Bao nhiêu phụ nữ làm lãnh đạo chủ chốt ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ?
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt 95% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 8.2017, có 11/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến là nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ hiện nay. (Ảnh: VPQH)
Tăng tỷ lệ cán bộ nữ nhưng không đạt chỉ tiêu
Ngày 13.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Mục tiêu “tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”, trong đó phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên 35%.
Tuy nhiên, kết quả Đại hội Đảng bộ, chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tại cả 3 cấp cơ sở, huyện, tỉnh mặc dù có tăng hơn nhiệm kỳ trước, nhưng không đạt tỷ lệ 25% đề ra.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt 95% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 8.2017, có 11/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt (giảm so với năm 2016).
Có 16/63 địa phương có nữ lãnh đạo chủ chốt (gồm 1 địa phương có nữ giữ chức danh Chủ tịch UBND tỉnh và 15 địa phương có nữ giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh), chiếm tỷ lệ 25,39%.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016-2021 và tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong cả 2 nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021 đều chưa đạt chỉ tiêu mặc dù có xu hướng tăng.
Tỷ lệ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt cao nhất là 50% vào năm 2013 và 2014 nhưng lại giảm dần trong 3 năm gần đây, nếu so với chỉ tiêu đạt 95% vào năm 2020 thì khoảng cách còn rất xa.
Lo ngại phụ nữ thất nghiệp sau 35 tuổi
Góp ý vào báo cáo, Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội - cho rằng: Vừa qua Trung ương có 3 ủy viên Bộ Chính trị là nữ. Như vậy ở Trung ương đã tăng tỷ lệ nữ là lãnh đạo chủ chốt nhưng địa phương lại không tăng. Do đó, trong quy hoạch cán bộ phải ưu tiên cho cán bộ nữ để làm sao đủ quy hoạch.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, hiện nay có tình trạng tại nhiều khu công nghiệp, nữ công nhân trên 35 tuổi phải nghỉ việc vì doanh nghiệp cơ cấu lại lao động và tìm người trẻ thay thế. Những người trên 35 tuổi sau khi nghỉ việc ở nhà máy trở về quê tìm việc rất khó khăn. Đây là vấn đề cần phải có sự quan tâm hơn nữa.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - bổ sung: "Tại nhiều kỳ họp Quốc hội gần đây, cử tri phản ánh cho rằng việc sử dụng lao động trẻ tại các khu chế xuất nên sa thải hàng loạt lao động sau 35 tuổi. Trong 1,2 triệu lao động thất nghiệp sau 35 tuổi trong đó lao động nữ chiếm 80%. Nhiều lao động nữ nói với tôi sáng đi làm nhưng chiều nhận ngay quyết định sa thải với lý do không rõ ràng và không được quyền khiếu nại. Do hành lang pháp lý không quy định rõ ràng, nên có hiện tượng “vắt chanh bỏ vỏ” đối với người lao động, nhất là đối với những người làm lao động giản đơn".
Chốt lại vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, trong quản lý Nhà nước về bình đẳng giới còn thách thức, các chỉ tiêu chưa đạt đều liên quan đến cuộc sống hằng ngày của phụ nữ, chất lượng sống của phụ nữ. Chính vì thế trong giáo dục, lao động việc làm, văn hóa, gia đình cần quan tâm đến phụ nữ, đặc biệt là sự quan tâm của các cấp ủy Đảng bộ.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân vừa chính thức trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.