Bão Noru: Philippines báo động cấp thảm họa, Việt Nam căng mình ứng phó

Sự kiện: Tin bão Bão số 4 Noru

Nhận định Noru là cơn bão rất mạnh, di chuyển rất nhanh nên các tỉnh miền Trung khẩn trương triển khai ứng phó từ ngay khi bão chưa vào Biển Đông.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ chiều nay (25/9), bão Noru đang ở cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Philippines đã ban hành cảnh báo cấp độ tín hiệu 5 – mức thảm họa cho bão Noru đối với quốc gia này.

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão Noru. (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG)

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão Noru. (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG)

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km; khoảng chiều tối đến tối nay, bão sẽ đi vào Biển Đông trở thành bão số 4 năm 2022.

Với sức gió cấp 15, giật trên cấp 17 (cấp 18-19), ở ngoài khơi sóng biển dữ dội, sức phá hoại cực kỳ lớn, các tàu trọng tải lớn cũng phải tránh bão khẩn cấp.

Ở thời điểm hiện tại, cơ quan khí tượng Việt Nam dự báo, bão Noru sẽ ảnh hưởng đến đất liền miền Trung với vùng tâm bão rất rộng, kéo dài từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Hoàn lưu bão có thể còn ảnh hưởng và gây mưa đến vùng lân cận các tỉnh trên.

Nhận định đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển rất nhanh nên cơ quan khí tượng cảnh báo các tỉnh Trung Bộ cần khẩn trương triển khai các phương án ứng phó, xong trước ngày 27/9 – thời điểm bão Noru bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền.

Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho hay, tính đến sáng nay (25/9), nhiều tỉnh ở miền Trung đã và đang tập trung triển khai công tác ứng phó bão.

Cụ thể:

Nghệ An: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương thu hoạch các loại cây trồng; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, theo dõi tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khí có các tình huống.

Đối với các địa phương vùng núi, chủ động triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt.

Từ 20 giờ, ngày 24/9/2022, Nhà máy Thủy điện Chi Khê (xã Chi Khê, huyện Con Cuông) cũng đã tiến hành xả lũ hồ chứa thủy điện; lưu lượng xả từ 520 m3/s - 900 m3/s.

Thành phố Đà Nẵng: Từ chiều ngày 24/9, ông Trần Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp triển khai công tác phòng chống mưa bão trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố Đà Nẵng đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành của thành phố khẩn trương triển khai các phương án phòng chống bão lụt.

Chủ tịch UBND các quận, huyện trực tiếp làm tổng chỉ huy triển khai thực hiện công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn... và chịu trách nhiệm về công tác này trên địa bàn quản lý; chỉ đạo các địa phương phối hợp các lực lượng công an, quân đội tổ chức chằng chống nhà cửa, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...

Công nhân Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng khẩn trương rong tỉa cây xanh trên các tuyến phố để hạn chế ngã đổ do bão Noru

Người dân miền Trung cần khẩn trương hoàn thành công tác ứng phó bão trước ngày 27/9. Ảnh TPO

Người dân miền Trung cần khẩn trương hoàn thành công tác ứng phó bão trước ngày 27/9. Ảnh TPO

Tỉnh Phú Yên: Ngày 25/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị, cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến của bão để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho nhân dân chủ động phòng tránh.

Lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ người dân triển khai các giải pháp bảo vệ người và tài sản tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản...

Đối với tàu thuyền đang hoạt động trên biển, các cơ quan chức năng phải khẩn trương thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện về diễn biến của bão NORU; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến cảng đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp...

Tỉnh Quảng Trị: Tính đến 7h sáng ngày 25/9, 2.302 chiếc thuyền với 6.136 thành viên trên địa bàn tỉnh đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão Noru. Trong đó, có 2.293 chiếc tàu nội tỉnh với 6.050 thuyền viên neo đậu an toàn tại bến của tỉnh; 9 chiếc thuyền ngoại tỉnh với 72 thuyền viên đang vào neo đậu tránh trú tại địa phương.

Tỉnh Khánh Hòa: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã cùng với các sở ngành, địa phương triển khai các phương án sẵn sàng nhân lực, vật lực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, trực ban 24/24 giờ để ứng phó kịp thời.

Đến 6 giờ sáng 25/9, trên địa bàn tỉnh có 6 hồ chứa nước đang tiến hành xả điều tiết nhằm hạ thấp mực nước để chủ động ứng phó với khả năng mưa lớn trong những ngày tới.

Nguồn: [Link nguồn]

Khánh Hoà xả nước 6 hồ chứa để ứng phó bão Noru

Tỉnh Khánh Hoà có 6 hồ chứa nước đang tiến hành xả điều tiết nhằm hạ thấp mực nước để chủ động ứng phó với khả năng mưa lớn trong những ngày tới do bão Noru.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảng Anh ([Tên nguồn])
Tin bão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN