Bão số 2 Mulan có khả năng đi vào đất liền, các tỉnh nào nằm trong vùng tâm bão?
Bão số 2 có khả năng đổ bộ vào đất liền phía Bắc nước ta trong đêm nay, gây mưa lớn cho các tỉnh đồng bằng và ven biển.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 2 Mulan. (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG)
Bão gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ
Ngày 10/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp với các bộ, ban ngành có liên quan để lên phương án ứng phó với bão số 2 Mulan. Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.
Theo ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ chiều nay (10/8), bão số 2 đang trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 220km về phía Đông, cách Quảng Ninh khoảng 250km về phía Đông Nam, cách Nam Định 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 130km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.
Sau khi bão vào Vịnh Bắc Bộ vào chiều tối nay, bão vẫn ở cường độ cấp 8, khi vào khu vực phía Bắc đảo Bạch Long Vĩ cường độ bão bắt đầu suy giảm. Trong đêm nay và sáng mai (11/8), bão có khả năng đi vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ.
“Nhận định ban đầu của chúng tôi, bão số 2 sẽ đi vào khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Hải Phòng. Nhưng khu vực ven biển Thái Bình - Nam Định, thậm chí khu vực ven biển Ninh Bình cũng có thể chịu ảnh hưởng của gió giật của bão. Do ảnh hưởng của bão, đêm nay đến sáng mai (11/8), ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, Thái Bình - Ninh Bình, nhiều khả năng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9”, ông Khiêm nhận định.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia
Trên đất liền, đêm 10/8 và sáng ngày 11/8, khu vực ven biển Quảng Ninh-Ninh Bình nhiều khả năng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ven biển Thanh Hóa có gió mạnh cấp 5, giật cấp 8.
Từ chiều tối nay (10/8) đến khoảng ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.
Khu vực Hà Nội từ đêm nay (10/8) đến ngày 12/8 có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 200mm.
Bắn pháo hiệu, chủ động ứng phó bão số 2
Báo cáo tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết, tính đến 6h30 sáng 10/8, hầu hết các tàu thuyền đều ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 2 (đã hướng dẫn 52.249 tàu với 228.960 người chủ động di chuyển phòng tránh bão).
Từ đêm 10/8, đơn vị này sẽ yêu cầu các đơn vị từ Quảng Ninh đến Ninh Bình bắn pháo hiệu cảnh báo cho các phương tiện hoạt động ven bờ, ngư dân nuôi trồng thủy sản ven bờ biết với cơn bão số 2.
Đại diện Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cho biết thêm, để ứng phó với báo, số lượng người ứng trực là hơn 400.000 người, trong đó, bộ đội là hơn 50.000 người, dân quân tự vệ là hơn 362.000 người.
Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng)
Quảng Ninh: UBND tỉnh đã ra công điện yêu cầu cấm biển từ 12h ngày 10/8/2022.
UBND các huyện, thị xã, thành phố (đặc biệt các địa phương ven biển đặc biệt từ Móng Cái đến Hạ Long) phải tổ chức thông tin cho nhân dân biết về diễn biến bão. Chỉ đạo khẩn trương gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, khẩn trương tổ chức đưa người từ các khu nuôi trên biển, ven biển lên bờ (ưu tiên phụ nữ, người già, trẻ nhỏ lên trước) và kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú và hoàn thành các công tác này trước 17 giờ 00 ngày 10/8/2022.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thông tin, bắn pháo hiệu kêu gọi các tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, đảm bảo triển khai khi có yêu cầu.
Cử người trực, canh gác 24/24h thường xuyên tại các vị trí ngầm, tràn giao thông, kiên quyết không cho phương tiện và người qua lại khi có lũ xuất hiện.
Hải Phòng: TP.Hải Phòng cũng có công điện đề nghị các Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, quận và các ngành, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Rà soát, kiểm đếm, nắm chắc thông tin tàu thuyền đang hoạt động trên biển; thông báo cho các chủ phương tiện về diễn biến của bão để chủ động tìm nơi tránh trú an toàn, giữ thông tin liên lạc đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra.
Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn các công trình đê điều, thủy lợi, công trình đang thi công; sẵn sàng các phương án phòng chống ngập lụt khu vực trũng thấp, khu đô thị, khu công nghiệp, sản xuất nông nghiệp.
Bão số 2 đã mạnh lên một cấp và vẫn đang di chuyển về phía đất liền nước ta, gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ từ chiều tối nay (10/8).
Nguồn: [Link nguồn]