Bão suy yếu thành áp thấp: Người dân như trút bỏ gánh nặng cả trăm kg trên vai
Người dân ở 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận thở phào nhẹ nhõm khi bão số 14 đã tan thành áp thấp nhiệt đới vì bão đã gây ra nỗi sợ khủng khiếp của người dân nơi đây.
Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới (Nguồn Trung tâm Dự báo KTTV TƯ)
9h sáng ngày 19.11, tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa) mưa bắt đầu nặng hạt, gió cũng bắt đầu mạnh, tuy nhiên các hoạt động buôn bán của người dân vẫn diễn ra bình thường.
Ở khu vực các cảng cá, chợ người dân nói chuyện cười vui vẻ khi bão đã suy yếu. Tại các tuyến đường của TP Cam Ranh đường khá vắng người nhưng trong các quán cà phê ven đường rất đông người ngồi nhâm nhi cà phê bàn tán, nhận định về cơn bão số 14.
“Tôi vừa xem bản tin dự báo thời tiết thấy đài báo bão số 14 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nên vui lắm. Vui như vừa trút bỏ gánh nặng cả trăm kg trên vai vậy. Nếu bão vào nhà cửa tan tành, người dân lại lâm vào cảnh trắng tay”, anh Hoàng Nhất người dân TP Cam Ranh chia sẻ
Theo anh Hoàng Nhất, 2 tuần trước cơn bão số 12 đổ bộ vào Phú Yên – Khánh Hòa gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, hàng chục người chết, hàng ngàn nhà dân bị đổ sập nên giờ nghe bão dân rất sợ.
Vừa nhâm nhi ly cà phê đen đá anh Như nói: “Bão là nỗi ám ảnh của người dân miền Trung. Bão đến thì nhà cửa đổ sập, chết người. Chưa kể sau bão đi qua còn gây lũ lụt, thiệt hại rất khủng khiếp”.
Anh Như cho hay, từ chiều hôm qua gia đình anh và cả ngàn người dân ở TP Cam Ranh đã ngừng mọi công việc buôn bán để tập trung ứng phó với bão số 14 như gia cố nhà, lồng bè.
“Cả đêm qua tôi có dám chợp mắt đâu. Vẫn còn ám ảnh bởi cơn bão số 12 nên gần như thức trắng cả đêm để canh bão vào. Bão giờ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nên chúng tối bớt lo lắng nhưng cũng không dám chủ quan. Dù áp thấp nhiệt đới nhưng dự báo gió vẫn còn rất mạnh kèm theo mưa nên dân ở đây đã lên phương án và sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất”, anh Như cho hay.
Tại 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận người dân cũng tỏ ra vui mừng khi bão đã suy yếu. Lúc 9h30 sáng khu vực hai tỉnh này trời đã có mưa kèm theo gió.
“Giờ chỉ mong áp thấp nhiệt đới tan nhanh để người dân bớt khổ. Chứ nghe báo đài thông tin bão đổ bộ vô mấy ngày qua khiến người dân chúng tôi mất ăn mất ngủ”, bà Nguyễn Thị Sơn ngụ TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) nói.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương hồi 7h ngày 19.11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Ninh Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Vùng gió mạnh do áp thấp nhiệt đới trên cấp 6, gió giật mạnh cấp 9 có bán kính khoảng 100km về phía Bắc, 80km về phía Nam tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Trà Vinh với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 sau đó suy yếu thành vùng áp thấp. Đến 19 giờ ngày 19.11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên đất liền các tỉnh Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ), giật cấp 8. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao 2-4m. Biển động mạnh. |
Dù bão số 14 đã giảm còn áp thấp nhiệt đới nhưng vẫn còn rất nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bất chấp đổ...