Bão số 7 chưa tan, Biển Đông lại sắp đón siêu bão
Trong khi bão số 7 được dự báo sẽ đổ bộ đất liền nước ta với cường độ mạnh, sức tàn phá lớn thì trên biển lại đang hình thành một siêu bão mới và hướng vào Biển Đông.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp.
Bão “chồng” bão vào Biển Đông
Chiều nay (16/10), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến công tác ứng phó với cơn bão số 7 (Sarika) trên Biển Đông và tình hình mưa lũ ở khu vực miền Trung.
Tại hội nghị, ông Hoàng Đức Cường – GĐ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, hồi 14 giờ chiều nay (16/10), bão số 7 – Sarika đang ở cách quần đảo Hoàng Sa gần 700km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
“Khoảng chiều và đêm 19/10, bão Sarika sẽ đổ bộ vào đất liền với cấp độ 11-12, giật cấp 13-14. Vùng ảnh hưởng của bão được dự đoán từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa. Tuy nhiên, do bão còn cách xa và di chuyển phức tạp nên có thể có sai số”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, với cấp độ 11-12 khi vào đất liền, Sarika là cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ nước ta trong nhiều năm trở lại đây. Dự báo, nó sẽ có sức tàn phá tương đương với bão bão Haiyan năm 2013 và mạnh hơn cả Sơn Tinh năm 2012.
Bão sẽ gây mưa ở khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Trung du Bắc Bộ với lượng mưa phổ biến cả đợt ước tính 200-300mm, có nơi hơn 400mm.
Tâm bão được xác định có thể đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh – Thừa Thiên Huế, trong đó khả năng cao nhất là đổ bộ vào Thái Bình.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cho biết, để ứng phó với bão số 7, Thái Bình đã ra lệnh cấm biển đối với các tàu thuyền từ 15 giờ chiều nay (16/10).
Đồng thời, Thái Bình tổ chức kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu; tổ chức thu hoạch lúa hè thu; đảm bảo an toàn các đê, kề, hồ đập…
Đáng chú ý, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho biết, hiện ngoài Thái Bình Dương đang có một siêu bão tên Haima hoạt động. Rất có thể, siêu bão này sẽ tiến vào Biển Đông trong những ngày tới.
Khắc phục hậu quả mưa lũ, lên phương án chống bão
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lo lắng: “Bão số 7 đổ bộ đúng thời điểm 4 tỉnh miền Trung đang dốc sức xử lý hậu quả mưa lũ, lại là cơn bão muộn, trái mùa nên các địa phương dễ có tâm lý chủ quan”.
Ông Cường cho rằng, dù dự báo như trên nhưng do bão mạnh nên còn có rất nhiều yếu tố dị thường tác động. Các tỉnh trong phạm vi có gió mạnh phải chuẩn bị ở mức cao nhất trong các kịch bản ứng phó, kiên quyết đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền trên biển.
Ngoài ra, nếu bão đổ bộ Trung Trung Bộ - nơi hầu hết các hồ chứa đã đầy nên rất dễ xảy ra thảm hoạ. Riêng 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc và sườn Tây Trung Trung Bộ cần đề phòng nguy cơ sạt trượt.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các tỉnh từ Nghệ An – Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện nghiêm công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, trong đó tập trung tìm kiếm người mất tích, tiếp tục thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân có người chết, bị thương.
Cùng đó tiến hành rà soát để ứng cứu kịp thời cho những người dân bị thiệt hại, không để bất kỳ 1 người dân nào bị đói.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý 4 tỉnh miền Trung tập trung phục hồi sản xuất, trước hết khôi phục hệ thống hạ tầng giao thông, điện, sửa chữa nhà cửa cho nhà dân; tập trung vệ sinh môi trường, chú ý nước sạch cho người dân, không xảy ra dịch bệnh.
“Với cơn bão số 7, các địa phương cần chủ động tình hình để cho học sinh nghỉ học hoặc cấm biển. Tiến hành kiểm tra an toàn các hồ chứa, các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Bộ Xây dựng được giao giằng chống các công trình nhà cửa, tháp cao, các công trình đang xây dựng, tránh thiệt hại như bão Sơn Tinh.
Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở và các đơn vị liên quan cung cấp đủ cơ số thuốc chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn vệ sinh môi trường, không để phát sinh dịch bệnh sau khi lũ rút.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa, lũ, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.
Các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tăng tần suất, thời lượng phát sóng, cung cấp đầy đủ, kịp thời cho người dân nắm được thông tin về thiên tai, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp đối phó với mưa lũ; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách, vượt thẩm quyền.