Bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong 2 giờ qua, bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Lúc 6 giờ ngày 28/7, ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10. Tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông; trên khu vực đất liền các tỉnh Nam Đồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9.
Dự báo, trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thêm. Mưa to đến rất to tập trung ở các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Hòa Bình.
Các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 8-9, vùng ven biển cấp 10, gió giật mạnh cấp 10-13; các nơi khác ở ven biển và đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10; ở Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7. Trong 6-12 giờ vừa qua, ở các tỉnh ven biển Đông Bắc và Đồng Bằng Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-100mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Nam Định 126mm, Ninh Bình 173mm, Thái Bình 186mm.
Đến 16 giờ ngày 28/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/h).
Do ảnh hưởng của bão sau suy yếu thành vùng áp thấp, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) sáng nay (28/7) còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Hòa Bình có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9-11.
Các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt do bão số 1 gây ra phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Việt Bắc và Tây Bắc.
Tại Hà Nội: Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, từ đêm qua, gió đã mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, mưa rất to, lượng mưa khoảng 100-200mm.
Sáng 28/7, mưa lớn vẫn tiếp tục đổ xuống kèm theo gió lớn rít mạnh, khả năng cao xảy ra úng ngập tại 16 điểm ngập nghiêm trọng của thành phố.
Cây đổ ngang đường đè vào ô tô ngã tư Lê Thánh Tông- Trần Hưng Đạo: Ảnh Nguyễn Ngọc Khánh
Gió giật mạnh, mưa lớn, cây đổ gục trên đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên. Đường xá thưa thớt bóng người dù đã sắp tới giờ cao điểm.
Khoảng 3h sáng 28/7, do ảnh hưởng của bão số 1, mưa kèm gió lớn bắt đầu quật mạnh và càng lúc càng tăng về cường độ. Đến gần 6h sáng, gió bão vẫn gầm rít rất mạnh, nhiều tuyến đường đã ngập sâu, cây cối đổ ngổn ngang.
Ghi nhận của phóng viên, trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, Chùa Bộc, Tây Sơn, đường Láng..cây đổ ngổn ngang. Nhiều cây lớn đổ chắn ngang đường, đè lên cả ô tô. Một số biển quảng cáo bị hất tung.
Để chủ động phòng chống úng ngập khi có mưa lớn, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Công ty Thoát nước Hà Nội yêu cầu các phòng, ban nghiệp vụ và các xí nghiệp trực thuộc thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; bố trí 100% lực lượng công nhân ứng trực 24/24h tại các vị trí thường xuyên xảy ra úng ngập. Các đơn vị kiểm tra, rà soát lại các phương tiện, thiết bị, kho vật tư phòng chống lụt bão, đảm bảo sẵn sàng theo phương án được duyệt.
Tại Nam Định, từ khoảng 22 giờ, gió giật cấp 10, có mưa lớn và sấm sét. Huyện Hải Hậu đã sơ tán 47 hộ dân với 100 nhân khẩu ở vùng có khả năng ngập lụt và 1.000 nhân viên phục vụ tại hơn 200 nhà hàng ở Khu du lịch Thịnh Long đến nơi an toàn.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Nam Định, lúc 15h ngày 27/7, Đồn Biên phòng Quất Lâm cứu nạn thành công 3 ngư dân ở trên ở trên tàu bị sóng to, gió lớn đánh chìm. Được biết, chiếc tàu trên mang số hiệu NĐ-91737 CS do anh Lê Văn Tuấn (SN 1989), ở thị trấn Quất Lâm, làm thuyền trưởng khi tàu đang ở cửa sông Sò-Hà Lạn ở xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu.
Cây đổ ở đường Trường Chinh, TP. Nam Định: Ảnh Tuấn Chính
Trước đó, trên đường chạy trú bão, 2 tàu cá của ngư dân Nam Định đã bị sóng đánh chìm tại cửa biển Ba Lạt, gần Quất Lâm. Các thuyền viên kịp thoát ra ngoài, bơi vào bờ an toàn.
Hiện nay các khu vực ven biển Nam Định đang bị cắt điện để đảm bảo an toàn.
Tại Thái Bình, mưa và gió rất to làm đổ cột, đứt dây trên các đường dây trung thế, hạ thế khiến việc mất điện xảy ra trên diện rộng. Nhiều cây cối, biển hiệu ven đường cũng bị gió quật gãy, đổ.
Theo Công ty Điện lực Thái Bình, do gió cấp 6 trở lên kèm theo giật mạnh nên Công ty không điều động nhân viên xuống hiện trường khắc phục sự cố ngay vì lo nguy hiểm đến tính mạng nhân viên. Sáng 28/7, việc khắc phục sự cố mất điện sẽ được triển khai.
Tại Ninh Bình, bão số 1 đã gây mưa to từ khoảng 21 giờ tối, gió giật cấp 7-9. Huyện Kim Sơn – một điểm xung yếu mỗi mùa mưa bão đang được tỉnh chỉ đạo tăng cường tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập…
Tại Hải Phòng, dù nằm cách xa tâm bão nhưng các vùng ven biển gió đang mạnh lên, mưa như trút nước.
Tại Thanh Hóa: Mưa to, gió lớn xảy ra ở nhiều khu vực với tổng lượng mưa ước tính cả đợt khoảng 100-200mm. Huyện Nga Sơn, một số hộ dân bị gió lớn hất tung mái ngói, buộc phải di dời trong đêm.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng. Các sông xuất hiện một đợt lũ với mực nước dâng ở thượng lưu 2-5m, hạ lưu 1-3m.
Sóng biển dữ dội ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Ảnh Báo Giao thông.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương, hồi 23 giờ ngày 27/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ vĩ Bắc; 106,2 độ kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh Thái Bình-Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 11-13.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 28/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 105,1 độ Kinh Đông, trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 7-8.
Do ảnh hưởng của bão sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-12. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11-13. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/h).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt do bão số 1 gây ra phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc Đông Bắc, Việt Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Vùng ven biển gió đang mạnh lên, mưa như trút nước.