Bão Côn Sơn diễn biến phức tạp trong bối cảnh dịch COVID-19, dự kiến sơ tán 150.000 dân
Lực lượng chức năng từ trung ương tới địa phương đang lên phương án ứng phó với bão Côn Sơn trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Bão có thể gây mưa lớn cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ
Ngày 8/9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã họp khẩn triển khai công tác ứng phó với bão Côn Sơn. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp có đại diện một số bộ, ngành và kết nối với 10 điểm cầu các tỉnh, thành phố.
Ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp ứng phó bão Côn Sơn
Theo ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hồi 13 giờ chiều (8/9), bão Côn Sơn đang ở trên khu vực phía Nam đảo Lu-dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào Biển Đông thành bão số 5 năm 2021.
Trong những ngày tới, bão Côn Sơn chủ yếu di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Dự báo, bão mạnh nhất đạt cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 13 khi di chuyển trên Biển Đông.
Với hướng di chuyển và cường độ này, cơ quan khí tượng cảnh báo bão gây gió mạnh trên toàn bộ khu vực Biển Đông trong các ngày 9-11/9. Trong đó, vùng biển ở khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11 vào ngày 10/9. Sóng biển cao 3-5m.
Về tác động trên đất liền, ông Mai Văn Khiêm cho biết do bão còn ở xa và hướng di chuyển sau khi vào Biển Đông còn thay đổi, nên cơ quan khí tượng chưa thể đưa ra nhận định cụ thể về lượng mưa do bão gây ra.
Tuy nhiên, dự báo ban đầu cho thấy, bão Côn Sơn có thể gây ảnh hưởng trực tiếp cho các khu vực từ Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ. Nếu theo nhận định như hiện tại, bão có thể đi vào vịnh Bắc Bộ và gây ra đợt mưa 200-300mm cho các tỉnh Bắc Trung Bộ và phía nam Đồng bằng Bắc Bộ.
“Do phân bố mưa phụ thuộc rất lớn vào hướng đi và cường độ của bão, chúng tôi sẽ có nhận định cụ thể về lượng mưa trên đất liền sau khi bão đi vào Biển Đông và không còn sự tương tác với các hình thái khác”, ông Khiêm cho biết.
Ngoài ra, trước khi chịu ảnh hưởng do bão, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục mưa dông trong những ngày tới. Đêm nay (8/9), mưa lớn tập trung ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Sơn La, Hòa Bình, lượng 70-120 mm cả đợt, có nơi trên 150 mm.
Tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, mưa lớn tiếp diễn với lượng 150-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm. Mưa kéo dài đến hết ngày 9/9 với nhiều nguy cơ lũ quét, sạt lở ở các tỉnh miền núi.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão Côn Sơn. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Lên phương án sơ tán dân trong bối cảnh dịch COVID-19
Theo ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, thông tin cập nhật nhanh ban đầu, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng. Trong đó, dự kiến sơ tán 73.996 dân khu vực ven biển; 70.770 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Ông Hoài nhấn mạnh, khi ứng phó với bão, các khu vực vùng ảnh hưởng của bão và khu vực tàu thuyền vào neo đậu phải có phương án kết hợp ứng phó với dịch COVID-19.
“Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể về phương án sơ tán dân ứng với nguy cơ dịch bệnh tại từng khu vực. Cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai sẽ có công văn gửi cho lãnh đạo Bộ Y tế để phối hợp trong việc đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện việc này”, ông Hoài chia sẻ.
Kết thúc cuộc họp, ông Trần Quang Hoài yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Côn Sơn và tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó; tăng cường thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Đối với vùng đồng bằng và ven biển, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản; sẵn sàng vận hành hệ thống tiêu. Đảm bảo an toàn và khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố. Lực lượng quản lý đê chuyên trách kiểm tra các vị trí xung yếu, công trình đê điều đang thi công dở dang.
Đối với vùng núi, cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặt biệt là các hồ chứa thủy lợi nhỏ, xung yếu.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác để các bộ, ngành, địa phương triển khai ứng phó phù hợp, nhất là dự báo cường độ và thời điểm bão đổ bộ, cường độ và diện mưa.
Nguồn: [Link nguồn]
Bão Côn Sơn (CONSON) có thể di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc và tiếp tục mạnh lên, trở thành cơn bão mạnh trong mùa...