Bão Rammasun vào Biển Đông có “xua đuổi” giàn khoan TQ?

“Tâm bão Rammasun ít có khả năng đổ bổ trực tiếp vào khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép nhưng sẽ gây ảnh hưởng gió cấp 8, 9. Với sức gió này, Trung Quốc sẽ phải ngừng các hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở vùng biển”.

Tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, bão Rammasun sẽ đổ bộ vào Biển Đông vào trưa ngày 16/7.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, bão Rammasun hướng vào Biển Đông với cường độ lớn rất có thể đe dọa được giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, đang hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay, đây là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, có diễn biến phức tạp. Do vậy, người dân phải chú ý theo dõi các bản tin tiếp theo để chủ động phòng tránh.

Bão Rammasun vào Biển Đông có “xua đuổi” giàn khoan TQ? - 1

Đường đi của cơn bão Rammasun

“Khi đi vào Biển Đông, tâm bão Rammasun ít có khả năng đổ bộ trực tiếp vào khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép nhưng sẽ  gây ra gió cấp 8, 9. Với sức gió này, Trung Quốc sẽ phải ngừng các hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở vùng biển. Sức gió cấp 9 sẽ không lớn đến mức khiến Trung Quốc phải sơ tán giàn khoan về nước”, ông Hải nhận định.

Theo ông Hải, dự báo sau khi đi vào Biển Đông, bão Rammasun có khả năng di chuyển theo hướng tây tây bắc sau đó chạy dọc lên khu vực phía bắc.

“Trong trường hợp Trung Quốc nhân cơ hội bão vào Biển Đông mà rút giàn khoan về nước cho khỏi bẽ mặt thì đó lại việc tốt. Còn không đến khoảng tháng 9, hoặc tháng 10, khi có nhiều cơn bão cường độ mạnh đổ bộ vào Biển Đông kiểu gì Trung Quốc cũng phải di chuyển giàn khoan về nước”, ông Hải chia sẻ.

Ông Hải cho biết thêm, mùa mưa bão năm nay, Việt Nam sẽ đón khoảng 10 đến 12 cơn bão. Trước khi mùa mưa bão diễn ra, đã có 2 cơn áp thấp nhiệt đới hình thành. Những cơn bão lớn thường tập trung vào tháng 9,10, 11.

Ông Lê Huy Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho hay, thông thường những cơn bão hình thành ở  phía ngoài khu vực Thái Bình Dương đi qua Philippines vào Biển Đông có cường độ mạnh. Thậm chí, có cơn bão khi vào Biển Đông còn tăng thêm cấp. 

“Giàn khoan của Trung Quốc được thiết kế thành một khối vững chắc. Tuy nhiên, nếu giả sử tâm bão Rammasun đổ bộ qua khu vực giàn khoan thì Trung Quốc phải di chuyển đi nơi khác, hoặc về nước. Lực lượng tàu hộ vệ bao quanh giàn khoan Hải Dương 981 cũng không thể chịu được sức gió cấp 11, 12”, ông Minh chia sẻ.

Ông Minh cũng cho hay, giàn khoan của Trung Quốc chạy với vận tốc 3-4 hải lý/giờ. Như vậy, nếu phải dịch chuyển giàn khoan đi nơi khác, hoặc đưa về nước thì Trung Quốc phải làm ngay từ ngày hôm nay (15/7) mới kịp tránh bão.

Ngày 1/5, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với sự hộ tống của nhiều tàu quân sự.

Giàn khoan Hải Dương 981 là giàn khoan biển sâu di động có kích cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất và do Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sở hữu.

Hải Dương 981 dài 114 m, rộng 90 m, cao 137,8 m và nặng 31.000 tấn; diện tích boong của giàn khoan có kích thước bằng một sân bóng đá chuẩn. Giàn khoan này có khả năng khoan sâu tối đa 12.000 m.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Bão số 2: Thần Sấm Rammasun Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN