Vân Đồn, Hạ Long, Cô Tô, Tiên Yên, Cẩm Phả rà soát triệt để, không để người dân ở lại trên lồng bè nuôi trồng thủy sản và các điểm có nguy cơ sạt lở đất đá.

Ông Nguyễn Văn Đọc cũng tiếp tục kiểm tra các công trình trọng điểm tại các điểm neo đậu trú bão của các tàu thuyền trên địa bàn Tp Hạ Long.

Bão tan, nước biển vẫn dâng cao - 9

Một vài người dân đang lấy cát để kè thêm vào các sạp hàng tại bãi tắm Thanh Niên, Bãi Cháy, Hạ Long

Mặc dù không phải là tâm bão số 5 di chuyển vào nhưng tỉnh Nam Định đang phải gánh chịu những trận mưa lớn. Ghi nhận của phóng viên, từ 2h đêm 3/8 đến nay có nhiều trận mưa dồn dập.

Bão tan, nước biển vẫn dâng cao - 10

Mưa lớn, đoạn đường xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, Nam Định bị ngập

Đến 9h sáng 3/8, một số xã ven biển huyện Giao Thủy đã có gió giật cấp 5, 6 kèm theo mưa lớn. Tuyến đường vào xã Giao Yến, huyện Giao Thuỷ đã bị ngập lớn, biến thành sông. Nhiều hộ dân đang sinh sống trên tròi canh ngao ở bãi biển xã Giao Xuân sáng nay cũng đã phải vào bờ tránh trú bão.

Nhiều hộ nuôi tôm giống ở các xã Bạch Long, Giao Phong đang phối hợp với chính quyền địa phương  khẩn trương đắp các bờ kè và vây lưới cao thêm khoảng 1- 1,5 m.

Bão tan, nước biển vẫn dâng cao - 11

Tàu thuyền trú ẩn bãi biển xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, Nam Định

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định cho biết, tính đến thời điểm sáng 3/8, 700 lều, chòi nuôi ngao của ngư dân ven biển đã được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định thông báo vào nơi tránh bão an toàn.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đã có chỉ đạo từ 14h ngày 2/8, không cho tàu thuyền ra khơi để đảm bảo an toàn, kêu gọi tàu thuyền vào tránh, trú bão. Toàn tỉnh Nam Định có 2.089 phương tiện đánh bắt với 11.196 ngư dân.

Chiều ngày 1/8, đã có 2.070 tàu với trên 11.000 ngư dân neo đậu tại các bến trong tỉnh; 14 tàu với 114 ngư dân neo đậu tại Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng)…

Bão tan, nước biển vẫn dâng cao - 12

Nhiều người dân nuôi ngao ở xã Giao xuân, huyện Giao Thủy Nam Định đã vào đất liền tránh bão

Bão tan, nước biển vẫn dâng cao - 13

Đoạn đê kè xã Giao Long, huyện Giao Thủy, Nam Định đã được gia cố lại

Các địa điểm kè Nghĩa Phúc (thuộc huyện Nghĩa Hưng); mái kè Táo Khoai, Hải Thịnh III, dốc Gót Tràng (huyện Hải Hậu) và một số điểm bị hư hỏng từ cơn bão số 2 và số 3 vừa qua cũng đã được tu sửa lại.

Đến ngày 2/8, số tàu thuyền neo đậu tại các bến trong tỉnh là 1.890 tàu với 10.788 ngư dân; số tàu thuyền đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày là 181 thuyền với 298 ngư dân; số tàu thuyền của huyện Hải Hậu đang neo đậu tại tỉnh ngoài là 18 tàu với 114 ngư dân.

Tỉnh Thái Bình chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Từ sáng nay (3/8), trên đất liền gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8; vùng ven biển gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 9 và có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Lượng mưa do bão số 5 gây ra ở Thái Bình dao động 100 – 200. Bão vào đất liền lúc đỉnh triều, nước sông ở mức cao, vùng ven biển đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 - 4 m.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình, 11h30 trưa nay (3/8), tại Thành phố Thái Bình đang có mưa vừa kèm theo gió. Hiện Thái Bình chưa có thiệt hại gì về người và của.

Ông Phạm Văn Sinh, chủ tịch tỉnh, trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão tỉnh Thái Bình có công điện khẩn ngày 2/8, yêu cầu: Di chuyển toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu, thuyền đã vào khu neo đậu, người ở các khu vực nguy hiểm và ở trong các nhà yếu đến nơi an toàn, hoàn thành trước 19h ngày 2/8.

Cơn bão số 5 cũng bắt đầu đổ bộ vào Hải Phòng gây mưa và gió mạnh. Ông Bùi Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, hiện nay, trên đảo Cát Bà có mưa nhỏ, gió giật cấp 5, 6.

Theo ông Nghĩa, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão của huyện cùng hơn 100 chiến sĩ công an, dân quân sẵn sàng ứng phó bão và đã lên phương án cho mọi tình huống xấu có thể xảy ra.

Ông Nghĩa cũng cho biết, đến nay, lực lượng chức năng đã sơ tán 900 dân ở đảo Cát Bà vào khu vực đất liền huyện Cát Hải; 1.388 người ở Cát Bà lên các vùng cao ở huyện Cát Hải tránh bão. Hơn 1.500 tàu thuyền đã vào bến an toàn; 52 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản của người dân đã đưa vào bờ an toàn.

Đồng thời, nhiều cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng chia làm nhiều tổ đi ra những vùng ngoài đê chính, vùng cửa sông… để đưa người dân vào trong khu vực thị trấn trú ngụ tại các trường học, trạm xá, nhà cao tầng. Người già, trẻ nhỏ được chính quyền huyện Cát Hải bố trí xe, tàu thuyền đưa vào thị trấn Cát Bà, nội thành Hải Phòng tránh bão.

Hồi 9h ngày 3/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới; sau đó áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 19 giờ ngày 03/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, ngày hôm nay (3/8), ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh cấp 6, cấp 7; riêng phía Bắc có gió cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11; Các tỉnh ven biển Đồng Bằng Bắc Bộ có gió cấp 6, giật cấp 7, cấp 8; các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7. Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 4m.

Theo Trung tâm DBKTTV TƯ


Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Tin bão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN