Bảo mẫu đánh chết trẻ có thoát tội giết người?

Những ngày qua dư luận phẫn nộ việc cháu Đỗ Nhất Long bị bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ đánh chết. Nhiều câu hỏi được đặt, với hành vi dùng chân đạp cháu bé tử vong, bảo mẫu Nhờ sẽ bị xử lý như thế nào?

Bảo mẫu tra tấn trẻ có thể tại ngoại?

Trao đổi với PV về hành vi dùng chân đạp cháu bé đến tử vong của bảo mẫu Nhờ, luật sư Phạm Tấn Thuấn – Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết, hành vi của bảo mẫu Nhờ có dấu hiệu phạm vào một trong hai tội giết người (được quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự có khung hình phạt cao nhất là tử hình) hoặc tội “cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” với khung hình phạt cao nhất 15 năm tù (được quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự).

“Theo tôi, để xác định tội danh chính xác đối với bảo mẫu Nhờ điều quan trọng là cần phải xác định được ý thức chủ quan của Nhờ có muốn tước đoạt mạng sống của cháu Long hay không và mong muốn, bỏ mặt cho cháu Long cho đến chết. Nếu bảo mẫu Nhờ có ý định sát hại cháu Long từ đầu thì khó thoát khỏi tội danh “giết người” nhưng nếu chỉ do không kiềm chế mà lỡ tay đánh cháu Long khiến cháu bé tử vong thì bảo mẫu Nhờ phạm tội “cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”, luật sư Thuấn nhận định.

Bảo mẫu đánh chết trẻ có thoát tội giết người? - 1

Luật sư Phạm Tấn Thuấn - Đoàn Luật sư TP.HCM: “Theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo mẫu Nhờ sẽ không bị tạm giam trong quá trình điều tra vụ án”

Cũng theo luật sư Phạm Tấn Thuấn, qua những thông tin báo chí nêu và thực tế cho thấy bảo mẫu Nhờ không có động cơ, mục đích để thực hiện hành vi sát hại cháu Long; không cố ý tước đoạt mạng sống cháu bé. “Chỉ vì thấy cháu Long khóc không chịu ăn cơm, Nhờ bế cháu bé lên dọa nhưng tuột tay làm bé té xuống nền nhà. Thấy bé khóc thét, Nhờ lại dùng chân đạp mạnh lên ngực và bụng cháu. Hậu quả là cháu Long chết. Việc bảo mẫu Nhờ đánh cháu Long là nhằm đe dọa cháu bé để cháu sợ mà nín khóc nhưng do ra đòn quá mạnh làm cháu Long tử vong. Với những tình tiết này, cũng như việc thu thập các chứng cứ khác trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng sẽ xác định tội danh của đối tượng Nhờ đề điều tra, truy tố, xét xử”, luật sư Thuấn cho biết.

Xung quanh thông tin đối tượng Nhờ đang có con nhỏ 2 tuổi, luật sư Thuấn cho biết theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo mẫu Nhờ sẽ không bị tạm giam trong quá trình điều tra vụ án.

“Con tôi luôn khóc đòi mẹ”

Đến nay, Công an quận Thủ Đức đã bàn giao đối tượng Hồ Ngọc Nhờ (SN 1995, quê Cần Thơ, tạm trú phường Linh Trung, quận Thủ Đức) cho Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) – Công an TP.HCM điều tra theo thẩm quyền về hành vi giết người.

Theo anh Phan Thanh Sơn (SN 1991, quê Cần Thơ, chồng của Nhờ), anh cùng Nhờ chung sống với nhau không đăng ký kết hôn khi ở quê Cần Thơ. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng Sơn cùng mẹ và em gái từ miền Tây dắt díu nhau lên TP.HCM tìm kiếm việc làm mưu sinh.

Vợ chồng Sơn từng làm ở xưởng gỗ, nhưng sau khi sinh đứa con trai đầu lòng Nhờ chỉ ở nhà nội trợ. Thương chồng ngày đêm vất vả, Nhờ nhận trông giữ trẻ tại phòng trọ để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Thời gian gần đây, Nhờ xảy ra trục trặc với mẹ chồng nên dọn về phòng trọ khác ở riêng. Từ khi về nhà trọ mới chỉ có vợ chồng anh anh Đỗ Trọng Đức (SN 1984, quê Bình Định) và chị Võ Thị Huyền (SN 1989, quê Nghệ An) tin tưởng gửi cháu Đỗ Nhất Long (SN 2012) cho Nhờ trông nom.

Bảo mẫu đánh chết trẻ có thoát tội giết người? - 2

Bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ tại cơ quan điều tra

Trưa 16/11, khi thấy cháu Long không chịu ăn uống, khóc nhè, Nhờ xách tay cháu lên hù dọa, nhưng không may làm cháu rơi xuống đất. Lú đó, thay vì đưa cháu đi bệnh viện cấp cứu, Nhờ lại nhẫn tâm dùng chân đạp lên bụng và ngực hai cái khiến cháu Long tử vong.

Theo anh Sơn, bình thường Nhờ là người hiền lành, sống hòa đồng với mọi người chung quanh. Thế nhưng, thời gian gần đây Nhờ sống có phần khép kín, tâm lý không bình thường. “Tôi không tin vợ tôi lại hành động một cách dại dột như thế với cháu bé mới 18 tháng tuổi, có lẽ hôm đó “tâm lý cô ấy không bình thường””, anh Sơn nói.

Sơn rơm rớm nước mắt, bảo: “Từ khi vợ tôi bị bắt cho đến nay, con trai tôi đêm nào cũng khóc đòi mẹ, tôi nghe mà lòng đau như cắt. Tôi biết vợ tôi đã gây ra tội ác tày đình, nhưng xin gia đình anh Đức – chị Huyền rộng lòng tha thứ cho cô ấy cơ hội làm lại cuộc đời. Vợ chồng tôi đang bàn tết năm nay sẽ về quê đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh cho con trai, không ngờ lại xảy ra chuyện”.

Khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của  người khác.

1……..

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3……..

Khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự: Tạm giam

1. Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;

b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

2. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;

b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;

c) Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

3. Những người có thẩm quyền ra lệnh bắt được quy định tại Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.

4. Cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam và cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam cư trú hoặc làm việc biết.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hưng Văn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN