Bão số 6 Nakri bất ngờ giảm cấp, hướng vào Quảng Ngãi - Khánh Hòa
Khi tiến về đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, bão số 6 Nakri có dấu hiệu giảm cấp trước khi đổ bộ.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 6 Nakri. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Hồi 13 giờ ngày 09/11, bão số 6 Nakri đang cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 120km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giảm từ cấp 12 xuống cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km.
Đến 13 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, tiếp đó là một vùng áp thấp.
Đến 13 giờ ngày 11/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên đất liền phía Đông Bắc Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12, giật cấp 15. Sóng biển cao từ 7-8m; biển động dữ dội. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.
Từ đêm nay (9/11), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao từ 4-6m. Biển động dữ dội.
Từ chiều tối mai (10/11), vùng ven biển các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 6.
Trên đất liền, từ đêm nay đến ngày 12/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Đắc Nông, Lâm Đồng 100-200mm; Bình Định đến Khánh Hòa 200-350mm, cục bộ một số nơi trên 400mm; Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc 150-250mm.
Từ đêm 9/11 đến 12/11, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, nam Khánh Hòa, bắc Tây Nguyên lên mức BĐ1-BĐ2, sông nhỏ lên trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên; riêng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu.
Trước đường đi khó lường, nguy hiểm và sức gió giật tới cấp 15 của bão số 6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo...