Bão Kujira gây mưa lớn khi đổ bộ vào Quảng Ninh
Dự kiến vào đêm nay (23.6) bão Kujira sẽ đổ bổ vào Quảng Ninh, vùng đổ bộ trọng tâm là TP. Hạ Long, cường độ bão cấp 8,9. Sau khi bão đổ bộ, các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc giang có mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 200-300mm.
Chiều ngày 23.6, tại Văn Phòng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan ban ngành về phương án đối phó với bão Kujira.
Tại đây, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sáng nay (23.6), bão Kujira đã vào vịnh Bắc Bộ, cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11.
Lúc 14h ngày 23.6, bão di chuyển theo hướng Tây, cường độ bão cấp 8-9, giật cấp 10-11. Tại đảo Bạch Long Vỹ đã có gió giật cấp 8,9. Hiện tại, bão Kujira đang hướng vào vùng biển Quảng Ninh, với cường độ cấp 9, giật cấp 10-11.
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển và Nông thôn đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan ban ngành đoàn thể về phương án đối phó với bão số 1.
Theo ông Cường, dự báo vào khoảng thời gian từ 22h đêm ngày 23.6 đến 1h ngày 24.6, bão Kujira sẽ đổ bộ vào Quảng Ninh, trong đó vùng trọng tâm bão đổ bộ là TP. Hạ Long. Cường độ bão khi đổ bộ ở cấp 8,9. Sau khi bão đổ bộ sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Ông Cường cho biết, sau khi bão đổ bộ, vùng trung du Bắc Bộ có mưa từ 50-100mm. Riêng khu Đông Bắc có lượng mưa phổ biến từ 200-300mm. Trong đó, trọng tâm mưa ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn. Các vùng Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất.
Từ chiều tối ngày 23.6, vùng biển Quảng Ninh có gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Các tỉnh thành phố Hải Phòng, Bắc Giang, Lạng Sơn, có gió giật cấp 7-8.
Cũng theo ông Cường, bắt đầu từ ngày 24.6, khu vực TP. Hà Nội bắt đầu có mưa, lượng mưa trên dưới 100mm.
“Với lượng mưa này, khả năng xảy ra ngập úng ở Hà Nội sẽ không xảy ra, nhưng những cơn lớn cục bộ trong nhiều giờ liền có thể ảnh hưởng tới các phương tiện khi lưu thông trên đường”, ông Cường nói thêm.
Kết thúc buổi họp, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, theo dự báo, sau khi bão đổ bộ, tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, mưa lớn, lượng mưa có nơi có thể đến 400mm.
Do vậy, ông Cao Đức Phát yêu cầu lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, trước 17h chiều ngày 23.6, phải kêu gọi các tàu, thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt, phải lưu ý đến tàu du lịch, tàu vận tải…
Đối với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, lãnh đạo phải có phương án đề phòng khi sự cố sạt lở, lũ quét xảy ra; phải đi xuống các địa phương, vùng núi có nguy cơ sạt lở núi kiểm tra. Lãnh đạo các tỉnh này phải cương quyết không để dân ở trong những vùng nguy hiểm.
“Cơn bão Rammasun năm 2014 có đường đi giống hệt cơn bão Kujira đang chuẩn bị đổ bổ vào Quảng Ninh. Khi bão Rammasun vào đất liền có cường độ nhẹ, nhưng gây mưa lớn.Trận bão đó làm chết 31 người chết, 1 người mất tích, trong đó nặng nề nhất là các tỉnh Lạng Sơn 6 người; Hà Giang 8 người; Lào Cai 4 người; Lai Châu 7 người. Nguyên nhân chủ yếu là do sạt lở núi và đi qua dòng nước xoáy. Do vậy, các địa phương ảnh hưởng của bão Kujira phải hết sức đề phòng, không chủ quan khi bão đổ bộ”, Bộ trưởng Phát nói.