Bảo đảm an toàn về người trong bão số 1
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, không để có sự cố về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản.
Chiều tối 17-7, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết do tác động của hoàn lưu bão số 1, từ sáng 18-7, vùng biển vịnh Bắc Bộ có sóng tăng dần, cao 2-4 m; khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình sóng biển cao 2-3 m.
Mưa rất to, nguy cơ lũ quét ở nhiều nơi
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, hoàn lưu của bão số 1 sẽ gây mưa lớn ở khu vực Việt Bắc và Đông Bắc, trong đó các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng sẽ là trọng tâm mưa lớn. Dự kiến lượng mưa từ đêm 17 đến hết ngày 19-7, khu vực Đông Bắc có lượng mưa phổ biến 200-300 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm; khu vực Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc Bộ có mưa to với tổng lượng mưa từ 100-200 mm; khu vực Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-120 mm.
"Với diễn biến mưa như vậy cần đề phòng mưa lớn gây ngập úng đô thị. Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái" - ông Hưởng cho biết.
Cơ quan khí tượng cảnh báo từ ngày 18 đến 20-7, trên các sông suối thuộc khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3-5 m ở thượng lưu, từ 2-4 m ở hạ lưu. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông Thương, Lục Nam có khả năng đạt mức báo động (BĐ) 1 - BĐ2; đỉnh lũ khu vực thượng lưu và các sông suối nhỏ thuộc sông Đà, sông Thao, sông Lô lên mức BĐ1 và trên BĐ1.
Các sông suối nhỏ khu vực các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh có khả năng xuất hiện lũ cục bộ. Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh vùng núi, trung du phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên và Thanh Hóa. Ngoài ra cũng đề phòng nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ tại các khu đô thị đặc biệt ở các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang Thái Nguyên.
Cảnh báo lũ trên các sông suối lên nhanh có thể ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, suối, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp tại các bãi, bờ.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị thuyền phao ứng phó với bão số 1 Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Chuẩn bị chu đáo nhất có thể
Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết để bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền đang hoạt động tại TP Hạ Long, từ 12 giờ ngày 17-7, tỉnh cấm biển, dừng toàn bộ tàu ra khơi. Tỉnh cũng tổ chức đưa khách du lịch từ các khu du lịch biển về đất liền an toàn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện thực hiện hỗ trợ, cứu hộ - cứu nạn khi có tình huống xảy ra. UBND huyện Cô Tô đã xuất bến 42 chuyến tàu đưa hơn 8.000 lượt khách về đất liền.
Các địa phương chuẩn bị, rà soát phương án bố trí phương tiện, nhân lực sẵn sàng thực hiện ứng phó khi có tình huống thời tiết nguy hiểm. Ngành than đã sẵn sàng phương tiện, nhân lực ứng phó với tình huống mưa lớn trên các khai trường, hầm lò do các đơn vị của ngành đang khai thác và sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.
Tại TP Hải Phòng, để ứng phó, phòng chống bão số 1, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố, đề nghị dừng tiếp nhận khách du lịch tại Cát Bà và Đồ Sơn từ 12 giờ ngày 17-7. TP Hải Phòng cũng dự kiến cấm biển vào 21 giờ cùng ngày.
Sáng cùng ngày, phát biểu kết luận tại cuộc họp trực tuyến với 27 địa phương từ Quảng Ninh đến Nghệ An về công tác ứng phó với cơn bão số 1, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ Công điện số 646 của Thủ tướng ban hành ngày 16-7 là kim chỉ nam cho mọi hành động, trong điều kiện không kịp xin ý kiến thì các bộ, ngành, địa phương lấy công điện để áp dụng. Yêu cầu mục tiêu là không để có sự cố về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản. "Có 4 điều cần lưu ý. Một là, không chủ quan lơ là. Hai là, chủ động linh hoạt. Ba là, phối hợp tốt trong cung cấp thông tin và trong ứng xử với từng việc cụ thể. Cuối cùng là chuẩn bị chu đáo nhất có thể" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực của các bộ, ngành và địa phương trong những ngày qua để chủ động phòng chống cơn bão đầu tiên của năm 2023. "Điều chắc chắn nhất bây giờ là không có gì chắc chắn cả. Dự báo vẫn là dự báo, mọi việc diễn tiến có thể không như những gì chúng ta mong muốn. Cơn bão số 1 là sự khởi động cho mùa mưa bão năm nay, mọi việc còn ở phía trước, chúng ta hết sức lưu ý" - lãnh đạo Chính phủ nói.
Tạm đóng cửa 3 sân bay Do ảnh hưởng của bão số 1, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng yêu cầu Cảng vụ Hàng không miền Bắc dừng tiếp nhận máy bay đi/đến các sân bay: sân bay Nội Bài trong khoảng từ 11 giờ đến 20 giờ ngày 18-7, sân bay Vân Đồn từ 9 giờ đến 19 giờ ngày 18-7, sân bay Cát Bi từ 9 giờ đến 19 giờ ngày 18-7. Còn tại Cà Mau, trong 3 ngày qua, giông lốc đã làm chìm 1 tàu cá; sập, tốc mái 14 nhà dân. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đã có văn bản hỏa tốc triển khai ứng phó với bão số 1, trong đó có việc phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu thuyền trên biển để tìm nơi tránh trú an toàn, vận động những người canh giữ đáy hàng khơi vào bờ... Tại tỉnh Hậu Giang, do ảnh hưởng của mưa giông nên làm sập hoàn toàn 4 căn nhà, tốc mái 15 căn và nhiều diện tích lúa thu đông bị thiệt hại từ 30%-40%. D.Ngọc - Q.Trường - V.Du |
Nguồn: [Link nguồn]
Đến tối qua, hầu hết các tàu, thuyền nửa phía Bắc vịnh Bắc Bộ đã vào bờ, trú, tránh bão, trước khi bão số 1 tiến vào phía Đông Bắc, vịnh Bắc Bộ, lúc rạng sáng nay -...