Báo Mỹ: Putin đã thắng trên ván cờ Ukraine
Một tờ báo Mỹ bình luận rằng Putin đã giành thắng lợi trên bàn cờ chiến lược Ukraine trước Mỹ và phương Tây.
Ngày 6/3, tờ USAToday của Mỹ đã đăng một bài phân tích của nhà báo David Andelman, Tổng biên tập tạp chí World Policy Journal về tình hình Ukraine hiện nay và “chiến thắng” của Tổng thống Nga Vladimir Putin trên ván cờ chiến lược ở khu vực này.
Theo ông Andelman, về cơ bản, Tổng thống Putin đã giành chiến thắng trong cuộc chơi này, hay ít nhất là ông ấy tin như vậy, và ở những nơi như Ukraine hoặc các khu vực lân cận Nga, đó mới là điều quan trọng.
Vì sao lại như vậy? Đầu tiên, ông Putin trên thực tế đã hoàn toàn kiểm soát được bán đảo Crimea, khu vực mà ông tin là phải kiểm soát được nhằm củng cố vị thế của Nga trên vùng Biển Đen và cửa ngõ hướng ra Địa Trung Hải.
Thứ hai, ông Putin đã đặt được hầu hết khu vực miền đông Ukraine vào trong vòng bảo vệ của mình. Ít nhất ông cũng thiết lập được điều đó đối với đông đảo Nga kiều và những người thân Nga ở đây, đồng thời cắm một cột mốc “chủ quyền” trước những đối thủ khác, đó là Mỹ và Tổng thống Barack Obama, Liên minh châu Âu, và đặc biệt là người dân Ukraine ở hai miền đông tây đất nước.
Đối với các đối thủ này, hiện ông Putin đang chuẩn bị cho trò chơi chờ đợi. Ông chắc chắn sẽ giành thắng lợi trước bất cứ cuộc trưng cầu dân ý nào tổ chức ở Crimea, bởi 60% dân số ở đây là người gốc Nga.
Ông Putin cũng có thể chờ đợi cho đến cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Ukraine và sẽ dùng ảnh hưởng của mình để giành thắng lợi, đồng thời chờ đợi phương Tây đánh mất lợi ích của mình ở đây. Tất cả những gì ông Putin cần phải làm là lặp lại những gì đã diễn ra ở Gruzia cách đây vài năm, nơi sự kiên nhẫn của ông sau một cuộc chiến tranh chớp nhoáng đã giúp Nga kiểm soát được Abkhazia và Nam Ossetia, đồng thời trung lập hóa phần còn lại của Gruzia.
Trước đây Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nói rằng ông Putin “đang sống ở một hành tinh khác”. Tuy nhiên, theo nhà báo Andelman, là một cựu nhân viên KGB, ông Putin có cái nhìn rất thực tế về tình hình đang diễn ra. Ông Putin hiểu rõ phương Tây hơn phương Tây hiểu về mình.
Khi vướng vào một vấn đề nào đó mà cái giá phải trả là quá cao, phương Tây sẽ tìm cách nhẹ nhàng tránh sang một bên với phí tổn ít nhất có thể, giống như những gì họ đã làm trong cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học ở Syria. Ngay cả Liên minh châu Âu (EU) cũng bị chia rẽ sâu sắc trước cách phản ứng với Putin, bởi một lẽ Nga đang kiểm soát hệ thống đường ống khí đốt tối quan trọng cung cấp cho châu Âu.
Hơn hết thảy, Putin hiểu rằng lợi ích của Mỹ và EU sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng giống như Nga nếu một cuộc đối đầu toàn diện nổ ra. Có lẽ vì vậy mà ngoài những lời hô hào và đe dọa tẩy chay, cấm vận cùng nhiều hoạt động ngoại giao khác, Mỹ và phương Tây không hề đả động gì đến biện pháp quân sự có thể dẫn đến một cuộc đụng độ lớn với Nga.
Nga đã gần như kiểm soát được toàn bộ bán đảo Crimea
Tuy nhiên trong những nước cờ cuối cùng của Putin còn ẩn chứa những toan tính còn phức tạp hơn nữa. Putin nhận ra rằng ông ta đã trở thành một nhân vật quan trọng trên trường quốc tế trong việc đưa ra các sáng kiến nhằm duy trì hoặc vãn hồi hòa bình, trật tự ở những điểm nóng nhất trên toàn cầu.
Trong những cuộc đàm phán với Iran về vấn đề hạt nhân, Nga đã đóng một vai trò rất quan trọng, đặc biệt là sau khi Putin nhấn mạnh rằng ông không còn là người ủng hộ nhiệt thành cho chương trình hạt nhân của Iran.
Cũng như vậy, trong cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học ở Syria, Putin đã đưa ra một phương án “vẹn cả đôi đường” cho cả Nga và Mỹ, đó là buộc Syria phải tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học của mình. Nếu không có phương án do Nga đề xuất, rất có thể hai cường quốc hàng đầu thế giới đã lại rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trong cuộc khủng hoảng này.
Tất nhiên Nga cũng có nhiều lý do nội tại buộc Putin phải biến một cuộc đối đầu cận chiến thành trò chơi chờ đợi. Đầu tiên là thị trường chứng khoán của Nga đã bị giảm 11% kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine lên cao. Kinh tế đi xuống không phải là điều gì tốt đẹp cho cả nước Nga và Putin trong hoàn cảnh hiện nay.
Xét về lâu dài, sự kiên nhẫn có thể chính là thứ vũ khí lợi hại nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. Vấn đề là liệu Mỹ và phương Tây có đủ kiên nhẫn để giành chiến thắng trước Putin trong ván cờ cân não này hay không.