Báo động xe điên gây tai nạn: 'Chà đạp' lên luật pháp

“Để ngăn xe điên, lái xe hung hăng, việc quan trọng nhất là nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật; xử lý thật nghiêm, bất kể người vi phạm là ai” - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng trao đổi xung quanh vấn nạn “xe điên”.

Báo động xe điên gây tai nạn: 'Chà đạp' lên luật pháp - 1

Chiếc ô tô gây tai nạn làm 3 người chết trên đường Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) chỉ dừng khi leo lên vỉa hè, cắm vào cửa nhà dân, hôm 29/2. Ảnh: Phương Sơn.

“Sợ nhất người lái hung hăng”

Người tham gia giao thông đang rất không yên tâm khi ra đường vì lo ngại “xe điên” đâm phải, ông nghĩ gì về thực tế này?

Những vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây có tình tiết khác nhau nhưng nguyên nhân sâu xa đều do ý thức người tham gia giao thông.

Vụ tai nạn ở đường Ái Mộ (Hà Nội) hôm 29/2, lái xe không bằng lái, uống rượu khi điều khiển như vậy đã thể hiện ý thức quá kém. Vụ tai nạn làm 4 người trên một xe, kể cả người ngồi sau ở Hà Giang cũng xảy ra hôm 29/2 đang điều tra nhưng có thể thấy, họ đã đi tốc độ rất cao. Và nếu 4 người đều thắt dây an toàn, hậu quả không thương tâm như vậy.

Việc gặp những người lái xe nguy hiểm, hung hăng như vậy gây nguy hiểm, lo sợ cho người đi đường. Bản thân tôi khi tham gia giao thông cũng lo ngại về những người điều khiển giao thông có hành vi bất thường, đặc biệt là những người vượt đèn vàng, đèn đỏ vào thời điểm vừa hết đèn xanh.

Theo ông, hành vi lái xe hung hăng hay có thể gọi là “xe điên” đó xuất phát từ đâu?

“Những người lái xe điên gây chết người đều bị pháp luật xử lý hình sự. Tuy nhiên, số vụ việc như vậy không được đề cập nhiều là do ở tính nhân văn của pháp luật và dư luận, báo chí. Cuộc đời họ sẽ ra sao khi đi đâu cũng bị nhắc anh này, chị kia vừa ra tù vì gây tai nạn, lái xe điên. Chúng tôi mong rằng, mọi người hãy cố gắng không bị rơi vào trường hợp đó”.          

Ông Khuất Việt Hùng

Có những vụ tai nạn do kỹ năng lái xe, do đào tạo chưa tốt. Như vụ cô gái lái ô tô đâm 2 người chết, 8 người bị thương tại Đắk Lắk năm 2014 có nguyên nhân từ việc cô này mới có bằng lái được ít ngày. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng theo tôi là ý thức người tham gia giao thông. Khi người cầm lái ý thức kém, lái xe hung hăng thì việc họ có bằng lái hay không lại không phải là vấn đề.

Một người say rượu lái xe gây tai nạn liệu có phải do ý thức không? Hoàn toàn có, vì trước khi họ uống, họ đã nắm được uống rượu không được lái xe nhưng họ vẫn xác định sẽ uống và lái xe về.

Có một điều tương đối phổ biến là “xe điên” thường lại rất đắt tiền, người lái thường cũng có tiền. Phải chăng có sự liên quan giữa điều kiện kinh tế người lái và xe điên, thưa ông?

Có một hiện tượng trong xã hội, đang tồn tại những người tin họ có thể chà đạp, đứng trên pháp luật. Báo Tiền Phong cũng đưa tin về những thanh niên ngổ ngáo, vi phạm nhưng huýt sáo khi đi qua chốt CSGT.

Báo động xe điên gây tai nạn: 'Chà đạp' lên luật pháp - 2

Ông Khuất Việt Hùng

Xử nghiêm xe thường, sẽ hết xe điên

Thưa ông, việc ý thức lái xe kém như vậy phải chăng việc giáo dục về văn hóa, đạo đức khi tham gia giao thông chúng ta chưa kỹ càng trong các trung tâm đào tạo lái xe?

Văn hóa giao thông hiểu một cách cơ bản nhất là chấp hành đúng các quy định pháp luật về giao thông. Đạo đức trong xã hội hiện đại cũng được hiểu là tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật. Điều đó trong các chương trình đào tạo lái xe hay bất cứ chương trình học nào cũng đã được đề cập như vậy.

Tuy nhiên, xét về đào tạo lái xe chúng ta cũng cần xem xét lại ở các góc độ để làm sao tăng cường kỹ năng cho người lái. Chẳng hạn, chúng ta có thể áp dụng mô hình của các nước: Bắt buộc một người sau khi qua kỳ sát hạch, phải được người đã có bằng chính thức giám quản mới được lái xe tham gia giao thông.

Ngay cả lĩnh vực bảo hiểm cũng có thể tham gia bằng cách, với người mới lái xe, tiền mua bảo hiểm phải thật đắt để họ tăng trách nhiệm và chia sẻ vì họ có nguy cơ gây tai nạn cao.       

Vậy giải pháp ngăn chặn xe điên là gì, thưa ông?

Xe không điên khi người cầm lái biết sẽ bị xử phạt nghiêm minh. Để ngăn xe điên, lái xe hung hăng, việc quan trọng nhất là nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật; xử lý thật nghiêm, bất kể người vi phạm là ai.

Có một thực trạng là hiệu quả thực thi pháp luật, đặc biệt là giá trị răn đe chưa cao. Trước đây, phương tiện ít, CSGT xử lý một trường hợp, mọi người đều nhìn vào để tránh. Bây giờ phương tiện đông, vi phạm nhiều, lực lượng chức năng xử lý không xuể.

Tuy nhiên, dù sao, điều tôi muốn nhấn mạnh là nâng cao hiệu lực xử lý vi phạm là giải pháp tốt nhất. Người ta sẽ không dám vi phạm nếu biết rằng xác suất bị xử lý và xử lý vi phạm rất nặng. Đó cũng là lý do  Ủy ban ATGT quốc gia chọn chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” cho năm 2016.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sỹ Lực (Tiền Phong)
Xe Camry đâm chết 3 người Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN