Bão số 3 tàn phá rất lớn, khuyến cáo người dân ở nhà sáng thứ Bảy
Theo Cục trưởng Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), khoảng 20 năm nay chưa có 1 cơn bão nào mạnh như bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc nên chúng ta chỉ còn có 1 ngày để chằng chống nhà cửa. Sáng thứ Bảy (7/9 ), người dân nên ở nhà.
Tại cuộc họp ứng phó với cơn bão số 3 chiều nay (5/9), bên cạnh thông tin về tình hình chuẩn bị phòng chống bão, ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai - nhận định cơn bão số 3 có đường đi khá giống cơn bão Damrey (năm 2005).
Cơn bão được xem là lớn nhất thời điểm bấy giờ đổ bộ vào miền Bắc nước ta, với sức tàn phá rất lớn, làm chết 58 người và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Theo ông Luận, dự báo của Trung tâm Khí tượng và Thủy văn quốc gia cho thấy, bão số 3 khi đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ có sức gió cấp 13, giật cấp 16 nên nguy cơ tàn phá của bão cũng sẽ rất lớn. Do đó, đối với các địa phương ven biển cần kiên quyết kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động thoát khỏi vùng nguy hiểm.
“Với cơn bão này, vùng ảnh hưởng cấp 8 đã có phạm vi tới 250km nên tàu thuyền có thể chìm tại nơi neo đậu, chứ không cần phải ở ngoài. Đặc biệt, tại các đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, các âu tàu không có gì che chắn nên nguy cơ tàu bị chìm tại nơi neo đậu rất cao, người dân cần chằng chống kỹ càng”, ông Luận nói.
Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai khuyến cáo người dân nên ở nhà vào thứ Bảy.
Đối với vùng đồng bằng ven biển, theo ông Luận, cần di dời sơ tán người dân khỏi những ngôi nhà không đảm bảo an toàn. Bởi bão cấp 10, 11, giật cấp 13, những mái nhà kiên cố còn bị ảnh hưởng, tốc mái.
“Các địa phương cần khẩn trương chặt, tỉa cành cây, gia chống nhà cửa, đảm bảo hệ thống lưới điện an toàn. Trước đây, bão Damrey đổ bộ vào miền Bắc, toàn bộ một nhà máy may lớn thời điểm đó bị tốc mái sập hết, thiệt hại rất nặng. Hiện nay, khu vực bão số 3 đổ bộ cũng chính là trọng điểm kinh tế, nên rất nhà xưởng lớn nằm trong tầm ngắm của bão”, ông Luận nói.
Cục trưởng Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đánh giá, khoảng 20 năm nay, chưa có 1 cơn bão nào mạnh như thế này vào miền Bắc nên chúng ta chỉ còn có 1 ngày để chằng chống nhà cửa; đến tối mai là không thể làm được nữa.
“Nếu không chằng chống nhà cửa trong hôm nay và ngày mai thì đến sáng ngày kia gió bão đã ảnh hưởng, lúc đó trèo lên chằng chống nhà cửa rất dễ xảy ra tai nạn” , ông Luận cho hay.
Lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai khuyến cáo người dân nên tập trung thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đặc biệt, các đô thị cần sẵn sàng phương án khơi thông dòng chảy, bởi với lượng mưa 200-300mm trong 24h, khả năng ngập úng rất cao.
"Chúng tôi khuyến cáo người dân không tham gia giao thông khi bão đổ bộ. Người dân nên ở nhà vào sáng thứ Bảy, vì bão số 3 được dự báo có bán kính rất rộng, dông lốc có thể xảy ra nên nguy cơ tai nạn khi cây xanh gãy đỗ, mái tôn bị cuốn rất cao”, ông Phạm Đức Luận nói thêm.
Đối với miền núi phía Bắc, ông Luận đề nghị các địa phương cần rà soát các khu vực ven sông, sơ tán người dân đến nơi an toàn, kiên quyết không cho người dân đi qua vùng tràn nếu không đảm bảo an toàn. Bởi 3 tháng qua, rất nhiều người dân thiệt mạng vì lý do chủ quan này.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 3 từ chiều 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội. Vùng biển khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 7-9m, vùng gần tâm bão 10-12m. Biển động dữ dội. Từ đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2-4m, sau tăng lên 3-5m, vùng gần tâm bão đi qua 6-8m. Từ gần sáng 7/9, vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2,0-3,0m, sau tăng lên 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m. Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hoà Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) và Thanh Hoá có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 100-150mm. Từ chiều 7/9 đến hết ngày 8/9 trên khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm. Riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La 150-250mm, cục bộ có nơi trên 350mm. Tại khu vực vùng núi, trung du của Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. Từ đêm 6/9 đến 8/9, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. |
Kết luận cuộc họp để ứng phó với bão số 3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, bão Yagi rất mạnh, nên cần làm cho người dân hiểu cấp 12 mạnh như thế nào, cấp 15, 16 sẽ ra sao, không thể bó buộc dự báo chỉ bằng số liệu.
Nguồn: [Link nguồn]