Bão số 7 tiềm ẩn nguy hiểm đang tiến vào Vịnh Bắc Bộ, nhiều tỉnh ra lệnh cấm biển
Bão số 7 Lionrock gió giật cấp 10 đang di chuyển về phía Vịnh Bắc Bộ, kết hợp với không khí lạnh gây mưa lớn nhiều nơi ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 7 Lionrock. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Bão số 7 không mạnh nhưng rất nguy hiểm
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ chiều nay (9/10), bão số 7 Lionrock đang ở trên khu vựa phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 16 giờ ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng ở trên vùng biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Cơ quan khí tượng đánh giá, bão số 7 tuy không phải là cơn bão mạnh nhưng thời gian bão đổ bộ kết hợp với nhiều hình thế khác sẽ làm tăng thêm mức độ nguy hiểm của bão.
Cụ thể: Bão số 7 kết hợp với không khí lạnh, chính vì thế ngay cả ở Vịnh Bắc Bộ và trên đất liền cũng đều có gió mạnh. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An sẽ có gió mạnh cấp 6-7, phía Bắc có nơi cấp 8, giật cấp 10. Với cấp gió như vậy thì cây cối, bảng biển, các mái nhà không kiên cố sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do đó cần có biện pháp chằng chống và gia cố sớm.
Mặc dù nước dâng do bão không lớn. Tuy nhiên, bão đổ bộ vào thời kỳ thủy triều tại ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cao nên cần đề phòng ngập úng ở khu vực trũng/thấp ven biển, cửa sông.
Lượng mưa lớn dồn dập trong một ngày có thể lên đến hàng trăm mm, gây ngập lụt vùng trũng thấp, ao đầm... Các khu nuôi trồng thủy hải sản và nông nghiệp của người dân sẽ bị thiệt hại rất nặng nề nếu không có sự chuẩn bị trước.
Ngoài việc mưa cực kỳ to, thì lũ quét và sạt lở đất đá là điểm cực kỳ nguy hiểm cần phải lưu ý. Các sông suối khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3-7m, trên các sông khu vực Bắc Bộ và hạ lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh từ 2-4m.
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông tại các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Nhiều tỉnh cấm biển, sẵn sáng di dời dân khỏi vùng nguy hiểm
Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào tránh bão. Ảnh Báo Quảng Ninh.
Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai: Khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã sẵn sàng phương án, dự kiến sơ tán 70.440 hộ với 260.722 người dân; đã rà soát những người trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để đảm bảo an toàn dịch COVID-19 (hiện có 4.619 trường hợp F0, F1 ở các tỉnh nêu trên).
TP Hải Phòng: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng đang tích cực rà soát, kêu gọi, yêu cầu tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn. Các địa phương ven biển của Hải Phòng đã thông tin, tuyên truyền, thông báo kịp thời về diễn biến bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để chủ động ứng phó.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, UBND huyện Cát Hải chỉ đạo tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp du lịch dừng các hoạt động du lịch trước 12h trưa 9/10 và đảm bảo trước 15h chiều nay tất cả các tàu bè, các hoạt động trên biển được đảm bảo về nơi tránh trú an toàn, theo quy định.
Quảng Ninh: UBND tỉnh yêu cầu các địa phương có biển trên địa bàn tỉnh tích cực kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn và thực hiện cấm biển từ 12h trưa nay (9/10).
Chủ động kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập, kè yếu, nhà tạm.... sẵn sàng phương án di dời các nhà dưới chân kè, vùng trũng; tổ chức canh gác 24/24h, nghiêm cấm người qua lại khi có lũ về tại các vị trí ngầm, tràn giao thông ở các huyện miền núi.
Các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng sẵn sàng lực lượng, phương tiện hiệp đồng với các địa phương, đơn vị đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và triển khai cứu hộ khi có yêu cầu.
Thái Bình: Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 9 giờ ngày 9/10; khẩn trương kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn, không để xảy ra va chạm, chìm tàu tại nơi neo đậu.
Đồng thời yêu cầu triển khai di dời người lao động nuôi trồng thủy sản, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, ngư dân ở phương tiện trên sông, trên biển ở các huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy vào nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Đến trước 18 giờ ngày 9/10, các công việc này phải được hoàn thành.
Ngay sau khi bão số 7 đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, khả năng sẽ có liên tiếp 2 cơn bão khác xuất hiện...
Nguồn: [Link nguồn]