Bảo hiểm xã hội nói về những ca chi bảo hiểm tiền tỉ

Sự kiện: Thời sự

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, về trung hạn, quỹ vẫn cân đối được thu chi.

Vừa qua, bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm (36 tuổi, ngụ huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) xuất viện sau 11 năm điều trị tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM) và được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả số tiền lên đến 38,3 tỉ đồng.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho rằng đây không phải là trường hợp hy hữu, bởi thời gian qua nhiều người bệnh cũng được quỹ BHYT chi trả số tiền “khủng” như vậy.

Anh Phan Hữu Nghiêm bị bệnh máu khó đông được bảo hiểm y tế chi trả hơn 38 tỉ đồng cho 11 năm điều trị đang chia tay bác sĩ để xuất viện về nhà. Ảnh: HOÀNG LAN

Anh Phan Hữu Nghiêm bị bệnh máu khó đông được bảo hiểm y tế chi trả hơn 38 tỉ đồng cho 11 năm điều trị đang chia tay bác sĩ để xuất viện về nhà. Ảnh: HOÀNG LAN

Thoát ngặt nhờ bảo hiểm y tế

Theo kết quả ghi nhận từ hệ thống thông tin giám định BHYT (BHXH Việt Nam), gần đây nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhờ quỹ BHYT chi trả các chi phí khám và điều trị bệnh.

Chẳng hạn như bệnh nhân có mã thẻ HC49191120XXXXX (địa chỉ tại ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải, TP Hà Tiên, Kiên Giang), thuộc đối tượng do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng.

Bệnh nhân này điều trị hai đợt tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM). Đợt 1, điều trị ba tháng với tổng chi phí là 7,95 tỉ đồng. Trong đó, chi phí lớn nhất là tiền thuốc 7,80 tỉ đồng, tiền xét nghiệm 22,91 triệu đồng... Số tiền đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 6,36 tỉ đồng.

Đợt 2, bệnh nhân này điều trị 10 ngày, tổng chi phí điều trị là 3,07 tỉ đồng. Trong đó, riêng chi phí thuốc lên tới 3,06 tỉ đồng... Số tiền đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 3,07 tỉ đồng.

Một trường hợp khác là bệnh nhân có mã thẻ BT28383222XXXXX (ngụ xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, Bến Tre), thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đóng.

Bệnh nhân này cũng điều trị hai đợt tại BV Chợ Rẫy, tổng chi phí điều trị và đề nghị quỹ thanh toán là 5,68 tỉ đồng. Trong đó, riêng tiền thuốc 5,63 tỉ đồng, tiền máu 13,4 triệu đồng...

Còn bệnh nhân có mã thẻ BT28686216XXXXX (ngụ ấp Trung Trạch, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long), thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đóng.

Bệnh nhân này có bốn đợt điều trị bệnh tại BV Chợ Rẫy, tổng số tiền mà BHYT phải chi trả là hơn 8 tỉ đồng.

Không lo vỡ quỹ trong tương lai gần

88 triệu người đang tham gia BHYT trên cả nước, chiếm 90,85% dân số. Trong năm 2020, BHXH đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trên 167,2 triệu lượt người nội trú và ngoại trú, tăng 28,4% so với năm 2015.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết việc bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hàng tỉ đồng/đợt điều trị cho thấy BHYT xã hội là chính sách đầy tính nhân văn, khác xa so với BHYT thương mại. Nghĩa là người lao động chỉ đóng theo tỉ lệ % lương (4,5%) nhưng mức hưởng thì không giới hạn.

Tất nhiên, mức hưởng của người bệnh còn phụ thuộc vào từng nhóm đối tượng được ghi trên thẻ BHYT (với mức hưởng 80%-100%) và theo danh mục thuốc, vật tư y tế… được quỹ thanh toán.

Các bệnh nhân có chi phí điều trị cao thường mắc các bệnh về máu, ung thư… có thời gian điều trị dài ngày và phải sử dụng các loại thuốc đắt tiền.

“Đây là quyền lợi của người tham gia và ngành bảo hiểm phải đảm bảo quyền đó cho họ…” - ông Sơn khẳng định.

Không giới hạn quyền khám của người tham gia BHYT

Ông Nguyễn Trung Quý, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, cho rằng khi người dân đến cơ sở khám chữa bệnh xuất trình đầy đủ các thủ tục, cơ sở khám chữa bệnh có nhiệm vụ tiếp nhận, làm các thủ tục ban đầu và tổ chức khám cho bệnh nhân.

Trên cơ sở chứng từ được cơ sở khám chữa bệnh xác lập, ngành bảo hiểm sẽ thanh toán đầy đủ cho người bệnh. “Không có quy định nào hạn chế quyền khám chữa bệnh bằng BHYT của người dân. Còn trách nhiệm của ngành bảo hiểm sẽ xác định trường hợp nào trục lợi, trường hợp nào không…” - ông Quý cho hay.

Một số bạn đọc lo ngại rằng năm 2019, giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng 2%-10%, ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân được cải thiện nên đi khám bệnh nhiều hơn, liệu quỹ BHYT có cân đối được thu chi hằng năm?

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Lương Sơn cho rằng bài toán cân đối quỹ luôn rất khó, đau đầu và đầy thách thức không chỉ với Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, Việt Nam có phần may mắn khi Luật BHYT sửa đổi 2014 đã điều chỉnh nhóm đối tượng và có chính sách khuyến khích để tăng số lượng người dân tham gia. Chính vì vậy, đến nay, trên 90% dân số Việt Nam tham gia BHYT.

Cạnh đó, thời gian trước đây quỹ BHYT cũng có kết dư nên về trung hạn, quỹ cân đối được thu chi.

“Tuy nhiên, việc thu chi hằng năm đang mất cân đối, chi nhiều hơn thu. Nên mỗi năm chúng tôi phải xây dựng dự toán, từ đó bù đắp một phần rất lớn chi phí, khoảng 10.000-20.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng kết dư của quỹ mới đủ chi…” - ông Sơn nói.

Để giải bài toán trên trong dài hạn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng cần phải điều chỉnh mức đóng BHYT. Bởi vì hiện nay người dân đóng vào quỹ trung bình 30-50 USD/người, trong khi mức hưởng lên đến 100-200 USD/người.

“Nên việc đề nghị tăng mức đóng vào quỹ BHYT vừa qua nhận được đồng thuận cao từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành. Tuy nhiên, thời điểm, đối tượng, mức tăng như thế nào chúng tôi sẽ tính toán cho phù hợp. Chẳng hạn, chúng ta chỉ tăng đối với đối tượng đang đóng thấp; với hộ cận nghèo, người tham gia bảo hiểm tự nguyện thì tăng vừa phải để duy trì tính bền vững của đối tượng tham gia” - ông Phạm Lương Sơn cho hay.•

Chính sách lao động – tiền lương, BHXH, BHYT có hiệu lực từ 2021

Kể từ ngày 1-1-2021, Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực với nhiều chính sách nổi bật về lao động tiền lương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VIẾT LONG ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN