Bao giờ mới ‘khai tử’ được hộ khẩu?
Từ lâu, ai cũng biết rằng chế độ quản lý hộ khẩu đã là rào cản tiến thân của rất nhiều người. Tuy nhiên, dù có những rào cản này, nhiều người ở tỉnh về TP học tập và làm việc vẫn phải tìm đủ cách để vượt qua.
Nhưng những rào cản này không thể sàng lọc được mà nó chỉ gây phiền toái, tốn kém cho người trong cuộc.
Có thể nói chế độ quản lý bằng hộ khẩu là một sự phân biệt đối xử, vi phạm quyền bình đẳng của công dân, vi phạm quyền tự do cư trú của công dân mà Hiến pháp đã quy định rất rõ ràng và sự phân biệt đối xử này gây hai tác hại.
Giữ hộ khẩu - béo “cò”, khổ dân
Theo PGS-TS Võ Trí Hảo, Phó Trưởng khoa Luật - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tác hại dễ thấy nhất trong chế độ hộ khẩu là thiệt thòi cho những người nhập cư khi chưa có hộ khẩu thường trú, con cái của họ sẽ không được học trường công, bệnh viện, tất cả quyền lợi khác của trẻ em bị ảnh hưởng…
Bất cứ một người dân hay gia đình nào đó khi di chuyển từ địa phương A sang địa phương B thì ngay lập tức người ta có nhu cầu nước uống, đi học, chữa bệnh, có nhu cầu sử dụng Internet, điện thoại… Vậy phải giải quyết tất cả quyền lợi của họ chứ không dùng hộ khẩu để ngăn chặn các nhu cầu đó.
Cũng theo PGS-TS Võ Trí Hảo, cần phân biệt rõ khái niệm hộ khẩu là gì. Theo đó, có hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là để quản lý cư trú, khía cạnh thứ hai là gắn hộ khẩu với những quyền lợi được hưởng tại địa phương nơi sinh sống. Theo tôi, ở khía cạnh thứ hai mới đáng phản đối. Nhiều người đánh đồng hai thứ một lúc nên người ta kiếm cớ phản đối việc bỏ hộ khẩu, vì như thế thì lấy gì quản lý cư trú. Nhưng bỏ ở đây là bỏ hộ khẩu theo khía cạnh thứ hai chứ không phải bỏ quản lý cư trú, vì như bỏ quản lý cư trú thì biết người dân sống ở đâu.
Người dân làm thủ tục nhập hộ khẩu tại quận 1, TP.HCM. Ảnh: HTD
Người ta lập lờ giữa A và B, theo nghĩa xóa đi thì mất cả A lẫn B nhưng ở đây xóa nó mà chỉ giữ lại khía cạnh tốt đẹp.
“Việc tồn tại hộ khẩu còn dẫn đến một hiện tượng tiêu cực là việc chạy hộ khẩu. Chúng ta vẫn thường nghe câu “Đục nước thì béo cò”. Ở đây thì “béo cò (cò chạy hộ khẩu) lại khổ dân”” - ông Hảo nhận định.
Hơn nữa nếu bỏ hộ khẩu, chỉ giữ lại khía cạnh quản lý cư trú, sát sao và thông thoáng hơn trong việc này thì người dân sẽ tích cực đăng ký đầy đủ. Từ đó giúp cơ quan quản lý nắm bắt được người ta cư trú ở đâu, lúc đó sẽ không còn tình trạng hộ khẩu một nơi người một nơi nữa.
Bỏ hộ khẩu không đơn giản
Đồng quan điểm với PGS-TS Võ Trí Hảo, TS Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, cũng cho rằng hộ khẩu chủ yếu để quản lý nơi sinh sống của công dân nhưng chúng ta gắn với nhiều thứ khác. Tuy nhiên, bà Lý cũng bày tỏ đây là vấn đề liên quan đến quy hoạch vùng, đô thị, khu dân cư... và quyền con người về tự do cư trú, đi lại, tài sản, được bảo vệ an ninh, an toàn... nên theo bà Lý đây không phải là việc đơn giản nói bỏ là xong.
“Hiện nay việc người dân giao lưu, đi lại và tạm trú theo con cháu hoặc lao động phi chính thức... đang gần như làm xáo trộn tỉ lệ dân cư ở nhiều khu vực. Và những người này thực chất không có hộ khẩu nơi đến nhưng các vấn đề có liên quan, họ vẫn dùng hộ khẩu nơi ở cũ. Hai việc này cần được xem xét khi giải quyết việc bỏ hộ khẩu và dùng thẻ công dân. Thẻ công dân đăng ký nơi ở, công việc đang làm, y tế, bảo hiểm để Nhà nước có cái nhìn tổng quan khi quy hoạch về các dịch vụ đường, trường, trạm y tế, nước, điện khu vui chơi... cũng như tạo được sự lưu thông thuận lợi của thị trường lao động” - bà Lý cho hay.